Dự Hội nghị có các đồng chí: Trịnh Xuân Trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thành Sinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Hiệp hội Du lịch Lào Cai và Yên Bái (trước sáp nhập); các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở đào tạo nghề du lịch và các cơ quan báo chí trung ương, địa phương.
Dự hội nghị còn có Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch; ông Vũ Quốc Trí, Ủy viên Ban Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận tập trung vào các nội dung: Cơ hội cho du lịch Lào Cai khi sáp nhập tỉnh; khó khăn trong tiếp cận chính sách hỗ trợ sau sáp nhập; nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, giao thông kết nối; thiếu hụt lao động chất lượng cao và đề xuất hỗ trợ về đào tạo nghề; công tác xúc tiến quảng bá chưa đồng bộ giữa các vùng; đề xuất tăng cường cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư du lịch.



Đại diện nhiều doanh nghiệp đề xuất tỉnh quan tâm hơn nữa đến công tác quảng bá điểm đến ở các vùng du lịch mới sáp nhập; xây dựng chiến lược truyền thông chung, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số và liên kết tuyến, điểm du lịch giữa các địa phương trong tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Sinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong suốt thời gian qua, du lịch Lào Cai đã có sự phát triển mạnh mẽ, đột phá cả về lượng khách và tổng thu từ hoạt động du lịch. Năm 2024, Lào Cai đã đón gần 10 triệu lượt khách (tỉnh Lào Cai cũ đón trên 8 triệu lượt, tỉnh Yên Bái đón 2 triệu lượt), với tổng thu khoảng 29 nghìn tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2025 toàn tỉnh đón trên 7,2 triệu lượt khách (tỉnh Lào Cai cũ đón trên 5,8 triệu , tỉnh Yên Bái đón 1,4 triệu lượt)... Sau khi sáp nhập tỉnh, du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đã có thêm không gian phát triển rộng lớn và đầy triển vọng cho sự phát triển.


Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến, hiến kế để du lịch Lào Cai thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung vào các nhóm định hướng chủ yếu: Chú trọng, tập trung phát triển du lịch bền vững, bảo tồn giá trị văn hóa và thiên nhiên, đồng thời phát huy bản sắc dân tộc của các cộng đồng địa phương. Các dự án du lịch cần phải có kế hoạch bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên một cách hợp lý. Tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phục vụ du lịch như khách sạn, các điểm tham quan. Đặc biệt ưu tiên phát triển hạ tầng phục vụ giao thương và kết nối với các địa bàn, thị trường du lịch Cảng hàng không Sa Pa, mở rộng cao tốc Nội Bài - Lào Cai.



Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế sau sáp nhập, cần phát triển đa dạng hóa các sản phẩm du lịch từ du lịch sinh thái, văn hóa, văn hóa tâm linh cho đến du lịch nghỉ dưỡng, thể thao mạo hiểm. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương tham gia phát triển sản phẩm mới.
Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch, tăng cường hoạt động quảng bá, kết nối thị trường và tạo thương hiệu cho du lịch Lào Cai thông qua các sự kiện văn hóa, lễ hội, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế.
Tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế, khuyến khích hợp tác với các tổ chức du lịch nước ngoài, xây dựng các liên kết du lịch chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong cả nước và khu vực.
Tại hội nghị, đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 10 tập thể và 8 cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong phát triển du lịch; Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh tặng Giấy khen cho các cá nhân có đóng góp cho sự phát triển của du lịch tỉnh (ảnh dưới).

Hội nghị là hoạt động thiết thực chào mừng 65 năm Ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam, đồng thời mở ra cơ hội tăng cường gắn kết giữa chính quyền và doanh nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng du lịch rộng mở sau sáp nhập, góp phần xây dựng thương hiệu “Lào Cai hấp dẫn – chuyên nghiệp – bền vững” trong giai đoạn phát triển mới.