Các thiết bị laser trên máy bay mang lại cho các chiến đấu cơ lợi thế trong cận chiến trên không. Đây cũng là công cụ phòng ngự đầy tiềm năng giúp chống lại các vũ khí siêu thanh nguy hiểm.
Các vũ khí laser có thể mang lại một số lợi thế so với vũ khí dạng đạn phóng, như khả năng bắn trúng tức thời, tính chính xác cao độ, và khả năng điều chỉnh công lực của “đạn” tùy theo các yêu cầu của nhiệm vụ. Chi phí ban đầu cho vũ khí này là lớn nhưng khi đã đưa vào sử dụng ổn định thì lại rất hiệu quả về chi phí. Mức chi cho mỗi “phát bắn” khi ấy là không đáng kể nữa, có thể bỏ qua.
Tuy nhiên, vũ khí laser có một số nhược điểm như đòi hỏi lớn về năng lượng, mức độ năng lượng giảm theo cự ly, và sự nhạy cảm với điều kiện khí quyển.
Vũ khí laser gắn trên máy bay. |
Sự phát triển nhanh chóng của vũ khí siêu thanh có thể là lý do thực sự lý giải việc Trung Quốc, Mỹ, và Nga đang quay trở lại với các chương trình vũ khí laser của mình. Các vũ khí siêu thanh có thể bay với tốc độ Mach 5 hoặc nhanh hơn để lẩn tránh các hệ thống phòng chống tên lửa hiện nay.
Các vũ khí laser gắn trên các máy bay chiến đấu (có thể có người lái) do vậy có thể sẽ là sự lựa chọn phòng thủ tốt hơn so với các hệ thống phòng thủ dựa vào tên lửa do laser có thể đánh trúng mục tiêu tức thời với chi phí thấp đối với mỗi lần phóng. Chúng có thể tránh được các đòi hỏi lớn về công suất như đối với hệ thống laser đặt trên bộ, đồng thời mang lại sự linh hoạt chiến thuật và chiến dịch do được đặt trên các bệ di động.
Mỹ đã triển khai Laser Không vận YAL 1A. Các cuộc thử nghiệm đầu tiên của vũ khí này diễn ra vào năm 2002. Thiết bị được gắn trên một chiếc phi cơ Boeing 747-400F (đã chỉnh sửa) và được thiết kế nhằm bắn hạ tên lửa đạn đạo chiến thuật trong pha khởi tốc có động cơ.
Tuy nhiên vào năm 2011 chương trình này đã bị hoãn do chi phí đội lên và các giới hạn về mặt thiết kế. Laser YAL 1A đòi hỏi thiết bị cồng kềnh và lượng lớn năng lượng để bắn qua hàng trăm kilomet trong khi vượt qua tác động gây biến dạng của khí quyển. Cuối cùng người ta xác định thiết bị này không bền vững và nguyên mẫu đó bị vứt bỏ vào năm 2014.
Bất chấp điều đó, Mỹ đang tái thăm dò khái niệm vũ khí laser không vận. Hãng Lockheed Martin đã triển khai nghiên cứu hệ thống laser không vận chiến thuật nhằm gắn một vũ khí laser lên một máy bay tiêm kích vào năm 2021 nhưng dự án này đã bị trì hoãn tới năm 2023 do các vấn đề về kỹ thuật. Thiết bị này nhằm bắn hạ tên lửa bay tới bao gồm cả tên lửa không đối không và tên lửa đất đối không.
Bản thiết kế ý tưởng do Lockheed Martin công bố cho thấy một hệ thống nhỏ hơn nhiều so với YAL 1A, nhờ đó cho phép việc triển khai phân tán hơn, linh hoạt hơn, và đòi hỏi ít năng lượng hơn. Người ta sử dụng một bộ ắc quy hoặc tụ điện sạc bằng động cơ máy bay để cung cấp năng lượng cho thiết bị laser.
Nga bắt đầu chương trình vũ khí laser trên không vào thập niên 1970. Ý tưởng của Nga là sử dụng thiết bị laser gắn trên máy bay để phá vệ tinh. Liên Xô bắt đầu tiến hành thử nghiệm bằng máy Beriev A-60 (đã được chỉnh sửa) vào năm 1981. Sau một thời gian dài trì hoãn, dự án được hồi sinh vào năm 2003 với cái tên Sokol-Eshelon. Từ đây, Nga phát triển hệ thống laser 1LK222 cho máy bay A-60. Các cuộc thử nghiệm bắt đầu từ năm 2009.
Dự án A-60 hiện đang trải qua một quá trình hiện đại hóa ở mức độ sâu. Vào năm 2016, cựu Thứ trưởng quốc phòng Nga Yuri Borisov tuyên bố rằng dự án cải tiến các khía cạnh kỹ chiến thuật của A-60 đang được triển khai và rằng vũ khí laser đang thử nghiệm trên bộ và trên không. Nga cũng đã phát triển các vũ khí laser trên bộ như SLK 1K11 Stiletto, Sanguine và 1K17 Szhatiye, cũng như vũ khí laser Aquilion đặt trên chiến hạm vào thập niên 1980. Mục đích của các vũ khí này là gây mù cho hệ thống quang học điện từ của đối phương, khi công nghệ laser vào lúc đó không đủ mạnh để phá hủy mục tiêu. Nếu tài chính cho phép, Nga có thể nối lại việc phát triển các nguyên mẫu này.
Trung Quốc đã công bố kế hoạch trang bị các vũ khí laser cho máy bay tiêm kích tàng hình J-20 của họ - một động thái có thể tăng cường đáng kể sức mạnh “không đối không” của họ. Thiết bị laser thậm chí có thể giúp khắc chế vũ khí siêu thanh của đối phương.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), chuyên gia quân sự Trung Quốc Wang Mingliang đề cập rằng tiêm kích J-20 trong tương lai có thể được trang bị vũ khí năng lượng có định hướng như là thiết bị phóng laser.
Vào năm 2020, quân đội Trung Quốc công bố yêu cầu của họ về một pod tấn công laser trên không. Pod này có thể sử dụng để bắn hạ máy bay đối phương hoặc tên lửa đạn đạo đang bay tới. Nếu đó là thiết bị chỉ dùng để dẫn đường cho vũ khí dẫn đường chính xác, thì sẽ được gọi là pod dẫn đường laser.
Được biết Trung Quốc đã phát triển vũ khí laser từ thập niên 1990, bắt đầu là ZM-87 đã được công bố lần đầu vào năm 1995. Họ thiết kế thiết bị này nhằm mục tiêu gây tổn hại lâu dài về thị giác cho quân nhân đối phương trong cự ly 2-4km và gây tình trạng mù tạm thời cho quân nhân đối phương ở cự ly 9km.
Các vũ khí laser Trung Quốc khác bao gồm súng trường tấn công bằng laser ZKZM-500 có thể đánh trúng mục tiêu cách xa 1km, gây bỏng tức thì và kích cháy các mục tiêu dễ cháy, và LW-30 – một hệ thống phòng không dựa trên tia laser./.