Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Đưa tiếng sáo từ bản làng ra thế giới

Đưa tiếng sáo từ bản làng ra thế giới

Theo dòng chảy thời gian, những nhạc cụ dân tộc đã và đang có nguy cơ bị mai một. Thế nhưng, chàng thanh niên trẻ Giàng A Hải lại ngược về cội nguồn, đắm say với những bản hòa tấu sáo Mông sâu lắng được tạo nên từ chất liệu thô sơ của núi rừng quê hương. Mạnh dạn sáng tạo các hình thức biểu đạt mới trên nền nhạc truyền thống là cách Hải đang làm để đem văn hóa bản địa tiếp cận khán giả quốc tế.

tieng-sao.jpg

Mùa đông ở Sa Pa, sương mù bao phủ dày đặc như tấm khăn bông trắng muốt cuốn lấy đất trời, mây và núi hòa quyện trong khuôn hình của bức tranh thủy mặc khiến mọi thứ nơi đây trở nên thơ mộng hơn. Trong không gian đất trời giao thoa ấy, chúng tôi bỗng bị mê hoặc bởi âm thanh réo rắt phát ra từ một nhà hàng mang phong cách bản địa. Đúng là tiếng sáo, nhưng sao, nghe như lạ như quen, lúc bổng lúc trầm, lúc lại vút cao trong vắt. Không cưỡng lại sự tò mò lẫn cuốn hút, chúng tôi quyết định bước vào…

Trong không gian ấm cúng của nhà hàng, chàng thanh niên vóc dáng nhỏ thó đang nhắm mắt “phiêu” một bài sáo mang âm hưởng núi rừng, phía dưới những vị khách nước ngoài dừng tiệc, chăm chú lắng nghe. Lúc này, không gian và thời gian như lắng đọng, nhường chỗ cho những giai điệu mộc mạc với thanh âm chạm tới trái tim của khán giả.

tieng-sao-4.jpg

Dừng màn biểu diễn, chàng trai trẻ xoa tay cho bớt lạnh rồi chào chúng tôi bằng nụ cười trìu mến. Bên bàn ăn, dưới ánh nến huyền ảo, những câu chuyện về cây sáo và văn hóa người Mông cứ thế được Hải say sưa kể.

Giàng A Hải sinh năm 2002, là người con của mảnh đất “cao nguyên trắng” Bắc Hà. Ngày nhỏ, Hải được truyền niềm đam mê sáo từ anh họ. Tiếng sáo vui tươi, mượt mà, trong trẻo gợi niềm đam mê đặc biệt đối với chàng trai người Mông đang tuổi cắp sách đến trường. “Tiếng sáo khi réo rắt, vi vút trên đỉnh núi cao đầy sương mù, khi du dương, mượt mà như đưa tôi lạc vào bản làng người Mông giữa núi rừng Tây Bắc, đôi lúc lại tưng bừng rộn ràng như bước chân những chàng trai, cô gái dập dìu tới chợ phiên… Chỉ cần nhắm mắt lại, hình ảnh về mảnh đất quê hương tôi lại hiển hiện lên đẹp như tranh vẽ” - Hải tâm sự.

tieng-sao-3.jpg

Để thỏa niềm đam mê, Hải tự mình ra chợ phiên mua một cây sáo trúc rồi mò mẫm học những nốt nhạc đầu tiên. Hải còn tự mình vào rừng tìm những cây tre, trúc thật chắc, thật khỏe để làm sáo. Ngày học ở lớp, chiều về đi chăn trâu, cắt cỏ, Hải đều mang theo cây sáo bên mình. Tiếng sáo lúc đó của cậu chưa thật mượt mà, đúng điệu nhưng cái da diết, mênh mang của núi rừng, của con người bản làng thì như đã ngấm sâu…

Biết đến tài lẻ của Hải, thầy cô cho cậu cơ hội nhiều lần được đứng trên sân khấu nhà trường biểu diễn độc tấu sáo trúc trong các ngày lễ hội. Tất cả những trải nghiệm tuổi thơ đã ươm lên trong Hải tình yêu mãnh liệt với tiếng sáo. Để rồi học hết lớp 9, Hải quyết định đăng ký tuyển sinh vào Khoa Văn hóa - Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai.

tieng-sao-1.jpg

Những ngày đầu đi học xa nhà, hành trang Giàng A Hải mang theo là cây sáo Mông của người chú rể đã mất để lại. “Từ nhỏ, thế giới của tôi là những con đường quanh co dẫn đến trường, là những ngày rong ruổi trên rừng với cây cối, chim muông. Phải đi học xa, tôi nhớ nhà da diết. Những lúc như thế, tôi lại mang sáo ra thổi để vơi nỗi nhớ” - Hải nhớ lại.

