LCĐT - “Trước đây, Đội Văn nghệ thôn có cụ ông chơi đàn tam hay nhất, nhì tỉnh. Giờ cụ mất rồi, nhưng Đội chưa tìm được người thay thế. Giới trẻ bây giờ không thích chèo” - ông Lê Xuân Điệp, Đội trưởng Đội Văn nghệ thôn Giao Bình, xã Xuân Giao (Bảo Thắng) thoáng chút ngậm ngùi khi nhắc về những nghệ nhân quá cố.
Tình yêu với dân ca
Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, mái tóc đã bạc trắng bởi năm tháng, nhưng khi nghe chúng tôi hỏi về chèo, hỏi về Đội Văn nghệ của thôn thì dường như sự sôi nổi trong ông Lê Văn Điệp bừng tỉnh. Ông cầm cây “líu”, đôi tay vừa dẻo dai, thoăn thoắt kéo cây “líu”, vừa ngân nga một câu chèo về Xuân Giao đổi mới, đôi mắt lộ rõ vẻ hân hoan.
![]() |
Buổi tập của Câu lạc bộ Dân ca xã Trì Quang. |
Trong căn nhà khang trang mới xây xong, ông Điệp thiết kế phòng khách rộng rãi, chiếm phần lớn diện tích căn nhà chỉ để phục vụ việc tập hát, múa chèo cho Đội Văn nghệ. Đã mấy năm nay, cứ chiều chủ nhật hằng tuần, các thành viên lại tập trung tại nhà Đội trưởng để tập luyện văn nghệ. Trước đây, cái tên “Câu lạc bộ dân ca Lê Xuân Điệp” được nhiều bà con trong thôn, trong xã nhắc đến với niềm tự hào. “Lên núi vẫn được xem hát chèo”, ấy là một sự lạ trên vùng đất này, bởi lẽ, tỉnh Lào Cai nói chung, huyện Bảo Thắng nói riêng không phải là cái nôi của những làn điệu chèo, những câu quan họ. Nhưng giờ đây, đến Xuân Giao hỏi về “Đội chèo ông Điệp”, hỏi về Đội Văn nghệ thôn Giao Bình thì chẳng ai không biết. Đội Văn nghệ thôn Giao Bình được thành lập năm 2013, tiền thân là đội văn nghệ của ông Điệp. Và cũng chính ông là người đã khởi xướng, thành lập đội hát chèo, hát dân ca của thôn, của xã.
Sinh ra trên quê hương Thái Bình, nghe theo tiếng gọi của Đảng, ông Điệp cùng bao người con của vùng đất lúa đã lên Lào Cai khai hoang từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Với hai bàn tay trắng giữa muôn trùng núi non, ông cùng gia đình miệt mài lao động, sản xuất, biến những bãi lau, đồi cỏ thành ruộng, nương. Sau giờ làm việc, những câu hát dân ca giúp ông xua đi sự mệt nhọc, thể hiện nỗi nhớ quê hương, đồng thời là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác, gieo vần những bài ca thắp lên hy vọng đổi thay trên quê hương mới.
Cái tên “Giao Bình” được ghép chữ “Giao” của xã Xuân Giao với chữ “Bình” của tỉnh Thái Bình nên mang ý nghĩa lớn đối với ông và bao người dân trong thôn cùng tham gia khai hoang, lập nghiệp. “Tôi hát chèo từ năm 18 tuổi, còn là thành viên trong đội hát chèo của địa phương. Lấy vợ, tôi vẫn “trốn vợ” đi hát chèo, ngày ấy tôi yêu chèo lắm” - ông Điệp nhớ lại. Chính từ tình yêu làn điệu chèo ấy mà khi đặt chân đến quê hương thứ hai, ông mong muốn hình thành được một đội văn nghệ hát dân ca. Thế là, đội văn nghệ do ông Điệp khởi xướng được thành lập từ năm 1971. Trải qua nhiều thăng trầm, hoạt động của đội văn nghệ có lúc sôi nổi, lúc trầm lắng, hợp rồi tan. Những làn điệu chèo có giai đoạn chìm vào quên lãng.
