Thống kê của Bộ GDĐT, tính đến tháng 6/2023, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của 44 cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam với 102 cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài của 26 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bắt đầu xuất hiện từ khoảng cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, các chương trình liên kết đào tạo đã tăng nhanh ở cả khối trường ĐH công lập và ngoài công lập. Tuy nhiên, đến năm 2005 công tác kiểm định chất lượng mới được đưa vào Luật Giáo dục 2005 và tới năm 2012 mới có quy định cụ thể về liên kết đào tạo. Tới năm 2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH năm 2018 tiếp tục bổ sung, làm rõ hơn các yêu cầu bảo đảm chất lượng chương trình liên kết đào tạo quốc tế. Đến năm 2020, lần đầu tiên có quy định đào tạo liên kết trực tuyến với trường nước ngoài.
Hiện Bộ GDĐT đang dự thảo Thông tư quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ với 4 hình thức đào tạo liên kết, bao gồm liên kết đào tạo theo hình thức trực tiếp được áp dụng ở các trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ, trong đó, ít nhất 70% tổng khối lượng của chương trình đào tạo được giảng dạy bằng phương thức trực tiếp.
Liên kết đào tạo theo hình thức trực tuyến (online) được áp dụng ở trình độ ĐH, trong đó, từ 50% tổng thời lượng của chương trình đào tạo trở lên (bao gồm các hoạt động giảng dạy, hướng dẫn, học tập và đánh giá) được thực hiện trong môi trường số, trên cơ sở hệ thống các phần mềm, học liệu và hạ tầng công nghệ thông tin cho phép quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng Internet (hệ thống đào tạo trực tuyến).
Liên kết đào tạo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến được áp dụng ở trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ, trong đó, từ trên 30 đến dưới 50% tổng thời lượng của chương trình đào tạo được thực hiện thông qua hệ thống đào tạo trực tuyến.
Cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam thực hiện liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài theo hình thức đào tạo tương ứng đang được triển khai hoặc được cấp có thẩm quyền cho phép triển khai tại trụ sở chính của cả hai bên ở nước sở tại.
Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng của các chương trình liên kết đào tạo đem lại cơ hội du học tại chỗ, giúp người học có cơ hội được trải nghiệm chương trình học quốc tế và nhận bằng quốc tế với chi phí thấp hơn du học, giúp tăng cường quốc tế hoá giáo dục ĐH thì thời gian qua cũng phát sinh một số bất cập đối với hoạt động đào tạo này. Cụ thể, đại diện Bộ GDĐT chỉ ra một số chương trình liên kết đào tạo đã gắn tên trường ĐH của nước ngoài với cụm từ Việt Nam khiến nhiều người trong ngành giáo dục, thậm chí là trong lĩnh vực giáo dục ĐH và không ít người dân có hiểu lầm về điều này.
Tháng 3/2024, Bộ GDĐT đã có công văn gửi các Sở GDĐT về tăng cường công tác quản lý nhà nước về thực hiện chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài trong cơ sở giáo dục. Qua kiểm tra, nắm bắt tình hình tại một số địa phương có hiện tượng việc tổ chức thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài tại một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người học, nguy cơ rủi ro cao.
Trong mùa tuyển sinh ĐH 2024, các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài được các trường thông tin tới người học, phần lớn yêu cầu tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc. Một đặc điểm chung là các chương trình này có học phí cao hơn hẳn các chương trình đào tạo trong nước, tùy thuộc vào thời gian người học chọn học trong nước và nước ngoài như mô hình 2+2 hay 3+1… Tuy nhiên, so với việc học tập toàn thời gian ở nước ngoài thì các chương trình liên kết vẫn là phương án tiết kiệm chi phí cho người học.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, trong xu hướng số hóa và hội nhập toàn cầu hiện nay, việc bổ sung quy định đào tạo trực tuyến trong liên kết đào tạo nước ngoài là hợp lý.
Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể, chẳng hạn đối với từng chương trình liên kết đào tạo có thể chấp nhận tỷ lệ đào tạo trực tuyến là bao nhiêu, còn lại là trực tiếp. Bên cạnh đó là tăng cường công tác thanh kiểm tra, các quy định chi tiết về kiểm định chất lượng, chuẩn đầu ra chương trình đào tạo và công nhận văn bằng để bảo đảm quyền lợi của người học. Cần minh bạch thông tin về chất lượng đào tạo của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài để người học có căn cứ lựa chọn chính xác.
Thống kê năm học 2023 - 2024 có gần 3.000 chuyên gia người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật ở Việt Nam. Các chuyên gia nước ngoài vào làm việc chủ yếu trong lĩnh vực giảng dạy ngoại ngữ, hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo, thực hiện dự án quốc tế, thực hiện các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường ĐH trong và ngoài nước.
Việc Bộ GDĐT ban hành văn bản hướng dẫn về xác định chỉ tiêu giảng viên là người nước ngoài trong các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài là cần thiết, từ đó giúp các trường có căn cứ tính toán được nguồn lực bảo đảm chương trình có chất lượng.