Lẽ thường, khi một hoặc một nhóm tác giả nghiên cứu thành công đề tài khoa học, đoạt giải cao trong các hội thi, giải thưởng sáng tạo khoa học... sẽ khiến bạn bè, đồng nghiệp và cả cộng đồng vui mừng, khâm phục...
Thế nhưng, một số đề tài vừa được công bố đoạt giải cao trong Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia (cuộc thi) năm 2021-2022 dành cho học sinh trung học lại khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.
Bên cạnh một số ý kiến khen ngợi thì không ít người, gồm cả những nhà giáo, nhà khoa học có uy tín bày tỏ nghi ngờ đề tài do “người lớn làm hộ”, vì cho rằng đây đều là những vấn đề phức tạp như điều trị ung thư hay các nội dung chuyên ngành, chuyên sâu, vượt quá tầm của học sinh cấp THPT. Đặc biệt, một số đề tài có nội dung tương tự luận văn thạc sĩ của các tác giả đã công bố...
Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học được tổ chức từ nhiều năm qua với mục đích khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, tạo sân chơi khoa học, gắn “học” với “hành”, từng bước hình thành phương pháp, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học, làm việc nhóm cho học sinh... |
Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học được tổ chức từ nhiều năm qua với mục đích khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, tạo sân chơi khoa học, gắn “học” với “hành”, từng bước hình thành phương pháp, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học, làm việc nhóm cho học sinh... Không thể phủ nhận mặt tích cực của cuộc thi nếu việc tổ chức bảo đảm khách quan, trung thực, đúng mục đích, ý nghĩa.
Tuy vậy, mấy năm gần đây, hầu như năm nào khi công bố kết quả, dư luận cũng xôn xao, đặt câu hỏi có hay không việc “thi hộ, làm hộ” của thầy cô, phụ huynh, vì nội dung nhiều đề tài nghiên cứu quá lớn, quá khó so với kiến thức, năng lực, trình độ của học sinh trung học, rồi có cả sự trùng lặp với các đề tài nghiên cứu trước đó.
Theo quy định, học sinh đoạt giải cao trong Cuộc thi KHKT cấp quốc gia sẽ được xét tuyển thẳng đại học. Khi học sinh đoạt giải thì nhà trường, thầy cô hướng dẫn cũng có thành tích... Đó là những lý do để dư luận lo ngại rằng nếu cuộc thi không được tổ chức chặt chẽ, không có sự kiểm tra, giám sát bảo đảm tính khách quan, trung thực thì rất dễ xảy ra biến tướng do “bệnh thành tích”.
Anh bạn tôi là giáo viên một trường THPT, từng là “người trong cuộc”, hướng dẫn và đưa học sinh tham dự cuộc thi, thổ lộ: “Có nhiều đề tài do học sinh nghiên cứu, sáng tạo, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn. Đó là những đề tài vừa sức các em, gắn với thực tiễn sinh hoạt, học tập hằng ngày. Thế nhưng, cũng có không ít đề tài với nội dung “cao siêu” chủ yếu do thầy cô phối hợp với phụ huynh làm hộ!”.
Một thực tế “cười ra nước mắt” là đối nghịch với độ khó của những đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh là không ít đề tài luận án tiến sĩ “dễ dãi”, không xứng tầm, kiểu như đề tài “tiến sĩ cầu lông” bị dư luận phản ứng thời gian gần đây. Tình trạng “phổ thông hóa” đề tài luận án tiến sĩ, “đại học hóa” đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh chính là hậu quả từ “bệnh thành thích”, tâm lý chạy theo bằng cấp còn khá trầm trọng trong xã hội hiện nay.
Khoa học không thể và không nên có chỗ cho “bệnh thành tích”. Ngay khi ngồi trên ghế nhà trường, các em học sinh cần được dạy tính trung thực trong nghiên cứu khoa học thông qua sự gương mẫu của người lớn; qua các cuộc thi phù hợp, ở đó các em có thể phát huy được tính sáng tạo dưới sự hướng dẫn-chứ không phải “thi hộ” của giáo viên... Nếu không làm được điều này, tương lai sẽ có thêm nhiều đề tài, luận văn giả dối, sao chép, chất lượng thấp...