Trước những ý kiến của doanh nghiệp (DN) về việc khó vay vốn, các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều khẳng định, ngân hàng hỗ trợ, cho vay nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống. Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, hệ thống ngân hàng thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là đảm bảo cung ứng đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế. Nhưng nguồn vốn tín dụng, các chương trình hỗ trợ đều đến từ tiền gửi của người dân, DN nên trách nhiệm đầu tiên của các tổ chức tín dụng (TCTD) là phải đảm bảo an toàn hệ thống. Việc hỗ trợ tín dụng là cần thiết nhưng phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn không chỉ cho giai đoạn này mà cho nhiều năm tới. Hệ thống ngân hàng có an toàn, lành mạnh thì mới đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế.
Vấn đề này, một lần nữa được Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhắc lại tại hội nghị kết nối ngân hàng - DN tại Hà Nội nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19 ngày 14-5. Ông Tú cho biết, ngành ngân hàng đã vào cuộc sớm để hỗ trợ DN như: ban hành hướng dẫn vào đầu tháng 3 để các TCTD triển khai việc gia hạn những khoản nợ gốc và lãi đến hạn; miễn, giảm lãi, phí; tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, DN cần vốn.
Gần đây, NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành để TCTD giảm chi phí đầu vào, giá vốn, từ đó hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo điều kiện hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn lâu dài thì ngành ngân hàng cũng phải tính toán những vấn đề liên quan như nợ xấu phát sinh trong tương lai.
Gói tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng không phải gói cứu trợ kinh tế trích từ ngân sách mà là gói tín dụng thông thường (lấy từ tiền gửi của người dân, DN mà ngân hàng đang phải trả lãi huy động) để hỗ trợ các DN, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Cơ chế, quy trình cho vay cơ bản giống như cho vay thương mại thông thường, chỉ là thủ tục nhanh gọn, linh hoạt hơn, lãi suất ưu đãi hơn mức lãi suất cho vay thông thường 0,5% - 2,5%/năm.
Trước việc DN than khó khi không thể tiếp cận nguồn vốn từ gói hỗ trợ này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam nhìn nhận, để vay được vốn DN phải chứng minh được thiệt hại (kết quả kinh doanh sụt giảm) do dịch Covid-19, mục đích sử dụng vốn cũng như khả năng trả nợ. Đây là vấn đề không phải DN nào cũng đáp ứng được ngay. Cũng theo ông Bình, với ngân hàng, việc triển khai các gói tín dụng hỗ trợ này không chỉ là sự chia sẻ lợi nhuận mà còn mang lại thách thức không nhỏ. Bởi ảnh hưởng của dịch bệnh có thể khiến DN không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu, thậm chí dẫn đến khủng hoảng tài chính và ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đây chính là áp lực rất lớn cho các ngân hàng thương mại nên quá trình triển khai sẽ có sự thận trọng nhất định để đảm bảo nhiều mục tiêu giải quyết được cùng lúc: vừa hỗ trợ các DN vừa hạn chế tối đa các rủi ro nêu trên.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cảnh báo, thời gian tới khả năng nợ xấu sẽ gia tăng. Bởi lẽ, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và sẽ là thách thức với DN trong việc sản xuất ra sao, vay vốn thế nào, bán đi đâu. Ngoài ra, có hiện tượng DN hoạt động khó khăn 1 - 2 năm nay, nợ xấu nhưng nay lại cho rằng nằm trong đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng không tiếp cận được vốn vay. “Chúng tôi chia sẻ với các TCTD về việc xuất hiện tình trạng này và đã có văn bản yêu cầu nghiêm túc thực hiện, nghiêm cấm để xảy ra trục lợi chính sách”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Trong gói hỗ trợ tín dụng sẽ có nhiều DN kêu khó tiếp cận vốn ngân hàng do những yêu cầu liên quan đến tài sản đảm bảo, thiệt hại do ảnh hưởng dịch Covid-19, hiệu quả kinh doanh… Nhưng yêu cầu về tuân thủ các tiêu chuẩn cho vay là cần thiết. Bởi ngân hàng cũng là DN, phải đi huy động vốn rồi cho vay lại nên không thể “bao cấp” vốn cho người vay. Do vậy, ngân hàng không thể cho vay khi đầu ra của DN gặp khó khăn, chưa chứng minh được hiệu quả của khoản vay. Nếu hạ chuẩn cho vay, phá vỡ các tiêu chí thì hệ thống TCTD sẽ đối mặt nguy cơ bất ổn trở lại như giai đoạn trước đây. Trên thực tế, nhiều ngân hàng đang chật vật xử lý hệ quả nợ xấu của giai đoạn trước để lại. Ngoài ra, cũng phải xác định rõ nếu DN không có kế hoạch phát triển hậu dịch Covid-19 thì vay ngân hàng sẽ trở thành gánh nặng cho chính mình và kéo theo đó là ảnh hưởng đến TCTD.