Chưa kịp quen nhịp sống mới, Giàng A Hải đã vấp phải những rào cản chuyên môn. Tiếp xúc với âm nhạc chuyên nghiệp muộn hơn bạn bè đồng trang lứa, anh Hải cảm giác như bị bỏ lại phía sau. “Tiến độ của tôi luôn chậm hơn so với cả lớp, các bạn được học sang bài mới, tôi vẫn phải tập đi tập lại bài cũ. Kiến thức ngày càng nhiều và phức tạp, từ nhạc lý đến cách lấy hơi, giữ nhịp… đã có lúc tôi nản lòng và có ý định chuyển sang chuyên ngành khác để học” - Hải thật thà.

4.jpg

Người thầy dạy sáo đầu tiên cũng là người “cha” thứ 2 luôn đồng hành những lúc Hải có ý nghĩ từ bỏ, đó là giảng viên Nguyễn Đình Chí. Thầy Chí đã cho Hải hiểu rằng, để âm nhạc truyền thống có thể đứng vững trên thị trường âm nhạc hiện đại, người nghệ sĩ phải khéo léo “thổi làn gió mới” cho từng tác phẩm để nó hòa vào dòng chảy nghệ thuật đương đại. Đặc biệt với sáo Mông, cần phải tạo được chất riêng, bởi tiếng sáo cất lên thay cho tiếng lòng của người thổi, phản ánh thiên nhiên, con người và cuộc đời.

Hải là cậu học trò giàu cảm xúc, đó là yếu tố quan trọng của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, tôi luôn căn dặn Hải rằng, có nhiều yếu tố quyết định sự thành công của người nghệ sĩ, bao gồm năng khiếu và sự cố gắng. Dù mình có năng khiếu bẩm sinh hay không, đều phải nỗ lực rèn giũa từ những việc nhỏ nhất

Thầy Nguyễn Đình Chí chia sẻ.

5.jpg

Những lời dạy của thầy cùng với sự nỗ lực không ngừng của bản thân giúp Giàng A Hải trở nên vững vàng hơn trên con đường đã chọn. Sau những giờ học tập trên giảng đường, để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, Hải làm thêm công việc bán sáo dạo. Chiều thứ 6 hằng tuần sau khi tan học, Hải bắt xe buýt lên Sa Pa để bán sáo cho khách du lịch. Hải kể: Ngoài bán sáo, tôi còn sẵn sàng biểu diễn phục vụ du khách những bản nhạc mang hơi thở của núi rừng Tây Bắc, như “Xuân về trên bản Mông”, “Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời” và hướng dẫn khách cách thổi sáo cơ bản. Trong đêm lạnh, tiếng sáo vi vút như mời như gọi, kéo mọi người gần lại nhau hơn, có lẽ vậy mà sạp sáo của tôi lúc nào cũng đông người ghé thăm. Nhiều hôm trở về phòng trọ khi đã sang ngày mới, dù thấm mệt nhưng nghĩ tới những tràng pháo tay tán thưởng của khách, tôi lại có thêm động lực để cố gắng.

tieng-sao-2.jpg

Những ngày bươn chải tại mảnh đất Sa Pa, Giàng A Hải nhận thấy sức hút của tiếng sáo Mông với bạn bè quốc tế là rất lớn. Nhiều du khách sẵn sàng chi rất nhiều tiền để mua sáo và học thổi sáo. Họ có thể ngồi hàng giờ để nghe anh kể về bản sắc văn hóa dân tộc Mông không chỉ thông qua sáo mà còn các nhạc cụ âm nhạc khác. Lòng tự hào dân tộc đã thôi thúc chàng trai trẻ tuổi đôi mươi khao khát được giới thiệu nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình đến nhiều người hơn. Đó là động lực để anh Hải mạnh dạn ghi danh trong cuộc thi quốc tế đầu tiên mang tên Golobal Online Music Audition 2021. Tiết mục Giàng A Hải mang đến cuộc thi là “Xuân về trên bản Mông”, một bản hòa tấu khá quen thuộc với nhiều người. Với phần trình diễn hoàn hảo, Hải đã vượt qua hàng nghìn thí sinh để đạt giải Nhất và 1 suất học bổng tại Úc.