Hơn 40 năm đã qua kể từ ngày những câu hát chèo đầu tiên ngân vang trên vùng đất mới, trong ông Điệp vẫn luôn đau đáu nhớ về những làn điệu dân ca quê hương, ngọn lửa đam mê lại bùng lên như thời trai trẻ. Ông tập hợp lại các thành viên, dù đã lớn tuổi nhưng cũng như ông, họ đều có chung một mong muốn khôi phục lại đội văn nghệ. Chính vì vậy, Câu lạc bộ Dân ca Lê Xuân Điệp ra đời năm 2008 và đến năm 2013, được UBND xã ra quyết định thành lập Đội Văn nghệ thôn Giao Bình do ông Điệp làm Đội trưởng. Ngoài việc tập những làn điệu chèo, các bài múa truyền thống, ông Điệp và các thành viên trong Đội còn tự sáng tác những ca khúc mới về quê hương Xuân Giao, nơi họ sinh sống, gắn bó cả nửa thế kỷ qua. Mỗi khi xã có sự kiện, Câu lạc bộ chuẩn bị nhiều tiết mục để biểu diễn chào mừng.
Sức lan tỏa mạnh mẽ
Những làn điệu chèo cứ như thế lan tỏa, như làn gió mát lành len lỏi khắp các thôn, bản, đi vào đời sống, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xã Xuân Giao. Sức lan toả ấy không dừng lại ở Xuân Giao, mà tới nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Bảo Thắng. Minh chứng là nhiều đội văn nghệ, câu lạc bộ dân ca đã ra đời trong thời gian gần đây. Các câu lạc bộ trong huyện thường xuyên có sự gặp gỡ, cùng tập luyện, biểu diễn giao lưu để có thể học hỏi, khai thác được nhiều làn điệu dân ca hay, điệu múa uyển chuyển.
![]() |
Ông Lê Xuân Điệp (phải ảnh) vừa kéo “líu” vừa ngân nga một điệu chèo. |
Câu lạc bộ Dân ca xã Trì Quang thành lập tháng 4/2015, cũng bắt nguồn từ phong trào này. Ngôi nhà của ông Lê Xuân Hùng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trì Quang cứ chiều thứ 7 hằng tuần là có hội viên về tập luyện: “Ngoại trừ tôi, 17 thành viên còn lại đều sản xuất nông nghiệp, công việc nhà nông nặng nhọc được xua tan phần nào khi họ tham gia tập luyện hát dân ca”. Cũng như Đội Văn nghệ thôn Giao Bình, các thành viên trong Đội là những người dân nghe theo tiếng gọi của Đảng từ miền biển Hải Phòng lên đất Trì Quang xây dựng quê hương mới. Giờ đây, các thành viên trong Câu lạc bộ phần nhiều là người cao tuổi; tiếng hát, tiếng đàn, điệu múa tuy không chuyên, không “mượt” nhưng chứa chan tình cảm với quê hương Trì Quang. Đó là niềm đam mê của những nông dân chân chất, là cái mộc mạc thể hiện tình yêu với quê hương, tình cảm giữa con người với con người. “Mỗi khi xã tổ chức sự kiện, các thành viên trong đội, kể cả những người tuổi cao sức yếu vẫn nhiệt tình biểu diễn phục vụ bà con” - bà Bàn Thị Xay, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ.
Tôi có thể cảm nhận tinh thần ấy qua không khí của buổi tập luyện. Nhiều thành viên Câu lạc bộ Dân ca xã Trì Quang chân tay đã run, trụ không vững khi xoay người theo điệu múa bởi tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng trên môi họ luôn thường trực nụ cười...
Để làn điệu dân ca vang mãi
Không khí buổi tập tại Câu lạc bộ Dân ca xã Trì Quang bỗng trở nên lắng xuống. Với vẻ mặt trầm tư, nhiều trăn trở khi nói về việc xây dựng lớp kế cận, Chủ nhiệm Bàn Thị Xay bảo: Giới trẻ bây giờ “chạy theo” những dòng nhạc hiện đại, nhiều cháu không yêu thích các làn điệu dân ca, có cháu chỉ tập với Câu lạc bộ vài buổi thì bỏ”.
Hiện, người trẻ nhất trong Câu lạc bộ cũng đã 50 tuổi. Theo năm tháng, những đôi chân di chuyển trở nên nặng nề. Ông Lê Xuân Điệp cũng như nhiều người đam mê các làn điệu dân ca đều mong muốn trước khi về với tổ tiên sẽ có những người kế tục những di sản mà thế hệ trước đã cất công gây dựng, bảo vệ. Trên địa bàn huyện Bảo Thắng hiện có 4 đội văn nghệ, câu lạc bộ dân ca ở các xã: Xuân Giao, Trì Quang, Gia Phú và thị trấn Phố Lu. Thông qua những câu hát mộc mạc, đơn sơ, những người yêu làn điệu dân ca gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Mỗi câu hát trong những buổi biểu diễn, họ thể hiện mong muốn mọi người cùng hưởng ứng, lưu giữ vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống, nét văn hóa của cha ông để lại, để những làn điệu dân ca mãi mãi ngân vang...