
Trên cánh đồng lúa xã Mường Lai, những bờ ruộng đang dần khô trắng dưới cái nắng sau mưa. Công trình thủy lợi liên hồ Từ Hiếu cung cấp nước tưới cho gần 250 ha lúa và diện tích nuôi trồng thủy sản của xã nay đã không còn khả năng tưới tiêu. Do hệ thống kênh mương chính với 45 điểm cầu máng, cống dẫn bị sập, nhiều đoạn bị nước lũ cuốn trôi, đất đá vùi lấp.


Bà Trần Thị Phòng, người dân thôn 2, xã Mường Lai cho biết: “Nước lũ về đêm, sáng ra đã thấy máng trôi mất rồi. Kênh gãy từng đoạn, mương thì đầy đất. Không có nước, lúa khô rễ từng ngày”.
Không riêng gì xã Mường Lai, tại xã Lục Yên, công trình hồ Làng Át cũng bị tổn hại nghiêm trọng. Tuyến kênh dài hơn 12km hiện có tới hơn 30 điểm sạt lở taluy dương, vùi lấp kênh; nhiều vị trí sạt taluy âm tiềm ẩn nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
“Không thể dẫn nước, gần 40 ha lúa ở vùng này đang đứng trước nguy cơ mất trắng” - một cán bộ nông nghiệp địa phương cho biết.
Công trình thủy lợi Khuổi Đáng, xã Lục Yên nơi cung cấp nước tưới cho trên 5ha lúa cũng bị đất đá vùi kín đập đầu mối, ống dẫn nước dài 33m bị cuốn trôi hoàn toàn. Ba trụ đỡ cầu máng bằng bê tông sập đổ, kéo theo toàn tuyến kênh chính mất khả năng hoạt động.
Giữa thời điểm mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp, Công ty TNHH MTV Tân Phú là đơn vị được giao quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi tại các xã thuộc khu vực huyện Lục Yên cũ đã khẩn trương triển khai phương án ứng phó. Lực lượng kỹ thuật, công nhân từ các chi nhánh được điều động tăng cường, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và người dân tiến hành sửa chữa, gia cố hàng chục điểm xung yếu trên các tuyến kênh, đập đầu mối, cầu máng bị hư hỏng nặng.

Chị Vũ Thị Lĩnh – cán bộ kỹ thuật Chi nhánh Bình Lục, Công ty TNHH MTV Tân Phú cho biết: “Chúng tôi làm cả trong những ngày mưa lớn, tranh thủ từng giờ nắng hiếm hoi để đẩy nhanh tiến độ. Ưu tiên hàng đầu là khơi thông các đoạn kênh bị đất đá vùi lấp, dựng lại máng cầu, thay thế các ống dẫn nước quan trọng để sớm đưa nước về đồng, giúp bà con kịp gieo sạ trong tháng 7 này”.
Trong cuộc chạy đua với thời gian để khôi phục “mạch sống” cho sản xuất nông nghiệp, Công ty TNHH MTV Tân Phú đã huy động tối đa lực lượng, tổ chức ba tổ thi công luân phiên 24/24 giờ tại các điểm trọng yếu. Vật liệu xây dựng được tập kết khẩn trương đến hiện trường, từng mét kênh, từng đoạn máng được nắn chỉnh, khơi thông trong điều kiện thời tiết bất lợi, mặt bằng thi công ngổn ngang bùn đất. Những người thợ khoác áo mưa, lội giữa bùn lầy, miệt mài dựng lại từng đoạn kênh bị gãy, thay thế các ống dẫn bị nước cuốn trôi, đóng cọc chống sạt ở các vị trí xung yếu.
Chị Bùi Thị Thanh Hà – Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Tân Phú cho biết: “Tổng kinh phí dự kiến cho đợt khắc phục khẩn cấp này là hơn 3 tỷ đồng, trong đó có sự chung tay đóng góp của các doanh nghiệp qua hình thức xã hội hóa. Dù chưa thể xử lý triệt để toàn bộ hư hỏng, song mục tiêu cấp thiết hiện nay là khôi phục cơ bản khả năng tưới tiêu trước cao điểm vụ mùa”.
Sự chủ động, linh hoạt, tinh thần trách nhiệm cao của đơn vị quản lý công trình thủy lợi không chỉ góp phần đảm bảo an toàn hạ tầng, mà còn là điều kiện tiên quyết để người dân yên tâm khôi phục sản xuất, vượt qua khó khăn, ổn định đời sống sau thiên tai.
Không chỉ thiên tai gây hư hỏng, một thực tế đáng lo ngại là phần lớn công trình thủy lợi hiện đã được xây dựng từ nhiều năm trước, xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều tuyến kênh không được kiên cố hóa, máng cầu bằng sắt thép bị gỉ, gãy hỏng dễ dàng trước sức nước. Việc lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình để xây dựng nhà ở, đào ao, trồng cây vẫn còn phổ biến, cản trở quá trình sửa chữa và vận hành.
Chị Bùi Thị Thanh Hà chia sẻ thẳng thắn: “Cứ mưa là sạt, cứ lũ là gãy. Nếu không có sự đầu tư đồng bộ, kiên cố hóa toàn tuyến, thì năm nào chúng ta cũng phải đi “chữa cháy’ sau mưa lũ”.
Thực tế cho thấy, để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trước biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, không thể chỉ trông chờ vào lực lượng quản lý chuyên trách. Cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống công trình, xây dựng kế hoạch nâng cấp, kiên cố hóa có lộ trình, ưu tiên cho vùng trọng điểm lúa và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, cần tăng cường giám sát việc lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi, tuyên truyền để người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ hạ tầng tưới tiêu vốn là điều kiện sống còn của sản xuất nông nghiệp.