LCĐT - Hai năm qua, cứ mỗi độ hè về, lớp học chữ Nôm Dao miễn phí của lão nông Triệu Kim Sín, dân tộc Dao ở thôn Tống Hạ, xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà lại náo nức tiếng cười đùa của trẻ em. Đây là con em của các gia đình người Dao trong thôn, xã tìm đến ông với mong muốn gìn giữ chữ của dân tộc mình.
Giữa những ngày tháng Sáu oi ả, trở lại Nậm Đét, dưới hương thơm ngào ngạt của những đồi quế xanh mướt, tiếng ê a của các em nhỏ từ lớp học chữ Nôm Dao của lão nông Triệu Kim Sín ở thôn Tống Hạ, người chưa từng được đào tạo qua nghiệp vụ sư phạm nhưng được các em nhỏ và người dân nơi đây gọi thân thương là “thầy chữ Nôm Dao”, khiến không khí ở vùng quê này rộn ràng hơn.
Lớp học chữ Nôm Dao của “thầy giáo” Triệu Kim Sín. |
Qua tâm sự, ông Sín cho biết, chữ Nôm Dao được xem như chữ truyền thống của người Dao, trong các sự kiện quan trọng như cấp sắc, nhảy lửa, việc cưới, việc tang… thầy cúng đều sử dụng các bài cúng bằng chữ nho. Bản thân ông từ nhỏ đã được học chữ nho do bố ông truyền lại, hiện ông lưu giữ được 4 quyển sách dạy chữ Nôm Dao. Những quyển sách này được ông coi như “bảo bối” của bản thân.
Ban đầu, lớp học của ông chỉ có 2 - 3 cháu theo học, chủ yếu là con cháu trong gia đình, sau nhiều cháu biết ông dạy chữ Nôm Dao đã đến xin học. Đến nay, lớp học của ông luôn có từ 22 đến 25 cháu. Do nhà chật hẹp nên ông phải mượn tạm nhà ăn của các trường học trên địa bàn xã làm nơi dạy học. Điều đặc biệt là lớp học được mở miễn phí mặc dù gia đình ông không dư giả gì. Nhiều cháu hoàn cảnh khó khăn đến xin học nhưng không có giấy, bút, ông còn phải bỏ tiền của mình mua giấy, mua bút cho các cháu.
Em Triệu Hậu Ngân, học sinh của lớp cho biết: Con học chữ Nôm Dao để hiểu hơn về chữ viết truyền thống của dân tộc mình. Đến đây, thầy dạy con rất nhiều thứ, con rất vui và tự hào vì được học chữ của dân tộc mình.
Nhìn niềm vui ánh lên trong đôi mắt của người “thầy giáo” già nơi miền sơn cước sau mỗi ngày học mới thấu hiểu những trăn trở suy tư của ông. Ông Sín tâm sự: Thấy các cháu hiếu học, mình cũng vui, đây cũng là để bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Giờ mình già rồi, không mở lớp dạy các cháu thì sau này không ai còn biết chữ viết của dân tộc mình nữa, nên dù khó khăn đến mấy cũng phải cố dạy cho con trẻ biết. Hơn nữa, mở lớp dạy cũng là tạo môi trường sinh hoạt tập thể, bổ ích cho các cháu trong dịp hè, giúp các cháu tránh xa những tệ nạn xã hội, những trò chơi nguy hại.
Việc mở lớp dạy học chữ Nôm Dao của ông Sín đã và đang nhận được sự quan tâm, khích lệ không những của các bậc phụ huynh, các em học sinh, mà cấp ủy đảng, chính quyền xã Nậm Đét cũng rất ủng hộ. Trao đổi cùng ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, được biết xã đã có kế hoạch hỗ trợ kinh phí để ông Sín tiếp tục duy trì lớp học.
Qua hơn 2 năm mở lớp dạy chữ Nôm Dao, lão nông Triệu Kim Sín đã giúp hàng chục em nhỏ người Dao biết được con chữ của dân tộc mình. Chia tay Nậm Đét, chia tay lớp học, nhìn những ánh mắt rạng ngời của các em học sinh tíu tít bên người thầy dạy chữ truyền thống của dân tộc mình, tôi thầm cảm phục ông, người nông dân thật thà, chất phác. Tin rằng sẽ có thêm nhiều em người Dao Nậm Đét biết được chữ viết truyền thống của dân tộc, qua đó giáo dục niềm tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương, yêu đất nước, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.