Ngành Đường sắt: Thay đổi để 'hút' khách

Không chỉ đảm nhiệm vận tải hành khách, ngành Đường sắt mong muốn trở thành một dịch vụ kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các vùng miền, địa phương.

Chính tư duy bám sát nhu cầu thị trường đó đã góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành Đường sắt vốn từ lâu bị “đóng đinh” là trì trệ, lạc hậu.

Biểu diễn nghệ thuật trên chuyến tàu “di sản miền Trung” kết nối Huế - Đà Nẵng.
Biểu diễn nghệ thuật trên chuyến tàu “di sản miền Trung” kết nối Huế - Đà Nẵng.

Từ những đoàn tàu du lịch, tàu chất lượng cao

Tối 1-7-2025, chị Nguyễn Thanh Bình (phường Vĩnh Hưng, Hà Nội) lên trang web bán vé trực tuyến của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) để mua vé trải nghiệm đoàn tàu du lịch Hoa Phượng Đỏ, tuyến Hà Nội - Hải Phòng cho cả gia đình 4 người đi vào ngày cuối tuần (ngày 5-7-2025). Thế nhưng toàn bộ toa VIP với 34 ghế ngồi được thiết kế theo kiểu Đông Dương của các đoàn tàu HP1, LP3, LP5 (giá 350.000 đồng/vé) đều đã bán hết, chỉ còn các toa ghế mềm điều hòa có thể xoay 180 độ với giá 180.000 đồng/vé.

“Nhiều hành khách chia sẻ những bức ảnh ấn tượng về toa tàu VIP với nội thất, không gian thiết kế hoàn toàn khác biệt so với các chuyến tàu khác. Trên toa tàu có wifi miễn phí, quầy bar phục vụ miễn phí 1 loại đồ uống tự chọn và hệ thống ghế ngồi có thể xoay 180 độ để hành khách thoải mái ngắm cảnh hoặc giao lưu nên chúng tôi nhất định phải “săn” vé để trải nghiệm”, chị Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Hải Phòng Trần Văn Hạnh cho biết, đoàn tàu du lịch Hoa Phượng Đỏ do VNR phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng chính thức được khai trương ngày 10-5-2025. Các chuyến tàu du lịch chuyên biệt này hút khách do tạo được bản sắc riêng, cộng với việc đông đảo hành khách từ Hà Nội, đặc biệt là giới trẻ, thích thú được xuống Hải Phòng trải nghiệm “food tour”. Chỉ trong vòng 21 ngày (từ ngày khai trương đến hết ngày 31-5-2025), đoàn tàu đã thực hiện 176 chuyến, vận chuyển gần 90.000 lượt hành khách, doanh thu đạt gần 9 tỷ đồng. Sản lượng hành khách của đoàn tàu Hoa Phượng Đỏ nói riêng và các đoàn tàu khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng nói chung vẫn đang tăng trưởng tốt.

Không riêng gì Hoa Phượng Đỏ, thời gian qua, ngành Đường sắt đã liên tục đưa vào khai thác các chuyến tàu du lịch - văn hóa gắn với các điểm đến đặc sắc, tạo hiệu ứng tích cực cho du khách trong nước và quốc tế. Điển hình là tuyến tàu “di sản miền Trung” kết nối Huế - Đà Nẵng. Trên tàu, du khách được thưởng thức âm nhạc dân gian, các món ăn đặc sản miền Trung, đồng thời chiêm ngưỡng cung đường qua đèo Hải Vân được mệnh danh “đệ nhất hùng quan”.

Từ tháng 4-2024, tuyến tàu ngắn Đà Lạt - Trại Mát mang tên “Hành trình đêm Đà Lạt” dài khoảng 7km vốn là đoạn đường sắt răng cưa còn sót lại từ thời thực dân Pháp đô hộ cũng được đầu tư cải tạo, đưa vào khai thác với những toa xe hoài cổ, hành khách được thưởng thức nhạc dân tộc, uống trà atiso… Nhờ đó, doanh thu tuyến này tăng gần gấp đôi so với trước đó…

Những chuyến tàu du lịch chuyên biệt, tàu chất lượng cao cùng với các tuyến tàu khách thường xuyên trong tình trạng kín chỗ, nhất là vào các dịp cuối tuần, lễ, Tết đã góp phần đưa sản lượng hành khách của ngành Đường sắt tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2024, sản lượng hành khách đi tàu đạt hơn 7 triệu lượt, tăng 14% so với năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm 2025, sản lượng hành khách đạt hơn 3,7 triệu lượt...

Các chuyến tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng luôn đông khách vào dịp cuối tuần.
Các chuyến tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng luôn đông khách vào dịp cuối tuần.

Thay đổi tư duy kinh doanh gắn với thị trường

Trong hàng thập kỷ, khi các loại hình vận tải đường không, đường bộ phát triển mạnh mẽ thì đường sắt được định vị là phương tiện vận chuyển chủ yếu dành cho các đối tượng thu nhập thấp, học sinh, sinh viên. Những toa tàu cũ kỹ, lạc hậu, vệ sinh thậm chí xả thẳng xuống đường ray… đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều hành khách.

Nhìn rõ hạn chế, không kêu khó, không đổ lỗi cho cơ chế, cán bộ, công nhân viên ngành Đường sắt đã và đang thay đổi tư duy kinh doanh, bám sát nhu cầu thị trường, tận dụng những lợi thế sẵn có của ngành để thu hút hành khách.

Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, thời gian qua, ngành Đường sắt đã áp dụng hàng loạt giải pháp như: Đa dạng các hình thức bán vé, áp dụng chính sách giảm giá vé vào các dịp thấp điểm; đầu tư nâng cấp, cải tạo toa xe để cho ra mắt các đoàn tàu chất lượng cao; triển khai cải tạo, nâng cấp các nhà ga...

VNR cũng “bắt tay” với các địa phương có tiềm năng du lịch thiết kế các chuyến tàu chuyên biệt, mang đến những trải nghiệm văn hóa và du lịch đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của địa phương. Hành trình của một số chuyến tàu còn dừng lại tại các điểm tham quan để du khách check-in, chụp hình lưu niệm… Về phía các địa phương tích cực đảm nhiệm khâu truyền thông, chuẩn hóa dịch vụ lưu trú - ẩm thực với mức giá hợp lý cũng như bảo đảm an ninh, an toàn cho hành khách…

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Đỗ Văn Hoan cho biết, chính sách kinh doanh vận tải đường sắt gần đây hết sức linh hoạt, với nhiều loại giá vé theo vị trí ngồi, theo ngày, vé tháng, vé tập thể… Chất lượng dịch vụ, trang thiết bị trên tàu, dưới ga đã được cải thiện nhiều so với trước đây nên ngày càng thu hút hành khách.

“VNR đang hướng tới phát triển các sản phẩm vận tải không chỉ là điểm đến, mà là trải nghiệm đi tàu, trải nghiệm hành trình du lịch để quảng bá hình ảnh của đất nước. Con tàu có thể trở thành điểm check-in di động, nhà ga là điểm đến của văn hóa và di sản... Đường sắt mong muốn trở thành một dịch vụ kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các vùng miền, địa phương”, Tổng Giám đốc VNR Hoàng Gia Khánh nói.

Mới đây, cẩm nang du lịch Lonely Planet đã xếp tuyến đường sắt Thống Nhất của Việt Nam đứng đầu danh sách 24 hành trình tàu hỏa tuyệt vời nhất thế giới năm 2025. Đây là động lực để ngành Đường sắt tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút hành khách.

hanoimoi.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026

Giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026

Chính phủ ban hành Nghị định số 174/2025/NĐ-CP ngày 30/6/2025 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 204/2025/QH15 ngày 17/6/2025 của Quốc hội. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Rừng kháo cổ thụ trên núi Sải Duần

Rừng kháo cổ thụ trên núi Sải Duần

Thời gian gần đây, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (nay là xã Bát Xát, tỉnh Lào Cai) trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước yêu thích khám phá thiên nhiên, trải nghiệm núi rừng. Một trong những địa chỉ để lại nhiều ấn tượng đẹp đối với du khách là rừng kháo cổ thụ ở thôn Sải Duần do cộng đồng quản lý với hàng vạn cây kháo cổ thụ xanh mướt.

Kết nối sản xuất và thương mại đặc sản vùng cao Tây Bắc

Kết nối sản xuất và thương mại đặc sản vùng cao Tây Bắc

Tây Bắc là vùng có tiềm năng lớn trong phát triển nông, lâm sản hàng hóa nhờ lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và đa dạng sinh học. Trong 10 năm qua, diện tích trồng cafe tại khu vực tăng 54%, sản lượng tăng 265%, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các loại cây ăn quả, cây dược liệu.

Miễn, giảm 50% cho 46 khoản phí, lệ phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp từ 1/7

Miễn, giảm 50% cho 46 khoản phí, lệ phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp từ 1/7

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn vừa ký ban hành Thông tư số 64/2025/TT-BTC quy định mức thu, miễn một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Theo đó, hàng chục khoản phí, lệ phí sẽ được miễn, giảm 50% để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân từ hôm nay 1/7 đến hết 31/12/2026.

Tiếp tục áp dụng thuế VAT 8% với phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc

Tiếp tục áp dụng thuế VAT 8% với phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tiếp tục áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 8% theo quy định tại Nghị quyết số 204/2025/QH15 của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng đối với giá dịch vụ sử dụng các tuyến đường cao tốc kể từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Mô hình liên kết trồng hoa hồng ở xã Nậm Khắt - xã NTM đầu tiên của huyện Mù Cang Chải mang lại nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Khơi dòng phát triển

Tròn 80 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã dẫn dắt nhân dân các dân tộc vượt qua bao thăng trầm lịch sử, từ một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn vươn lên mạnh mẽ, tự tin hội nhập.
Đồng bộ trong quản lý nguồn gốc sản phẩm

Đồng bộ trong quản lý nguồn gốc sản phẩm

Mã số, mã vạch được coi là “chứng minh thư” của sản phẩm, giúp xác định nguồn gốc xuất xứ, hỗ trợ quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, mã số, mã vạch đang bị một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để hợp thức hóa hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Khi các thị trường đầu tư chính đều có dấu hiệu thiếu ổn định, người dân có tâm lý ưu tiên an toàn vốn hơn lợi nhuận kỳ vọng.

Tiền gửi dân cư tăng phản ánh niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng

Theo số liệu mới nhất Ngân hàng Nhà nước khu vực IV - Chi nhánh Lào Cai, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn Lào Cai đến hết tháng 6/2025 đạt hơn 42.200 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng (tương đương tăng 5,22%) so với cuối năm 2024. Số liệu trên cho thấy người dân vẫn đặt niềm tin và kỳ vọng với hình thức gửi tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng.

fb yt zl tw