Du khách quốc tế đến Hà Nội tăng hơn cùng kỳ.
Những gam màu sáng
Mục tiêu của ngành du lịch trong năm 2024 là đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu này, từ đầu năm nhiều địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp, mở thêm các sản phẩm du lịch mới. Sau 6 tháng triển khai, hoạt động du lịch của nhiều địa phương cho thấy những gam màu sáng về lượng khách và doanh thu, khẳng định thương hiệu điểm đến.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, du lịch TPHCM ước đón khoảng hơn 17 triệu lượt du khách trong nước, hơn 2,67 triệu lượt du khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch tăng khoảng 14,6% so cùng kỳ năm 2023.
Còn tại Hà Nội, theo Sở Du lịch Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 14,05 triệu lượt, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 3,14 triệu lượt, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm ngoái (bao gồm 2,21 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú); khách du lịch nội địa ước đạt 10,3 triệu lượt, tăng 6%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55.385 tỷ đồng, tăng 22,8%.
Theo Sở VHTTDL Tuyên Quang, 6 tháng đầu năm, Tuyên Quang đón trên 1,8 triệu lượt khách du lịch đến lưu trú, tham quan, nghỉ dưỡng, đạt 67,6% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2.271 tỷ đồng, chiếm 63,1% kế hoạch, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023.
Tỉnh Quảng Ninh, tổng khách du lịch ước đạt 10,4 triệu lượt, tăng 18% cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 2 triệu lượt, tăng 140% cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt 22.285 tỷ đồng, tăng 34% cùng kỳ.
Còn theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, trong 5 tháng năm 2024, hoạt động du lịch thành phố đã đạt được những con số khả quan so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 3,78 triệu lượt, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 1,5 triệu lượt; khách nội địa ước đạt hơn 2,28 triệu lượt.
Bức tranh du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng nhiều điểm sáng. Tỉnh Bạc Liêu với thế mạnh du lịch văn hóa, trải nghiệm sinh thái đón trên 3,1 triệu lượt du khách, trong đó có khoảng trên 1,2 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú. Đồng Tháp đón trên 2,8 triệu lượt du khách, doanh thu đạt hơn 1.130 tỷ đồng, tăng trên 8% so cùng kỳ năm 2023.
Du lịch Bến Tre đón gần 1,3 triệu lượt du khách, đạt hơn 52% kế hoạch năm, tăng trên 18% so với cùng kỳ, tổng thu từ du lịch đạt trên 1.590 tỷ đồng.
Tỉnh Kiên Giang ước đón trên 5,4 triệu lượt du khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng trên 13.390 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2023.
Du lịch biển vẫn được nhiều gia đình lựa chọn.
Tiếp tục thu hút khách du lịch
Ở thời điểm này, nhiều địa phương có thế mạnh du lịch biển đang “mở rộng” đón khách du lịch trong và ngoài nước. Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng hợp tác với Traveloka công bố chương trình kích cầu du lịch “Enjoy Da Nang 2024” trên nền tảng ứng dụng của Traveloka. Đây là sáng kiến nhằm thu hút nhiều du khách hơn đến Đà Nẵng thông qua các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và các ưu đãi có giá trị, dựa trên hệ sinh thái đối tác rộng lớn và tin cậy của Traveloka.
Tham gia chương trình “Enjoy Da Nang 2024” với vai trò đối tác chiến lược của Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cho thấy, sự hợp tác thực sự đi vào thực chất, đem lại lợi ích cho cả hai bên thông qua việc hỗ trợ lẫn nhau, kích cầu du lịch tại Thành phố.
Đà Nẵng được đánh giá là địa phương phát triển du lịch chiến lược với những con số ấn tượng. Trên con đường xây dựng thương hiệu là “Thành phố của sự kiện và lễ hội”, năm 2024, Đà Nẵng tiếp tục mang đến cho du khách chuỗi các sự kiện – lễ hội đặc sắc như Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng, Giải Marathon Quốc tế Đà Nẵng 2024, Giải BRG Open Golf Championship Danang 2024…
Chia sẻ về giải pháp thu hút du khách trong mùa du lịch hè, đại diện Sở Du lịch Kiên Giang - một trong những địa phương trọng điểm du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long, thông tin: Du lịch Kiên Giang đẩy mạnh thực hiện chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu" do Bộ VHTTDL phát động, khuyến khích, tạo mọi thuận lợi để các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, khu nghỉ dưỡng tích cực đổi mới sản phẩm, thông tin rộng rãi về các "gói" sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, gia tăng trải nghiệm của du khách tại các điểm đến nổi bật như Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương. Du lịch Kiên Giang phấn đấu trong năm 2024 đón 9,2 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế, tiếp tục khẳng định vị thế điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Ngay tại Hà Nội, ngành du lịch cũng phấn đấu tạo ra những sản phẩm du lịch mới. Thời gian qua, để tăng sức hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều hơn khách du lịch đến với Thủ đô, ngành du lịch Hà Nội đã khai trương tuyến du lịch với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội”, khai trương điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, huyện Ba Vì.
Sở Du lịch Hà Nội cũng đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau như: Tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình; tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu... Hiện nay, hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội đủ để đáp ứng trước nhu cầu khách du lịch ngày càng tăng cao. Toàn thành phố có 4.760 cơ sở lưu trú với 71.246 phòng; trong đó có 607 khách sạn, khu căn hộ đã được xếp hạng từ 1 - 5 sao, với tổng số 26.641 phòng.