2.jpg

Ước mơ càng lớn, thử thách càng nhiều, Giàng A Hải kỹ tính hơn trong việc lựa chọn bài và tập luyện. Năm 2024, Hải tiếp tục tham gia Liên hoan Âm nhạc quốc tế Hong Kong khu vực Việt Nam. Đây là sự kiện âm nhạc quốc tế có quy mô lớn tại Hồng Kông (Trung Quốc). Ngày thi chính thức, Hải gây bất ngờ khi trình diễn tiết mục “Tiếng rừng” được thể hiện bằng 4 nhạc cụ bộ hơi khác nhau, bao gồm: sáo trúc, sáo Mông, sáo vỗ, kèn môi… Để làm mới tiết mục, Hải đã sáng tạo giai điệu chính với nền nhạc hiện đại. “Tiếng rừng” là bài sáo Mông mang âm hưởng mới, có đầy đủ các tiết tấu sôi động, trầm lắng, cao trào. Tất cả những thanh âm khác nhau của 4 loại nhạc cụ đã hợp thành một “bản nhạc” của đại ngàn độc đáo.

“Đứng trên sâu khấu lớn với hàng nghìn khán giả, tôi tự tin phiêu cùng những nốt nhạc như đang dạo chơi giữa núi rừng quê hương với tiếng gió mây trầm bổng, tiếng chim rừng thánh thót, tiếng thác suối chảy vọng lại gần xa. Những âm thanh ấy kết nối thực tại với quá khứ, để bất cứ ai nhắm mắt lắng nghe cũng hình dung ra sự rộng lớn của núi rừng Tây Bắc và sự đồ sộ của di sản nghệ thuật mà người Mông đã kiến tạo. Điều đó làm tôi vô cùng tự hào” - Hải chia sẻ.

8-3097.jpg

Có lẽ “những gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim”, tiết mục của Hải đã xuất sắc giành giải Nhất, bảng Chuyên nghiệp khu vực Việt Nam nội dung nhạc cụ dân tộc và top 3 bảng Nhạc cụ bộ gỗ tại đêm chung kết tại Hồng Kông.

Tiếp tục tham gia Cuộc thi âm nhạc quốc tế Zhongsin khu vực Việt Nam năm 2024, Giàng A Hải lựa chọn bài sáo “Vấn vương chợ tình” mang màu sắc trẻ trung, tươi mới, kể về chuyện tình yêu của đôi trai gái trong ngày chợ phiên. Bản hòa tấu bằng bộ nhạc cụ dân tộc trở nên sống động, đầy màu sắc khi tái hiện cảnh chợ tình, chợ phiên vùng cao. Nơi đó, có bà con dập dìu đến chợ, trẻ nhỏ chạy nhảy vui đùa, trai gái quấn quýt bên những điệu nhảy, tiếng khèn, tiếng sáo… tất cả tạo nên một không gian văn hóa náo nhiệt, tình tứ và ấm cúng. Một lần nữa, Hải xuất sắc giành giải Nhất Sáo trúc, bảng Nhạc cụ dân tộc, hạng mục chuyên nghiệp.

7.jpg

Có một điều đặc biệt là dù biểu diễn trên sân khấu lớn hay ngoài đường phố, Giàng A Hải luôn xuất hiện chỉn chu trong trang phục truyền thống. Hải bảo, tôi luôn xem văn hóa dân tộc Mông là gốc rễ hình thành nên bản thân mình hiện tại. Tất cả là điểm tựa, là mạch nguồn nuôi dưỡng tinh thần, cảm xúc cho các tiết mục của tôi. Chính vì thế, thứ tôi mang đến cho khán giả không chỉ là âm nhạc truyền thống, mà còn là văn hóa, trang phục và tiếng nói của dân tộc mình.

