Điều này chưa khuyến khích tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt
Bộ Xây dựng vừa tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.
Bộ Xây dựng khẳng định, cả 2 Luật hiện hành chưa có quy định để điều tiết khiến thị trường phát triển chưa ổn định, đầu tư dự án dàn trải, năng lực chủ đầu tư yếu, nhiều dự án chậm tiến độ, để đất hoang hóa…. Cung cầu BĐS mất cân đối, thiếu nguồn cung quy mô vừa và nhỏ, giá thấp để phục vụ nhu cầu của số đông người dân, trong khi lại thừa, tồn kho căn hộ cao cấp…
Luật vừa quá chặt, vừa quá lỏng...
Theo Bộ Xây dựng, hiện Luật BĐS còn nhiều quy định quá chặt chẽ, chưa thật tạo điều kiện khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư kinh doanh BĐS tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có một số quy định quá cởi mở, quá “lỏng” dẫn đến việc đăng ký kinh doanh BĐS quá dễ dãi, tràn lan và hiệu quả kinh doanh, sử dụng các nguồn lực không hiệu quả, không tiết kiệm, để lãng phí, nhất là nguồn lực về đất đai.
Bởi vậy, việc nghiên cứu, xây dựng 2 dự án Luật sửa đổi để thay thế nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và bất cập trong các nội dung của 2 Luật cho phù hợp với thực tế hiện nay, bảo đảm tính động bộ, thống nhất giữa Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản cũng như với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được Quốc hội cho ý kiến và các đạo luật khác có liên quan; việc sửa đổi 2 luật hiện hành cũng là để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống đối với lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Các vấn đề, nội dung nêu trong 2 dự thảo luật sửa đổi lần này cần phải cụ thể, rõ ràng, khắc phục được các bất cập, tồn tại cho phù hợp thực tế, đồng thời phải bao quát, điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản.
Đối với Luật Nhà ở sửa đổi, Thứ trưởng Nam cho rằng, cần có quy định rõ hành lang pháp lý để Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, đối tượng chính sách xã hội, hộ nghèo; có chính sách và cơ chế ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội, phát triển nhà ở thương mại để cho thuê.
Đồng thời, phải có quy định cụ thể về trách nhiệm lập Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương để làm cơ sở cho việc xác định các nhu cầu về nhà ở cho từng loại đối tượng trong xã hội, hạn chế tối đa việc phát triển nhà ở theo phong trào, không theo quy hoạch, kế hoạch như trong thời gian vừa qua;
Luật cũng cần có quy định chặt chẽ trong thủ tục, điều kiện giao dịch mua bán nhà ở thương mại của các chủ đầu tư dự án để hạn chế các rủi ro cho người mua nhà…
Vốn pháp định kinh doanh BĐS phải tối thiểu 20 tỷ đồng
Đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, các đại biểu tại hội thảo cho rằng, cần có quy định cụ thể các hoạt động kinh doanh bất động sản để bảo đảm công khai, minh bạch, tạo tính thanh khoản cho thị trường...
Sau 8 năm thực hiện Luật Nhà ở và 7 năm thực hiện Luật Kinh doanh bất động sản, diện tích nhà ở của cả nước đã tăng hơn gấp 2 lần so với năm 1999 (thời điểm trước khi có Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản), từ hơn 709 triệu m2 (năm 1999) lên khoảng 1,6 tỷ m2. Bên cạnh đó, diện tích nhà ở bình quân đầu người cũng tăng gấp 2 lần, từ 9,68 m2 lên 19 m2. Cả nước hiện có khoảng hơn 3.700 dự án nhà ở, khu đô thị mới đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng với hơn 90.000 ha.
Một số thay đổi nổi bật lần này là quy định liên quan đến vốn pháp định của tổ chức, cá nhân khi đăng ký kinh doanh bất động sản. Theo đề xuất, nếu phải cụ thể về con số vốn pháp định với lĩnh vực kinh doanh BĐS thì tối thiểu phải là 20 tỷ đồng. Cùng đó, Chứng chỉ về môi giới, định giá BĐS phải được cấp chặt chẽ hơn, do cơ quan có thẩm quyền cấp Thẻ sát hạch (kiểm tra) để các dịch vụ này ngày càng chuyên nghiệp.
Các quy định cụ thể về đất, vốn cho đầu tư BĐS, lộ trình phát triển theo kế hoạch sẽ khắc phục tình trạng tự phát theo phong trào và lệch pha cung – cầu, giảm tồn kho. Quyền sử dụng đất của tòa nhà cũng hướng tới sự thống nhất giữa các chủ sở hữu căn hộ với các chủ sở hữu các diện tích nhà khác.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm, thu hồi dự án theo quy định hiện hành vẫn tiếp tục quy định nội dung về năng lực tài chính của chủ đầu tư dự án BĐS với yêu cầu phải có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của từng dự án.
Riêng đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha thì chủ đầu tư phải có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư của từng dự án. Đây phải là vốn thực có và phải được kiểm toán độc lập xác nhận.
Đặc biệt, dự thảo Luật sửa đổi chú trọng đến trách nhiệm của chủ đầu tư đối với tiền ứng trước của khách hàng khi bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai để tránh tình trạng chiếm dụng vốn của khách hàng để sử dụng sai mục đích.
Theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, trong năm 2014 cùng với nhiều dự án luật khác, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua dự án Luật Nhà ở và dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Để có cơ sở trình Chính phủ thông qua trong tháng 12/2013 trước khi ký trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp lần thứ 7 năm 2014./.