LCĐT - Dền Thàng là thôn xa nhất xã Tả Van, nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên, đời sống đồng bào Mông ở đây rất khó khăn. Có mặt tại Dền Thàng vào những ngày cuối tháng 9, chúng tôi thấy bà con trong thôn hối hả bước vào vụ thu hoạch lúa. Anh Hầu A Seng, Trưởng thôn Dền Thàng ôm bó lúa, nét mặt không vui: Năm nay, nhiều ruộng lúa ở Dền Thàng bị sâu bệnh, nên cây lúa phát triển kém, hạt lép, năng suất thấp. Nhà tôi cấy 40 kg giống lúa VL20, chỉ thu hoạch được 40 bao thóc, giảm một nửa so với năm 2015.
Được biết, năm nay người dân ở Dền Thàng chủ yếu cấy giống lúa VL20 và Nhị ưu 838 (giống lúa Trung Quốc, nằm ngoài cơ cấu). Do lúa bị sâu bệnh hại, nên trung bình mỗi hộ chỉ thu được khoảng 20 bao thóc, bằng một nửa vụ mùa năm 2015. Đặc biệt, 6 hộ có toàn bộ diện tích lúa không cho thu hoạch là: Hầu Séo Giang, Sùng A Khoa, Hầu A Sú, Sùng Thị Chá, Hầu A Phàng, Hầu A Chớ. Thôn Dền Thàng có 102 hộ, thì có tới 88 hộ nghèo. Nguồn thu chính của người dân ở đây là thảo quả và lúa. Năm nay, thảo quả mất mùa, lúa cho năng suất thấp, khiến bà con lo lắng.
![]() |
Thôn Dền Thàng có 4,8 ha lúa VL20 và Nhị ưu 838 cho năng suất thấp vì bị bệnh đạo ôn cổ bông. |
Hiện tượng một số diện tích lúa ở thôn Dền Thàng cho năng suất thấp không chỉ khiến người dân bất an, mà cấp ủy đảng, chính quyền xã Tả Van cũng rất lo lắng. Ông Sì Văn Cang, Bí thư Đảng ủy xã Tả Van cho biết: Cấp ủy đảng, chính quyền xã đã kiểm tra và báo cáo UBND huyện Sa Pa. Vừa qua, Đoàn công tác của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sa Pa đến kiểm tra, đánh giá tình hình, nhưng đến nay, vẫn chưa có thông tin cụ thể về chính sách hỗ trợ. Hiện, người dân rất mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để khôi phục sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.
"Do người dân chủ quan, chưa chú trọng phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh, nên năng suất lúa vụ mùa bị ảnh hưởng. Mặt khác, ngoài giống lúa VL20 có trong cơ cấu giống, một số hộ dân tự mua giống lúa lai Nhị ưu 838 của Trung Quốc (nằm ngoài cơ cấu giống) về gieo cấy. Giống lúa này không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, khả năng kháng bệnh kém, dễ bị sâu bệnh, cho năng suất thấp." Ông trần Mạnh Hùng (Phó Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Sa Pa) |
Trên địa bàn huyện Sa Pa, hiện tượng lúa mùa bị sâu bệnh, cho năng suất thấp không chỉ xảy ra ở thôn Dền Thàng, mà còn rải rác ở một số thôn thuộc các xã vùng hạ huyện. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sa Pa, trên địa bàn huyện có 5,8 ha lúa VL20 và Nhị ưu 838 bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, thiệt hại trên 70% năng suất, tập trung ở các xã: Tả Van, Sử Pán, Thanh Kim, San Sả Hồ, Hầu Thào, Bản Phùng, Trung Chải. Trong đó, thôn Dền Thàng, xã Tả Van có diện tích nhiễm nặng nhất, với 4,8 ha.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sa Pa cho biết: Thời gian qua, thời tiết trên địa bàn huyện Sa Pa có mưa nhiều, thời tiết nóng ẩm, phát sinh bệnh đạo ôn cổ bông trên cây lúa ở một số xã vùng cao. Tuy nhiên, do người dân chủ quan, chưa chú trọng phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh, nên năng suất lúa vụ mùa bị ảnh hưởng. Mặt khác, ngoài giống lúa VL20 có trong cơ cấu giống, một số hộ dân tự mua giống lúa lai Nhị ưu 838 của Trung Quốc (nằm ngoài cơ cấu giống) về gieo cấy. Giống lúa này không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, khả năng kháng bệnh kém, dễ bị sâu bệnh, cho năng suất thấp.
Trước tình trạng trên, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sa Pa đã cử cán bộ trực tiếp đến các xã kiểm tra tình hình, rà soát diện tích lúa bị thiệt hại, đồng thời chỉ đạo các xã và người dân các thôn, bản có lúa bị bệnh đạo ôn cổ bông tiêu hủy tàn dư cây lúa bị nhiễm bệnh; tuyên truyền, khuyến cáo bà con trong thời gian tới cần sử dụng các giống lúa theo đúng cơ cấu và chú trọng phát hiện, phòng, trừ dịch bệnh kịp thời. Vì diện tích lúa bị thiệt hại không nhiều, không công bố thành dịch, nên các hộ dân không được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Hiện, ngành nông nghiệp huyện đã báo cáo UBND huyện Sa Pa để nghiên cứu, xem xét tìm giải pháp hỗ trợ các hộ dân có nhiều diện tích lúa bị thiệt hại do sâu bệnh.
Thực tế cho thấy, tuy diện tích lúa bị sâu bệnh cho năng suất thấp trên địa bàn huyện Sa Pa không nhiều, nhưng chủ yếu diễn ra ở các thôn, bản vùng cao. Nếu trong thời gian tới, các hộ bị thiệt hại nhiều không nhận được sự hỗ trợ thì khả năng khôi phục sản xuất và cuộc sống của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ngành nông nghiệp và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần sớm tìm ra giải pháp hỗ trợ, giúp bà con vượt qua khó khăn, yên tâm sản xuất.