Chiến tranh đã lùi xa nhưng những lời dạy của cha - liệt sĩ Trần Kim Chiến vẫn luôn là động lực để cô Trần Thị Thúy vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, xứng đáng với những cống hiến của thế hệ cha anh.
Đồng chí Trần Kim Chiến xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng, sớm được giác ngộ và được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 18 tuổi.
Từ năm 1962 đến năm 1964, đồng chí Trần Kim Chiến giữ chức Phó Trưởng Ty Công an tỉnh Lào Cai. Năm 1965, đồng chí xung phong chi viện cho chiến trường miền Nam và được Bộ Công an điều động vào chiến trường Khu 6, bổ nhiệm giữ chức Ủy viên Ban An ninh.
Đồng chí Trần Kim Chiến hy sinh tháng 8/1967 tại xã Phan Thanh, huyện Phan Lý Chàm (nay là huyện Bắc Bình), tỉnh Bình Thuận. Do hoàn cảnh chiến tranh nên 40 năm sau, gia đình và đồng đội mới tìm thấy phần mộ của liệt sĩ Trần Kim Chiến và đưa về quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Lào Cai.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng và truy tặng nhiều phần thưởng cao quý, như Huân chương Kháng chiến hạng Ba thời kỳ chống Pháp, Huân chương Lao động hạng Nhì, Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân và được truy tặng nhiều huân, huy chương cao quý khác...
Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống phỉ, gián điệp, biệt kích ở miền Bắc; kiên cường bám trụ trên chiến trường miền Nam và anh dũng hy sinh trong chiến đấu của đồng chí Trần Kim Chiến, ngày 27/1/2016, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Trần Kim Chiến.
Kỳ họp cuối năm 2017, HĐND tỉnh Lào Cai đã ra Nghị quyết đặt tên đường phố mang tên Anh hùng - liệt sĩ Trần Kim Chiến thay tên đường 1/5 chạy qua trụ sở Công an tỉnh Lào Cai, Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, phóng viên Báo Lào Cai đã có cuộc gặp gỡ với cô Trần Thị Thúy, con gái của liệt sĩ Trần Kim Chiến.
“Trước khi lên đường nhập ngũ, cha tôi từng hứa: “Bao giờ thống nhất đất nước, bố sẽ về đưa con đi chữa bệnh”. Trong những lá thư bố gửi về từ chiến trường cho gia đình, ngoài những dòng tin tức về cuộc chiến đấu gian khổ và nhiều hy sinh, mất mát, ông vẫn không quên nhắc lại lời hứa với tôi năm xưa. Thế rồi, những lá thư chứa đầy ân tình ấy thưa dần. Năm 1967, gia đình tôi nhận được tin ông đã hy sinh. Lời hứa năm xưa phải gác lại…” - cô Thúy không kìm được những dòng nước mắt lăn dài khi nhắc về cha mình.
Cô Thúy bị bại liệt từ nhỏ, tuổi thơ thường bị bạn bè trêu về dáng đi của mình. Tuy nhiên, cô vẫn sống lạc quan, yêu đời, phấn đấu theo tấm gương của cha. Năm 2019, cô được trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.
Chị Trần Thị Hằng Vân, con gái cô Thúy tâm sự: Tiếp nối truyền thống cha ông, ghi nhớ công ơn của ông ngoại đã hy sinh để bảo vệ đất nước, thế hệ con cháu chúng tôi khi trưởng thành luôn hướng về cội nguồn. Bản thân tôi luôn phấn đấu trong học tập, công tác và cố gắng nuôi dạy con chăm ngoan, học giỏi.
“Mặc dù ông ngoại không thực hiện được lời hứa với mẹ tôi nhưng tôi đã thay ông trở thành “đôi chân”, chỗ dựa tinh thần cho mẹ suốt cuộc đời” - chị Vân bộc bạch.
Thế hệ trẻ hôm nay không phải trải qua chiến tranh nhưng cuộc chiến tranh trong lịch sử vẫn đặt những dấu ấn đậm nét trong tâm trí mỗi người. Vẫn còn đó những nghĩa trang liệt sĩ, những câu chuyện cảm động của những người thân về một thời khói lửa. Hy vọng câu chuyện về liệt sĩ Trần Kim Chiến và gia đình của ông sẽ góp phần giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn tới thế hệ trẻ.