Du khách trải nghiệm , tham quan Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).
Làm gì khi xu hướng du lịch đã thay đổi?
Quan sát xu hướng du lịch trong thời gian qua, có thể nhận thấy du khách đã có những thay đổi khi lựa chọn các sản phẩm du lịch. Nhiều du khách mong muốn điểm đến không chỉ để chụp hình lưu niệm, ghé qua hay nghỉ dưỡng đơn thuần mà còn có những trải nghiệm về đời sống, lịch sử, văn hóa, ẩm thực…
Trong đó có các xu hướng du lịch được ưa chuộng như "trốn" nóng, "chữa lành", khám phá ẩm thực, tích hợp nhiều trải nghiệm trong một kỳ nghỉ.
Tiêu biểu như tỉnh Khánh Hòa gần đây đã có nhiều chương trình thu hút du khách qua ẩm thực.
Theo ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa: Hiện có tới 81% số du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương. Họ sẵn sàng dành trung bình 25-35% thu nhập cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong hành trình du lịch.
Và tỉnh Khánh Hòa bước đầu đã thành công khi xây dựng các sản phẩm du lịch gắn liền với hoạt động ẩm thực địa phương để thu hút du khách. Vì vậy các lễ hội, các hoạt động du lịch tổ chức đã thu hút được lượng lớn du khách trong nước quốc tế đến địa phương.
Cũng theo ông Nhựt, ẩm thực không còn chỉ đóng vai trò là yếu tố phục vụ nhu cầu ăn uống đơn thuần của du khách mà đã dần trở thành một trong những mục đích chính của các chuyến du lịch, chi phối mạnh mẽ tới quyết định lựa chọn điểm đến và kích thích khả năng chi tiêu của du khách.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong những năm gần đây, việc phát huy giá trị ẩm thực bản địa vào hoạt động du lịch đã được doanh nghiệp du lịch chú trọng hơn. Một số món ăn có tính đặc trưng địa phương như bún cá, bánh canh, bánh xèo… cũng đã đi vào các khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng.
Bà Tống Ngọc Ánh Hồng - đại diện Công ty XO Tour (TPHCM) cho biết: Nắm bắt nhu cầu du khách, doanh nghiệp chú trọng tích hợp các trải nghiệm mang tính khám phá, tìm hiểu văn hóa đặc trưng, nhịp sống đô thị với nhiều góc nhìn như từ văn hóa ẩm thực, tập quán sinh hoạt người dân hay hoạt động giao thương hàng hóa ở chợ truyền thống…
Doanh nghiệp tiếp tục khai thác, phục vụ du khách tour du lịch bằng xe máy, tham quan TPHCM. Điểm đặc biệt của loại hình tour này là rất linh hoạt, mỗi tour chỉ từ 6 - 18 du khách. Tham gia tour, du khách được các lái xe, đồng thời là hướng dẫn viên du lịch có chuyên môn, chở trên những chiếc xe máy, kể nghe những câu chuyện liên quan lịch sử, văn hóa điểm đến; tới các địa chỉ ẩm thực nổi tiếng, thưởng thức đặc sản gắn với thành phố phương Nam. Hoạt động đem lại cho du khách, nhất là du khách trẻ nhiều trải nghiệm mới mẻ, thú vị.
Du khách không thích bay đêm
Đón xu thế du lịch, nhiều hãng hàng không đang tăng tần suất bay đêm. Tuy nhiên, giải pháp này không được du khách lựa chọn do ảnh hưởng đến sức khỏe, khó chọn các dịch vụ về đêm tại điểm đến...
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc truyền thông và marketing Công ty TSTtourist, bay sau khung 21 giờ thường phù hợp với cá nhân về nhà, thăm thân, còn đi du lịch thì rất khó. Nếu hành khách bay sau 22 giờ, gặp trường hợp chuyến bay bị delay (chậm chuyến), khi đáp xuống điểm du lịch cũng 1 - 2 giờ sáng.
Mốc thời gian này không thuận tiện nếu sân bay ở xa khách sạn, phải sử dụng thêm dịch vụ của khách sạn ban đêm. "Mặc dù tiết kiệm được một phần giá vé máy bay nhưng lại phát sinh thêm chi phí khác. Chưa kể, khách du lịch hè thường đi cùng gia đình, có trẻ em nên bố trí khởi hành vào ban đêm là điều tối kỵ vì ngược với giờ sinh hoạt của trẻ. Doanh nghiệp cũng không thể tổ chức tour đưa khách tới nơi rồi… đi ngủ", ông Mẫn lý giải thêm.
Tương tự, ông Trần Thanh Vũ - Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Vinagroup cũng cho biết, chi phí cho các chuyến bay đêm nội địa không rẻ vì phát sinh nhiều chi phí khác như: Tốn thêm một đêm khách sạn, tiền đi lại, ăn sáng… khiến lịch trình bị kéo dài thêm.
Có thể nói, giải pháp các chuyến bay đêm là nỗ lực của ngành hàng không nhưng thực tế lại chưa được đón nhận vì kéo theo nhiều vấn đề khác trong tour của các doanh nghiệp lữ hành. Vì vậy, để giải quyết khó khăn, cả du lịch và hàng không cần ngồi lại để bàn những giải pháp phù hợp hơn để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng đi tour.