LCĐT - Cứ mỗi buổi chiều tan học, các em học sinh Trường Tiểu học Bản Xen (Mường Khương) lại tíu tít rủ nhau đi chăm sóc “nông trại” của mình. Mô hình “Nông trại trường học” không chỉ giúp tăng thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn của học sinh nhà trường, mà còn là môi trường giáo dục kỹ năng sống hiệu quả.
Các em học sinh cho chim bồ câu Pháp ăn. |
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến thăm “nông trại” này là sự bố trí khoa học, không gian rộng rãi, thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên. Dẫn đoàn chúng tôi đi tham quan khu vực nuôi chim bồ câu Pháp, bạn Bùi Văn Quang, học sinh lớp 5A1 giới thiệu một cách lưu loát về đặc tính của loài chim này cũng như cách chăm sóc, giờ cho ăn, cách phòng, chống dịch bệnh. Quang chia sẻ: Sau giờ học, chúng em lại bắt tay vào chăm sóc “nông trại”. Hằng tuần, chúng em phân công các bạn trong nhóm mỗi người một nhiệm vụ từ nhổ cỏ, bắt sâu đến cho các con vật nuôi ăn hay vệ sinh chuồng nuôi. Từ khi có “nông trại”, chúng em rất vui và học được rất nhiều kỹ năng sống từ đây. Chúng em đoàn kết hơn, làm việc có tổ chức hơn và yêu ngôi trường mình học hơn”.
Em Nông Thị Hương Lan, học sinh lớp 5A2 tỏ ra khá dạn dĩ và tự tin khi giới thiệu với đoàn tham quan về trang trại của mình. Lan kể: Gia đình em cũng làm nghề nông, nên những công việc như trồng rau, nuôi gà em đã được làm quen từ nhỏ. Tham gia vào mô hình “nông trại”, em được học thêm cách nuôi một số con vật mới như dê, ngỗng, chim bồ câu Pháp. Em thấy mình năng động hơn trước, trở về nhà em còn biết áp dụng những phương pháp nuôi, trồng mới giúp bố mẹ. Ngoài ra, em còn học được kỹ năng làm việc nhóm, phân công công việc khoa học, hiệu quả hơn.
Cô giáo Trần Thị Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bản Xen chia sẻ: Mô hình “Nông trại trường học” được nhà trường xây dựng từ năm 2012 với mục đích ban đầu là cải thiện bữa ăn hằng ngày cho giáo viên. Với điều kiện mặt bằng rộng, bằng phẳng cộng với đặc thù người dân ở địa phương chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt, nên nhà trường khá thuận lợi khi xây dựng mô hình này. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, sau một thời gian đưa vào thực hiện, “nông trại” đã thực sự phát huy hiệu quả. Với 1 đôi dê, 2 đôi chim bồ câu Pháp do phụ huynh nhà trường ủng hộ, đến nay “nông trại” đã có 4 đôi dê, 10 đôi chim bồ câu và đàn gà hàng trăm con; ngoài ra, còn có ao cá rộng 100 m2 và 2 vườn rau xanh. Nhờ phát triển mô hình này mà bữa ăn của các em học sinh đã được cải thiện rất nhiều. Thực tế, mô hình “Nông trại trường học” là giáo cụ học tập trực quan sinh động, nhằm nuôi dưỡng tình yêu của các em học sinh với cây cỏ, vật nuôi, thiên nhiên và môi trường.
Cô Trần Thị Bình cho biết thêm, với việc xây dựng thành công một mô hình “nông trại” ngay trong trường học, nên nhiều đơn vị bạn cũng đến nhà trường tham quan học hỏi. Cùng với “Nông trại trường học” nhiều trường học trên địa bàn huyện tự xây dựng những mô hình khác phù hợp hơn với điều kiện của nhà trường như mô hình “Vườn trường sinh thái”, mô hình “Văn hóa truyền thống”… Các mô hình này đã tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội, góp phần đổi mới toàn diện chất lượng giáo dục.
Học đi đôi với hành là một trong những phương châm giáo dục được các nước tiên tiến áp dụng đã và đang rất thành công. Cùng với việc học lý thuyết ở nhà trường, việc cho các em học sinh được học tập từ thế giới xung quanh sẽ tăng cường khả năng hiểu biết, tiếp xúc với thiên nhiên và rèn luyện tính tự lập ngay từ nhỏ. Mô hình “Nông trại trường học” giờ đây giống như là một “khu du lịch sinh thái” để các em học sinh được rèn luyện kỹ năng lao động, kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt tập thể… rất cần thiết cho cuộc sống.