Quang cảnh hội nghị.
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG chủ trì hội nghị.
Dự cùng có các đồng chí Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương.
Đồng chí Đỗ Văn Duy, Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo tóm tắt dự thảo Kế hoạch tại hội nghị.
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tóm tắt dự thảo Kế hoạch thực hiện các xã duy trì và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu đề ra sẽ duy trì mức độ đạt chuẩn nông thôn mới tại 62 xã đã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” và phấn đấu đến hết năm 2025 toàn tỉnh có thêm 22 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, nâng tổng số xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” là 84 xã.
Để đạt được kết quả như mục tiêu đã đề ra, tại Kế hoạch đã đưa ra 03 nhiệm vụ cụ thể sau:
Đối với 62 xã đã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”
Đến nay, có 11 xã duy trì 19/19 tiêu chí; 19 xã duy trì từ 15-18 tiêu chí; 28 xã duy trì từ 10-14 tiêu chí và 4 xã duy trì từ 7-9 tiêu chí.
Trong thời gian tới, các xã tiếp tục hoàn thành và duy trì mức độ đạt chuẩn các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, đồng thời triển khai thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Với tổng kinh phí các xã đề xuất để duy trì các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới là 372.956 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 322.612 triệu đồng, vốn thu hút đầu tư 16.400 triệu đồng, ngân sách huyện, xã là 25.421 triệu đồng, huy động từ Nhân dân 8.523 triệu đồng
Đối với 10 xã đăng ký hoàn thành 19 tiêu chí năm 2023
Đến nay, có 03 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 05 xã đạt từ 10-14 tiêu chí và 02 xã đạt từ 8-9 tiêu chí.
Trong thời gian tới, các xã tiếp tục hoàn thành và duy trì mức độ đạt chuẩn các tiêu chí xã nông thôn mới, đồng thời triển khai thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao đối với các tiêu chí đã duy trì được mức độ đạt chuẩn nông thôn mới. Với tổng kinh phí các xã đề xuất để hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới là 209.293 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 180.051 triệu đồng, ngân sách huyện, xã là 21.342 triệu đồng, huy động từ Nhân dân 7.900 triệu đồng.
Đối với 12 xã phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí trong năm 2024 - 2025
Qua rà soát hiện trạng nông thôn mới và nhu cầu đầu tư của các xã thì trong 22 xã dự kiến về đích nông thôn mới đến năm 2025, cơ quan thường trực lựa chọn 12 xã có khả năng hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, đó là: 07 xã thuộc huyện Bảo Yên (gồm các xã: Xuân Hoà, Cam Cọn, Điện Quan, Phúc Khánh, Kim Sơn, Tân Tiến, Thượng Hà); 02 xã thuộc huyện Văn Bàn (gồm các xã: Nậm Mả, Thẳm Dương); 01 xã Nậm Lúc thuộc huyện Bắc Hà; 02 xã thuộc thị xã Sa Pa (gồm xã: Thanh Bình, Tả Van).
Về kinh phí đề xuất bổ sung đối với 12 xã đăng ký phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí trong giai đoạn 2024 - 2025 là 389.069 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 297.841 triệu đồng, vốn thu hút đầu tư là 7.800 triệu đồng, ngân sách huyện, xã là 14.819 triệu đồng, huy động từ Nhân dân 68.609 triệu đồng.
Các đại biểu quan tâm thảo luận làm rõ các tiêu chí về y tế, văn hóa - xã hội, giáo dục và môi trường đối với các xã phấn đấu về đích nông thôn mới đến năm 2025.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ rõ được hiện trạng về các tiêu chí của các xã và đề xuất những giải pháp, nhu cầu đầu tư để hoàn thành 19 tiêu chí tại các xã trong thời gian tới, với tổng kinh phí các xã đề xuất là 971.318 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 800.504 triệu đồng, vốn thu hút đầu tư là 24.200 triệu đồng, ngân sách huyện, xã là 61.582 triệu đồng, huy động từ Nhân dân 85.032 triệu đồng.
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG nhấn mạnh: Để 62 xã duy trì mức độ đạt chuẩn các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, đồng thời triển khai thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu đến hết năm 2025 có thêm 22 về đích nông thôn mới.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tăng cường thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh như: Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 09/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 10/11/2023 của UBND tỉnh về đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào nội dung các Chỉ thị, chủ động sớm tổ chức họp Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện Chương trình, tuy nhiên cần có sự thống nhất cao giữa các ngành và địa phương.
Đặc biệt, đối với công tác thông tin tuyên truyền, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, vận động các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để người dân nhận thức sâu sắc về vai trò chủ thể, tham gia xây dựng nông thôn mới với ý thức tự giác, chủ động, hăng hái của mỗi người dân. Thường xuyên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trong triển khai và thực hiện Chương trình.
Bên cạnh đó, cần chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tập trung giải ngân các dự án phát triển sản xuất được hỗ trợ nguồn vốn của 3 Chương trình MTQG góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Triển khai hiệu quả Đề án số 01-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh uỷ, Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP theo hướng đa dạng hóa và nâng cao hơn nữa chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu; nâng cao chất lượng các Hợp tác xã, Tổ hợp tác để tạo mối liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp bền vững, quan tâm giải quyết việc làm cho người dân tại chỗ, từng bước hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn, hiệu quả và có tính bền vững,…. Huy động, lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của các Chương trình MTQG; nguồn ngân sách địa phương và từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn, để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống, sinh hoạt của Nhân dân, đồng thời đạt các mục tiêu, tiêu chí, chỉ tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình từ đó nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, phát hiện các sai phạm để kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý, tháo gỡ.
Tổ chức các cuộc phát động phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới ngay từ đầu năm nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi, khơi dậy sự nhiệt huyết trong mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân, mọi tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội cùng chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên đối với cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc, tạo động lực thúc đẩy thực hiện Chương trình ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng.
Đối với các lãnh đạo được phân công giúp đỡ các xã, cần tăng cường tổ chức các hoạt động giúp đỡ xã thực hiện các Chương trình MTQG. Đồng thời căn cứ vào kết quả giúp xã thực hiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới để đánh giá, phân xếp loại thực hiện nhiệm vụ hàng năm đối với các cơ quan, đơn vị và địa phương.