6.jpg

Nói về những điều mình làm được, Giàng A Hải khiêm tốn chia sẻ: Khi nhận được những giải thưởng trên tôi cảm thấy những cống hiến, cố gắng của mình đã được công nhận, nó vừa là động lực, vừa là trách nhiệm để sau này mình làm tốt hơn. Càng đi nhiều, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa mới thấy điều tạo ra sự khác biệt của Việt Nam chính là con người, văn hóa Việt. Và âm nhạc dân tộc đã tạo cho tôi một sự khác biệt khi bước ra thế giới.

Không chỉ dừng lại ở biểu diễn, Giàng A Hải còn ấp ủ dự định mở một trung tâm dạy thổi sáo để lan tỏa nét đẹp văn hóa Mông đến nhiều bạn trẻ. “Giữ hồn dân tộc là trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và tôi mong sẽ có nhiều người trẻ ý thức được điều này để văn hóa dân tộc sẽ không bị mai một” - Hải nói.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sơn ca nhí tài năng

Sơn ca nhí tài năng

Trở thành “Ngôi sao tỏa sáng” tại cuộc thi Ngôi sao buổi sớm mai năm 2024, Nguyễn Linh Đan, lớp 4A1, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, thành phố Lào Cai ghi dấu ấn trong lòng khán giả bởi chất giọng trong trẻo và đầy nội lực cùng phong cách biểu diễn tự tin, chững chạc mặc dù cô bé mới tròn 9 tuổi.

Người “thủ lĩnh” quyết đoán

Người “thủ lĩnh” quyết đoán

Với kinh nghiệm, kiến thức bản địa quý báu trong ứng phó với thảm họa lũ quét, sạt lở đất ở vùng cao, anh Ma A Chính, Bí thư Chi bộ thôn Cô Tông Bản Vàng, xã Bản Cái, huyện Bắc Hà đã quyết đoán đưa toàn bộ 54 hộ dân trong thôn ra đến khu vực an toàn, dựng lán tránh trú.

Tìm về “địa chỉ đỏ”

Tìm về “địa chỉ đỏ”

Tháng Chín, nắng mùa thu vàng như rót mật, hàng triệu trái tim người Việt Nam lại hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhớ đến ngày thu lịch sử khi Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hòa cùng hàng triệu trái tim ấy, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai lại đến tham quan, dâng hương tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, bày tỏ lòng thành kính với Người.

Ngày Quốc khánh ở thôn Độc Lập

Ngày Quốc khánh ở thôn Độc Lập

Từ cổng chào xã Khánh Yên Hạ (huyện Văn Bàn), chúng tôi về thôn Độc Lập, nơi có gần 200 gia đình đang sinh sống. Dọc tuyến đường bê tông thẳng tắp là những ngôi nhà khang trang giữa tán cây rợp bóng mát, xa hơn là chợ trung tâm xã tấp nập người mua người bán. Nhìn cơ ngơi của người dân nơi đây, ai ai cũng cảm nhận được cuộc sống sung túc, ấm no.

Hướng về nạn nhân da cam

Hướng về nạn nhân da cam

10 năm qua, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Lào Cai đã vận động được gần 8 tỷ đồng (gồm tiền và hiện vật) hỗ trợ nạn nhân da cam xây dựng, sửa chữa nhà; tặng quà; trợ cấp khó khăn; hỗ trợ học bổng, dạy nghề; khám, chữa bệnh…

Chuyện một gia đình liệt sĩ

Chuyện một gia đình liệt sĩ

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những lời dạy của cha - liệt sĩ Trần Kim Chiến vẫn luôn là động lực để cô Trần Thị Thúy vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, xứng đáng với những cống hiến của thế hệ cha anh.

Mang nụ cười lên vùng cao

Mang nụ cười lên vùng cao

Nhìn ánh mắt, nụ cười tràn đầy niềm vui và hạnh phúc của chị em vùng cao sau khi được làm đẹp, tôi lại càng có thêm động lực để tôi tiếp tục dự án “Phun xăm miễn phí cho chị em vùng cao”. Đó là những chia sẻ của chị Nguyễn Bích Ngọc, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai

Làng Tày bình yên giữa lòng thành phố

Làng Tày bình yên giữa lòng thành phố

Giữa lòng thành phố Lào Cai có một “ngôi làng” bình yên, được ví như “ốc đảo xanh” với đầy đủ nét đẹp truyền thống đặc trưng của dân tộc Tày mà ai đã ghé thăm đều muốn quay trở lại.

