Kế hoạch được ban hành nhằm phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và Đề án 06, phục vụ chuyển đổi số toàn diện của tỉnh, hoàn thành các mục tiêu của Đề án 08-ĐA/TU và Nghị quyết số 20-NQ/TU của tỉnh Lào Cai.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của kế hoạch là phát triển hạ tầng số để phục vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, dẫn dắt kinh tế số, xã hội số, trong đó lấy trải nghiệm người dùng là trọng tâm, tạo động lực phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế số. Phát triển hạ tầng số với chất lượng cao, băng thông rộng, đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu lớn.
Cụ thể, mục tiêu đến hết năm 2025, Lào Cai đạt 100% thôn, tổ dân phố được phủ sóng băng rộng di động; 100% thôn, tổ dân phố được phủ băng rộng cố định; 100% trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, khu công nghiệp, địa bàn trọng điểm phát triển du lịch có dịch vụ di động 5G; 100% cơ quan Đảng, Nhà nước từ tỉnh đến cấp xã được kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, đảm bảo chất lượng cao; tỷ lệ dùng chung vị trí BTS đạt trên 20%; 100% hạ tầng kỹ thuật ngầm (xây mới) trong các khu đô thị được đầu tư đảm bảo đáp ứng yêu cầu dùng chung hạ tầng.
Mạng băng rộng di động đáp ứng Quy chuẩn quốc gia về chất lượng dịch vụ, với mục tiêu tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G.
Mạng băng rộng cố định đáp ứng Quy chuẩn quốc gia về chất lượng dịch vụ, với mục tiêu tốc độ tải xuống trung bình 200 Mb/s đối với hộ gia đình, tốc độ tải xuống trung bình 1 Gb/s đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở tại các khu vực đô thị.
Về sử dụng dịch vụ viễn thông băng rộng, đến hết năm 2025, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 80%; 100% hộ gia đình có ít nhất 1 thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính); tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập internet băng rộng đạt trên 75%; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt trên 100 thuê bao.
Về hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, đến hết năm 2025, 100% hệ thống thông tin dùng chung cấp tỉnh triển khai trên nền tảng điện toán đám mây. Trung tâm dữ liệu (thuê theo công nghệ điện toán đám mây) đáp ứng 100% nhu cầu của các cơ quan trong tỉnh. Trung bình mỗi người dân đến tuổi trưởng thành có 1 tài khoản sử dụng dịch vụ điện toán đám mây.
Về hạ tầng công nghệ số, công nghệ AI, blockchain, IoT được ưu tiên thí điểm, triển khai phù hợp với thực tiễn, hỗ trợ hiệu quả cho chương trình chuyển đổi số của tỉnh, phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Liên quan đến các nền tảng số, đến hết năm 2025, 100% cơ quan, tổ chức nhà nước, 70% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số; mỗi người dân có 1 định danh số; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 50%; triển khai các nền tảng số quốc gia; từng bước xây dựng và sử dụng các nền tảng số dùng chung cấp tỉnh, hình thành hệ sinh thái nền tảng số phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội và trong từng ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch cũng đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, như: phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập, bền vững, an toàn; phát triển các hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng; đảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng viễn thông, internet; hoàn thiện thể chế, ưu tiên phát triển hạ tầng số; huy động nguồn lực, bảo đảm kinh phí, nguồn nhân lực thực hiện; bảo đảm an toàn, an ninh mạng, quyền lợi người dùng; đo lường, quản lý, giám sát; tuyên truyền, nâng cao năng lực khai thác hạ tầng số...