Tại chương trình, diễn giả là các nhà làm phim đã từng có những tác phẩm thực hiện tại Việt Nam đều chung nhận định về những trải nghiệm làm phim thuận lợi của họ. Đồng thời khẳng định, Việt Nam rất giàu tiềm năng phát triển điện ảnh, có vị thế cạnh tranh lớn trong khu vực.
Cần môi trường thông thoáng cho sự hợp tác
Theo đạo diễn phim “Người Mỹ trầm lặng” Phillip Noyce, cần phải có thêm chính sách hỗ trợ các đoàn làm phim Hollywood khi vào Việt Nam, môi trường sản xuất phim thông thoáng để tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.
Trong khi đó, ông Nicholas Simon - Tổng Giám đốc Indochina Productions nhận định, Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành phim trường, nhiều nơi có thể lấy làm bối cảnh để thực hiện các cảnh quay như Hạ Long, Hội An, Hà Nội... Thậm chí có nhiều nơi rất đặc biệt, chưa bao giờ được xuất hiện trong phim. “Những ký kết giữa các nhà làm phim với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, hàng không sẽ mở ra cơ hội mới và tăng tính cạnh tranh của du lịch, điện ảnh Việt Nam trong khu vực” - ông Simon nói và cho rằng, để thúc đẩy phát triển điện ảnh, thu hút các nhà làm phim, trước hết từ Luật Điện ảnh phải tạo ra các chính sách ưu đãi, bớt thủ tục hành chính để điểm đến Việt Nam trở nên hấp dẫn.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho biết, Việt Nam đang nỗ lực đơn giản hóa giấy phép làm phim, cung cấp các ưu đãi về thuế và hỗ trợ cần thiết để đảm bảo trải nghiệm của các nhà làm phim tại đây diễn ra liền mạch và thành công. Theo ông Phong, điện ảnh sẽ là kênh tuyệt vời để giúp quảng bá Việt Nam ra thế giới và thúc đẩy phát triển du lịch.
Là doanh nghiệp từng trực tiếp tham gia vào việc đón các đoàn làm phim tới Sơn Đoòng (Quảng Bình), Tổng Giám đốc Oxalis Adventure Nguyễn Châu Á cho biết, những năm qua Oxalis đã đón nhiều đoàn phim Hollywood như “Peter Pan”, “Kong: Skull Islands”; các chương trình truyền hình như Good Morning America... Như vậy, hiệu quả quảng bá du lịch Việt Nam là rất lớn.
Tuy nhiên, theo đại diện Oxalis, chúng ta chưa có nhiều nhân lực chuyên nghiệp phục vụ các đoàn làm phim lớn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ trong việc khảo sát bối cảnh, hỗ trợ sản xuất, hậu cần dịch vụ ăn ở đi lại, đặc biệt là các dịch vụ cao cấp dành cho các ngôi sao hạng A.
Hội thảo "Giới thiệu Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) và môi trường làm phim ở một số tỉnh, thành Việt Nam" diễn ra song song với các hoạt động tại Liên hoan phim quốc tế Busan cũng không nằm ngoài mục đích giới thiệu bối cảnh làm phim tại Việt Nam, từ đó thu hút không chỉ du khách mà cả các nhà làm phim, nhà sản xuất, nghệ sĩ… nổi tiếng từ các nền công nghiệp điện ảnh lớn trên thế giới đến với Việt Nam.
TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) cho rằng, điện ảnh không chỉ là một loại hình văn hóa nghệ thuật mà còn là động lực tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế. Thông qua phim ảnh, việc quảng bá du lịch tích hợp hiệu quả và nhanh chóng truyền tải tới khán giả toàn cầu. Là một cây cầu giữa các nhà làm phim và các nhà hoạch định chính sách, giữa các quốc gia trong nước và quốc tế, cộng đồng điện ảnh, VFDA đang nỗ lực hết mình vì sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, với mong muốn thu hút nhiều tác phẩm điện ảnh quốc tế uy tín hơn về cho đất nước.
Khơi nguồn cảm hứng của du khách
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh, từ địa lý, khung cảnh thiên nhiên tới hệ thống di tích, di sản văn hóa đặc sắc... đáp ứng làm bối cảnh phim trường. Nếu khai thác tốt, điện ảnh sẽ không chỉ là một kênh quảng bá du lịch mà còn có thể trở thành một loại hình du lịch nhiều sức hút. Ví dụ, với những phim lấy bối cảnh Hà Giang, như "Lặng yên dưới vực sâu", "Chuyện của Pao", "Mặt trời đỏ", "Cha cõng con", "Tết ở làng địa ngục"... đã kéo du khách trong nước tới tỉnh vùng cao biên giới này ngày một nhiều hơn.
Tuy nhiên, do nhiều lý do, Hà Giang vẫn chưa trở thành nơi thu hút các đoàn làm phim nước ngoài như Hội An, Ninh Bình, hay Quảng Bình.
Cũng nói về tiềm năng phát triển du lịch thông qua điện ảnh với việc hợp tác làm phim với các nhà sản xuất nước ngoài, không thể không nhắc tới thành công của phim "A Tourist’s Guide To Love" (Bí kíp tình yêu của một du khách), được quay tại các địa điểm du lịch như Đà Nẵng, Hội An, Hà Giang, Hà Nội, TPHCM. Bộ phim phát sóng trên Netflix, kể về chuyến đi với mục đích “chữa lành vết thương trái tim” của Amanda sau khi chia tay bạn trai ở Mỹ. Hầu hết cảnh xuyên suốt phim được quay tại Việt Nam. Đây là phim quốc tế đầu tiên được Bộ VHTTDL cấp phép quay sau dịch Covid-19.
Hành trình khám phá Việt Nam của một cô gái “mang trong mình trái tim bị thương” đã làm hiện lên một Việt Nam thân thiện, tuyệt đẹp, đưa người xem đến một không gian rất khác lạ. Trong phim có nhiều cảnh về phong tục của người Việt, như xông đất đầu năm, mọi người quây quần trên chiếc chiếu cói ăn bữa cơm Tết truyền thống. Và tất nhiên có cả những cảnh chợ quê hay là những lần lang thang ăn đêm ở phố cổ Hà Nội.
Giới chuyên gia du lịch cho rằng, những người làm phim “Bí kíp tình yêu của một du khách” đến từ Hollywood đã khéo léo giới thiệu rất nhiều cảnh đẹp của Việt Nam cũng như cuộc sống sinh hoạt hàng ngày không dễ tìm thấy ở những quốc gia khác. Mỗi phân cảnh của bộ phim đều lạ lẫm và gây tò mò với người nước ngoài.
Theo Expedia - trang web du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới, bộ phim là nguồn cảm hứng du lịch khi mà 66% du khách Mỹ cho biết đã từng cân nhắc một điểm đến sau khi được xem những bối cảnh trong phim.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều đoàn làm phim nước ngoài. Trong khu vực, điều đó có thể thấy khi so sánh với Thái Lan, Indonesia, hoặc Campuchia. Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy gia tăng khách du lịch tới các quốc gia này chính là có cái bắt tay chặt chẽ với các nhà sản xuất phim nước ngoài, nhất là khi họ đến từ Hollywood.
Chính vì vậy, sau việc “mở đường” của chương trình xúc tiến du lịch, điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới”, cần có những hợp tác chi tiết hơn, cụ thể và thiết thực hơn. Vì rằng, thực tế cho thấy, sau nhiều hồ hởi với một số bộ phim nước ngoài thực hiện lấy bối cảnh Việt Nam, thì hiệu quả cũng chưa được như kỳ vọng.
Theo TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA), sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp điện ảnh trong nước đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và nhà sản xuất phim từ khắp nơi ở châu Á và thế giới. Trong những năm gần đây, VFDA đã nỗ lực hỗ trợ các tỉnh và địa phương trong việc nhận thức tầm quan trọng cũng như tiềm năng của ngành công nghiệp điện ảnh, bên cạnh phát triển văn hóa, du lịch.