LCĐT - Một ngày cuối năm 2019, khi đợt lạnh giá được coi là khắc nghiệt nhất trong năm, phóng viên Báo Lào Cai đã có mặt tại Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai để “mục sở thị” công tác khám, chữa bệnh của đơn vị y tế vùng cao khó khăn nhất tỉnh.
Đã gần trưa mà sương mù, mưa phùn vẫn bao phủ khắp nơi, đứng cách nhau vài chục sải chân mà không nhận ra mặt người quen. Cái lạnh ở vùng đá núi chồng lên đá núi cũng khác thường, như ngàn mũi kim châm xuyên qua từng lớp áo khiến việc đứng yên một chỗ cũng ngỡ mình sắp hóa đá. Lạnh khiến chúng tôi nghĩ rằng, mọi người nếu không phải ở trong nhà đắp chăn, không ngồi bên bếp lửa sưởi ấm thì phải là công việc quan trọng, đặc biệt, ốm đau mới phải ra khỏi nhà.
Lượng bệnh nhân nhi tăng tới 20% trong những ngày lạnh giá. |
Nhưng với các y, bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai thì khác, thời tiết lạnh giá khiến họ bận rộn, tất bật hơn, bởi theo thống kê sơ bộ của đơn vị, lạnh giá khiến lượng bệnh nhân nhi nhập viên tăng cao hơn 20% so với thời điểm trước đó. Các bệnh nhi chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi, viêm mũi, viêm họng và một số bệnh truyền nhiễm khác.
Vừa tổ chức khám, chữa bệnh, các y, bác sỹ, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai còn phải hỗ trợ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân chống lại cái lạnh như bố trí phòng có điều hòa nhiệt độ, cấp thêm chăn, áo ấm, đệm nằm.
Phòng tiêm tại Khoa Nhi có máy sưởi để bệnh nhi đỡ lạnh. |
Sau những giờ giải quyết công tác chuyên môn trong một ngày bận rộn, bác sỹ Hà Thị Hường, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai đã dành cho phóng viên một khoảng thời gian để tìm hiểu về đơn vị.
Đầu năm 2019, Bệnh viện Đa khoa huyện Si Ma Cai sáp nhập vào Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai với nhiệm vụ y tế dự phòng và tổ chức khám bệnh, chữa bệnh. Hiện, Trung tâm có 5 phòng chức năng, 15 khoa, phòng chuyên môn, phụ trách tuyến xã gồm 2 phòng khám đa khoa khu vực và 13 trạm y tế xã với tổng số 210 cán bộ.
Bác sỹ Hà Thị Hường cho biết, việc sáp nhập đã giúp đơn vị tăng cường số cán bộ có chuyên môn ở bộ phận hành chính cho các khoa, phòng, nhất là cán bộ có trình độ đại học và sau đại học. Vừa tránh được tình trạng lãng phí nguồn nhân lực cao lại khắc phục tình trạng thiếu bác sỹ tại các bộ phận trực tiếp khám, chữa bệnh.
Là cơ sở y tế của huyện nghèo nên từ năm 2016, Sở Y tế đã rất quan tâm đầu tư trang thiết bị, hạ tầng cho Bệnh viện Đa khoa huyện Si Ma Cai, trong đó có các hạng mục đáng kể như nhà hồi sức cấp cứu, khu chạy thận nhân tạo, nhà chờ khám bệnh và cải tạo một số hạng mục quan trọng khác.
Cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại giúp quá trình điều trị của người dân thêm thuận lợi. |
Từ đó đến nay, nhất là trong năm 2019, sau khi sáp nhập, công tác khám, chữa bệnh tại Trung tâm đã cải thiện hơn rất nhiều, được đánh giá thực hiện tốt trên cả 2 tuyến, triển khai có hiệu quả một số dịch vụ kỹ thuật vượt tuyến. Ngoài ra, Trung tâm Y tế còn đảm bảo chế độ thường trực cấp cứu 24/24 giờ; tiếp nhận, điều trị kịp thời các ca bệnh; thực hiện nghiêm các quy định về tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Bệnh nhân vào viện được khám bệnh, chữa bệnh kịp thời, đảm bảo đủ thuốc và các vật dụng thiết yếu.
Năm 2019, có trên 51 nghìn lượt người dân đến khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế và phòng khám đa khoa khu vực, đạt 170% kế hoạch. Có hơn 10 nghìn lượt bệnh nhân điều trị nội trú, đạt 145% kế hoạch, riêng công suất sử dụng giường bệnh tại Trung tâm Y tế huyện vượt 18 %. Là cơ sở y tế vùng cao nhưng trong năm qua đơn vị đã triển khai 373 ca phẫu thuật, 18.273 ca thủ thuật và 302 lượt chạy thận nhân tạo.
Điều đáng chú ý là Trung tâm Y tế huyện đã triển khai được nhiều kỹ thuật vượt tuyến, giúp bệnh nhân là người địa phương giảm bớt chi phí, gánh nặng tài chính khi được điều trị ngay tại trung tâm huyện với các phẫu thuật trước đây không thể như nạo VA, phẫu thuật cắt Amidan, phẫu thuật polyp mũi, phẫu thuật chích nhĩ đặt ống thông khí..
Thực hiện sự chỉ đạo của ngành y tế, trong thời gian qua, Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai luôn nhắc nhở, quán triệt đội ngũ cán bộ y tế quan tâm rèn ý thức, tinh thần, thái độ phục vụ với mục tiêu mang tới sự hài lòng của người bệnh.
Chúng tôi rời Trung tâm Y tế huyện vào cuối buổi chiều, sương mù lúc này đã hóa thành mưa phùn nặng hạt khiến cái lạnh lại càng thấu xương nhanh hơn. Đoàn chúng tôi trên đường trở về thành phố, dù không nói ra nhưng ai cũng thấy ấm lòng trước sự đổi mới của cơ sở y tế tại một trong những huyện nghèo, khó khăn nhất cả nước.