Chiều 12/7, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ 6; Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai có đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; các đồng chí trong Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện các nội dung về chuyển đổi số và Đề án 06.
Đối với Chính phủ số, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.
Đối với dịch vụ công trực tuyến, trong 6 tháng đầu năm 2023, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số dịch vụ đủ điều kiện là 90,66%.
Với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và 10/28 dịch vụ công theo Quyết định 422/QĐ-TTg. Hiện còn 18/28 thủ tục, nhóm thủ tục hành chính chưa được các bộ ngành hoàn thiện việc tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Việc công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tại bộ, ngành, địa phương đã góp phần vào quá trình minh bạch hóa thông tin, nâng cao trách nhiệm giải trình và thực thi công vụ…
Với trụ cột kinh tế số, ước tính sơ bộ tỷ trọng kinh tế số/GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%. Đến tháng 6/2023, đã có 3/30 bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, 36/63 địa phương đã ban hành kế hoạch hành động triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; 29/63 địa phương ban hành kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế và các mô hình thí điểm thanh toán số, y tế; 31/63 địa phương đã ban hành kế hoạch hành động thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.
Với trụ cột xã hội số, 5 tháng đầu năm 2023, tổng số lượt tải ứng dụng di động từ Việt Nam đạt 1,41 tỷ lượt (chiếm 2,2% lượt tải ứng dụng toàn cầu). Bình quân thời lượng mỗi người dùng dành để sử dụng các ứng dụng di động của Việt Nam là 64 giờ/tháng và tỷ lệ lượt người dùng sử dụng các ứng dụng có đăng ký trụ sở tại Việt Nam chiếm khoảng hơn 22% so với tổng số lượt người dùng của toàn thị trường Việt Nam. Đến tháng 6/2023, hiện có khoảng 60 nền tảng/ứng dụng di động phục vụ người dân của Việt Nam có trên 1 triệu người dùng sử dụng bình quân hằng tháng. Zalo và Cốc cốc dẫn đầu trong nhóm này về số lượng thời gian người dùng dành ra cho việc sử dụng dịch vụ của ứng dụng này.
Tại tỉnh Lào Cai, với quan điểm chỉ đạo quyết liệt và có nhiều giải pháp đột phá, 6 tháng đầu năm 2023, Lào Cai đạt được những kết quả nổi bật trong chuyển đổi số và triển khai Đề án 06. Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai thông qua nghị quyết về hỗ trợ người dân phí, lệ phí trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến với mức giảm đến 40% phí, lệ phí đối với thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Lào Cai đã triển khai chiến lược dữ liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (tỉnh đầu tiên trên cả nước ban hành chiến lược dữ liệu).
Tỉnh Lào Cai đứng thứ 1/63 địa phương trong cả nước về số giao dịch khai thác dữ liệu qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia tính đến ngày 7/6/2023 (với 42 triệu giao dịch, gấp 4 lần địa phương đứng thứ 2, tương đương cơ quan xếp thứ nhất trong khối các bộ, ngành là Bộ Công an với 45 triệu giao dịch và tương đương với tổng số giao dịch của cả nước trong 1 tháng).
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, đồng thời là công việc mới, khó, nhạy cảm. Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển. Thời gian qua, nhiệm vụ này đã được triển khai bài bản, tích cực, đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt kết quả tương đối tốt so với nhiều nước, với quan điểm dữ liệu là quan trọng và cấp bách.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, trong 6 tháng cuối năm phải làm tốt hơn 6 tháng đầu năm và năm 2023 phải có kết quả cao hơn năm 2022. Thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa, vượt qua rào cản, điểm nghẽn, tư duy bảo thủ để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra; tạo đột phá, nâng cao nhận thức hơn nữa tại các cấp, các ngành. Tuy nhiên, vì nguồn lực còn hạn chế nên việc đầu tư và tổ chức thực hiện cần có trọng tâm, trọng điểm. Các ngành, đơn vị, địa phương cần ưu tiên thực hiện 4 nội dung: phát triển cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, phát triển các nền tảng số, đảm bảo an ninh mạng và an toàn thông tin.
Với Đề án 06, đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, nằm trong tổng thể về chuyển đổi số. Các đơn vị, địa phương cần huy động nguồn lực, cần có sự tham gia của cộng đồng người dân, doanh nghiệp; xây dựng cơ chế giám sát về dữ liệu dân cư; khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung.