Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, người dân sinh sống tại nơi có hoạt động khoáng sản nhưng không được thông báo về thông tin tổ chức, doanh nghiệp hoạt động khoáng sản. Điều này rất dễ dẫn đến hệ quả là người dân bị động, bất ngờ, nhiều người có phản ứng tiêu cực là thiếu đồng thuận với hoạt động khoáng sản của tổ chức, doanh nghiệp. Do vậy, Người dân cần được thông tin về điều tra địa chất và khoáng sản
Nội dung “Quy hoạch khoáng sản” được chỉ rõ tại Điều 13, trong đó điểm d khoản 2 quy định “Khu vực đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV”. Theo quy định thì khoáng sản nhóm IV là đất sét, đất đồi, đất đá lẫn cát cuội, sỏi… nhóm này chỉ phù hợp mục đích làm nền, vật liệu san lấp, thường phát sinh nhu cầu trong quá trình xây dựng công trình.
Đại biểu Sùng A Lềnh phân tích, hầu hết các dự án đầu tư xây dựng có thời hạn ngắn nên việc đưa khoáng sản nhóm IV vào đối tượng quy hoạch cần cân nhắc, đánh giá kỹ hơn về tính phù hợp thực tiễn.
Về quy định “Khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản” (Điều 29), đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị cần cụ thể, chi tiết hơn việc xác định khu vực cấm hoạt động khoáng sản trên cơ sở “kết quả điều tra địa chất về khoáng sản”.
Cũng trong Điều 29, tại điểm đ khoản 1, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “tín ngưỡng” và chỉnh sửa thành nội dung đầy đủ là: Đất tôn giáo, tín ngưỡng. Theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024: Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo (sau đây gọi là đất tôn giáo); đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tín ngưỡng). Đây là các loại đất xây dựng cơ sở, trụ sở và các công trình tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, vì vậy cần xem xét bổ sung vào khu vực cấm hoạt động khoáng sản.
Đại biểu Sùng A Lềnh cũng đề nghị xem xét, nghiên cứu mở rộng khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm như: khu vực có đa dạng sinh học hoặc giá trị sinh thái cao; khu vực có nguy cơ ô nhiễm nước ngầm. Đây vốn là khu có mức độ ảnh hưởng lớn đến cá thể sinh học cũng như môi trường sống của con người.
Với quy định “Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản” (Điều 62), trong đó tại điểm l khoản 1 quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có quyền “Thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản”. Đối chứng với thực tế, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng một số trường hợp thế chấp, góp vốn đăng ký quyền khai thác khoáng sản nhưng khi khai thác lại vi phạm quy định đến mức phải thu hồi giấy phép. Khi đó việc tranh chấp, hướng xử lý các tranh chấp là khá phức tạp, khó giải quyết.
Khai thác khoáng sản là hoạt động đặc thù, trữ lượng khoáng sản đã được đánh giá có thể thay đổi do nhiều nguyên nhân; trường hợp rủi ro, trữ lượng khai thác không như đã dự báo thì không có cơ quan nào chịu trách nhiệm với ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng. Vì vậy đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét thêm quy định cho phù hợp, chặt chẽ.
Đại biểu Sùng A Lềnh còn tham gia xây dựng Điều 64 về “Thiết kế mỏ”, trong đó khoản 1quy định 2 điểm gồm điểm a: “Các dự án khai thác khoáng sản có quy mô phù hợp với quy định về thiết kế một bước và thiết kế hai bước, thiết kế mỏ là thiết kế bản vẽ thi công” và điểm b: “Đối với các dự án khai thác khoáng sản có quy mô phù hợp với quy định về thiết kế ba bước, thiết kế mỏ bao gồm thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công”.
Theo đại biểu Sùng A Lềnh, quy định trên là chưa phù hợp với quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020. Trong đó, điều Luật này quy định “thiết kế 1 bước là thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế hai bước là thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công; thiết kế ba bước bao gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công”.