Tạo không gian xanh nơi công sở

Tạo không gian xanh nơi công sở

Những điểm nhấn xanh nhỏ xinh hiện diện trong không gian công sở không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, gần gũi với thiên nhiên, mà còn giúp thư giãn đầu óc sau những giờ làm việc căng thẳng, xây dựng môi trường làm việc “xanh”, thân thiện môi trường.

Xin đừng “buông tay”

Xin đừng “buông tay”

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… đăng tải nhiều vụ việc liên quan đến người trẻ có hành vi tự tử, gây ra sự lo lắng và đau thương cho gia đình, bạn bè và cộng đồng. Người trẻ tự tử đang là vấn đề đáng lo ngại trong xã hội hiện nay.

Trào lưu Food review

Trào lưu Food review

Ngày nay, nhiều người thường có thói quen vào các trang mạng xã hội để tìm kiếm đánh giá, nhận xét về các địa điểm ăn uống, vui chơi. Đó cũng là cơ hội để cho nghề food review (đánh giá ẩm thực) ra đời. Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều bạn trẻ tại Lào Cai đã nhanh chóng “bắt nhịp”, thử sức với nghề food review.

Độc đáo nghề làm trống nêm

Độc đáo nghề làm trống nêm

Trống nêm là loại nhạc cụ được sử dụng phổ biến trong rất nhiều nghi lễ truyền thống của cộng đồng người Dao đỏ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề làm trống nêm hiện vẫn được giữ gìn, bảo tồn và phát triển bởi các nghệ nhân ở xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa.

Người cao tuổi thời 4.0

Người cao tuổi thời 4.0

Trong thời đại 4.0, công nghệ thông tin phát triển, mạng internet phủ sóng mọi nơi, người cao tuổi cũng làm quen và sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh. Nhờ internet và mạng xã hội, người cao tuổi được kết nối gần hơn, thường xuyên hơn với con, cháu, giao lưu bạn bè, tìm kiếm thông tin chăm sóc sức khỏe…

Dấu ấn vận động hiến máu tình nguyện

Dấu ấn vận động hiến máu tình nguyện

Năm 2023, các cấp hội chữ thập đỏ tỉnh đã tổ chức 16 đợt tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện và tiếp nhận gần 8.400 đơn vị máu, vượt 11% kế hoạch đề ra. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã vận động và tiếp nhận gần 4.000 đơn vị máu, tiếp tục góp phần cung cấp nguồn máu cho việc cấp cứu và điều trị người bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.

Vùng trâu giống quốc gia Bảo Yên giờ ra sao?

Vùng trâu giống quốc gia Bảo Yên giờ ra sao?

Những năm 1960, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhập trâu Murrah từ Ấn Độ lai với trâu địa phương nhằm cải tạo, nâng cao năng suất sức kéo đàn trâu địa phương, từ đó Bảo Yên trở thành vùng trâu giống tốt nhất khu vực, được coi là vùng có trâu giống quốc gia.

Khi mùa hoa là mùa du lịch

Khi mùa hoa là mùa du lịch

Cùng với cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ và bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc, những mùa hoa bản địa tạo nên khung cảnh đẹp ngỡ ngàng đang thu hút du khách đến với Lào Cai. Du lịch mùa hoa đã và đang tạo thương hiệu riêng khi gắn với hoạt động du lịch của mỗi địa phương.

Giúp nông dân nâng kỹ năng nghề

Giúp nông dân nâng kỹ năng nghề

Những năm qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tập huấn, dạy nghề nhằm nâng cao kỹ năng nghề, tạo việc làm, cải thiện thu nhập và đời sống cho hội viên, nông dân.

Xây dựng trường học an toàn

Xây dựng trường học an toàn

Trước nguy cơ nhiều đối tượng xấu tìm mọi cách lôi kéo, dụ dỗ học sinh hút thuốc lá điện tử, tham gia đánh nhau, tổ chức đua xe, thậm chí sử dụng ma túy… các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội, giúp học sinh nhận diện hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ bản thân trước những cám dỗ.

fb yt zl tw