Hội nghị được tổ chức dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thành Sinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; tham dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và đại diện 24 doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Công Thương trình bày tại hội nghị, năm 2024, giá trị sản xuất, khai thác, chế biến khoáng sản đạt 27.883 tỷ đồng, chiếm 61% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Trong 4 tháng đầu năm 2025, giá trị sản xuất, khai thác, chế biến khoáng sản đạt 9.527 tỷ đồng, tương ứng với 16% kế hoạch năm; ngành khai thác, chế biến khoáng sản đang giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 người lao động.

Hiện, toàn tỉnh có 23 dự án mỏ được cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác, bao gồm: 12 dự án khai thác quặng apatit, 3 dự án khai thác quặng đồng, 4 dự án khai thác quặng sắt, 2 dự án khai thác quặng graphit, 1 dự án khai thác quặng secpentin và 1 dự án khai thác nước khoáng nóng.

Với các dự án chế biến sâu khoáng sản, toàn tỉnh hiện có 9 đơn vị sản xuất hóa chất với tổng công suất 117 nghìn tấn phốt pho vàng, 944 nghìn tấn axit sunfuric, 260 nghìn tấn axit photphoric trích ly, 27 nghìn tấn axit thực phẩm, 60.000 tấn axit điện tử và 3.000 tấn phốt pho đỏ.
Tỉnh Lào Cai cũng có 5 nhà máy sản xuất phân bón vô cơ, sản lượng trong năm 2024 đã vượt con số 1 triệu tấn. Với các dự án luyện kim, hiện 2 nhà máy luyện đồng có công suất thiết kế 30 tấn đồng cathode/năm và các sản phẩm bạc, vàng; Nhà máy gang thép Lào Cai sau 2 tuần khai lò trở lại đã sản xuất được 2,1 nghìn tấn gang thỏi, 4.780 tấn phôi thép.

Về khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân được nêu lên chủ yếu do công tác quy hoạch chồng chéo, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và khó khăn đến từ sự chủ quan của một số doanh nghiệp, như: hạn chế về năng lực tài chính, quy trình sản xuất để xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến môi trường phải tạm dừng sản xuất để khắc phục.
Lào Cai hiện có 4 dự án chưa đi vào hoạt động là Khai trường Cam Đường 2; Khai trường 19; Khai trường 10; Nước khoáng nóng Pom Hán; 5 dự án đang tạm dừng hoạt động để thi công khắc phục sự cố trong sản xuất và các vướng mắc do nhiều nguyên nhân.


Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Sinh nhấn mạnh: Tỉnh sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các doanh nghiệp để tập trung chỉ đạo tháo gỡ đối với từng dự án, cơ sở sản xuất và từng doanh nghiệp cụ thể.
UBND tỉnh yêu cầu các ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ để tham mưu giải quyết khẩn trương, triệt để, tinh thần chỉ đạo của tỉnh là các ngành, đơn vị phải thực hiện các báo cáo tuần, tháng để kịp thời giải quyết vướng mắc.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành phải giải quyết triệt để hiện tượng đùn đẩy, né tránh việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, tránh hiện tượng lấy ý kiến không cần thiết để trì hoãn nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Sinh cũng đề nghị các doanh nghiệp nêu cao tính chủ động, cùng tỉnh, các địa phương, các ngành của tỉnh vào cuộc giải quyết khó khăn, vướng mắc bằng nhiều giải pháp linh hoạt; tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại hoàn toàn vào chính quyền địa phương gây ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của doanh nghiệp.
"Tinh thần là giải quyết đối đa các vướng mắc, khó khăn trong tháng 5, tháng 6 để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng công nghiệp, kinh tế của tỉnh trong năm 2025" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Sinh nhấn mạnh.