Khi đàn chim trở về

LCĐT - Phần 3 của bộ phim “Khi đàn chim trở về” được chiếu trên VTV1 đã trở thành bộ phim chính luận xuất sắc và đáng xem nhất năm 2015, bởi đã mang hiện thực khốc liệt lên màn ảnh. Bộ phim đã khắc họa sống động cuộc chiến giữa lực lượng kiểm lâm trong bảo vệ rừng với đội quân “lâm tặc” hung hãn. Điều đặc biệt và tạo hấp dẫn cho bộ phim này là sự tham gia diễn xuất của chính cán bộ Trạm Kiểm lâm địa bàn cụm xã Mường Hum (Bát Xát).

Cảnh trong phim “Khi đàn chim trở về”.
Cảnh trong phim “Khi đàn chim trở về”.

Từ những bất ngờ…

Kể lại thời gian tham gia đóng phim cách đây 5 năm, kiểm lâm viên Lò Văn Toản (hiện là cán bộ Phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh) vẫn ngỡ như ngày hôm qua. Với anh Toản, đó là may mắn mà không phải cán bộ kiểm lâm nào cũng có được. Chính vì vậy, câu chuyện anh kể với tôi liên tục bị ngắt quãng bởi sự… hồi hộp, mặc dù từng chi tiết anh không bao giờ quên.

Anh Toản tâm sự: Năm 2014, tôi làm Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm địa bàn cụm xã Mường Hum. Hôm đó, ra Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát báo cáo công việc, lãnh đạo gọi lên và nói: Có công việc quan trọng cần đồng chí tham gia. Tôi lo lắng, không biết có chuyện gì mà quan trọng vậy. Lát sau, đồng chí Hạt trưởng dẫn một phụ nữ lên và bảo: Đây là chị Lan, đại diện đoàn làm phim, muốn đi khảo sát thực địa vòng cung Bát Xát để chọn địa điểm quay phim. Tôi đã suy nghĩ kỹ, việc này giao cho đồng chí, bởi hơn ai hết, đồng chí thuộc địa bàn như lòng bàn tay.

Ngay hôm sau, tôi đưa đoàn khảo sát “mục sở thị” vòng cung Bát Xát, qua các địa danh như Trịnh Tường, A Mú Sung, A Lù, Ngải Thầu, Y Tý, Dền Sáng, Dần Thàng, Mường Hum. Mỗi nơi đến, đoàn khảo sát đều tìm hiểu kỹ từng khu vực, đảm bảo hai yếu tố, đó là có rừng nguyên sinh và đường đi vào rừng. Sở dĩ phải chọn như vậy là do trong kịch bản phim có phân cảnh “lâm tặc” phá rừng, xe ô tô chở lâm sản từ rừng vượt qua trạm gác kiểm lâm. Đi từng nơi, chọn từng điểm, cuối cùng đoàn khảo sát quyết định chọn khu vực rừng già Dền Sáng để thực hiện các cảnh quay sau này.

Kết thúc chuyến khảo sát ấy, mọi thứ dường như “bặt vô âm tín”. Gần 3 tháng sau, chị Lan gọi điện thoại cho anh Toản, thông báo thời gian tới, đoàn làm phim sẽ có mặt tại Dền Sáng và nhờ anh cùng các đồng chí kiểm lâm viên của trạm giúp đỡ. Sau cuộc điện thoại ấy, cũng mất nửa tháng, trong lúc đang trực tại trạm, anh Toản thấy 3 xe ô tô mang biển số Hà Nội đi đến và đỗ trước trạm. Vừa bước ra cổng, anh Toản thấy gần chục người bước đến, nở nụ cười thân thiện, người đi đầu cất tiếng: Có phải đồng chí Toản, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Mường Hum không? Tôi vô cùng bất ngờ, vì chưa từng gặp những người này. Sau thoáng giật mình, tôi đáp lại: Đúng ạ, các anh chị tìm em có việc gì không? Người đàn ông tóc hoa râm đi đầu liền nói: Chúng tôi là đoàn làm phim, đến chào các anh em, đồng thời trao đổi một số nội dung để phục vụ các cảnh quay.

Mời mọi người vào trạm, nhấp chén trà Mường Hum ngát hương, người đàn ông tóc hoa râm giới thiệu: Tôi là đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, còn đây là Nghệ sỹ Nhân dân Trần Nhượng, diễn viên Việt Anh, Kim Thanh, Hoa hậu biển Vân Anh…

Không tin vào mắt mình, những diễn viên gạo cội, nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là diễn viên Việt Anh - người quá quen thuộc với loạt phim “Chạy án” mà anh Toản chỉ thấy trên truyền hình, giờ được gặp ngay tại mảnh đất Mường Hum.

Bất ngờ nối tiếp bất ngờ. Không chỉ may mắn được gặp một số diễn viên nổi tiếng, thậm chí có người là thần tượng của mình, Trạm trưởng Lò Văn Toản còn nhận được “đặc ân” mà đạo diễn Nguyễn Danh Dũng dành cho. Chẳng là trong lúc nói chuyện, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng nảy ra ý tưởng mời Toản tham gia một số cảnh quay. Toản vừa bất ngờ, vừa hồi hộp: Liệu em có làm được không, nếu các anh chấp nhận thì em sẵn lòng. Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng động viên: Không có gì phải lo, đoàn làm phim sẽ hỗ trợ em. Nhìn em, anh thấy sự rắn rỏi, phù hợp với một số cảnh quay, nói thật chứ, có thể diễn viên chuyên nghiệp diễn không đạt bằng. “Lúc đó mình không tự tin lắm, nhưng nghĩ đến nội dung bộ phim nói về nghề của mình, nên có thêm động lực để chấp nhận thử thách, hơn nữa cũng là một lần được trải nghiệm làm diễn viên điện ảnh”, anh Toản tâm sự.

Trong 3 - 4 ngày, đoàn làm phim đi khảo sát lại thực địa, bố trí đạo cụ, vị trí đặt máy quay, cũng là từng ấy thời gian, Trạm trưởng Lò Văn Toản “mất ăn mất ngủ”. Hằng ngày, anh chỉ đi ra rồi đi vào, đêm không chợp mắt, trong đầu mông lung với câu hỏi: Liệu mình có làm được không? Anh dành thời gian xem các bộ phim để thấy diễn viên diễn ra sao. Thế rồi, sáng ngày thứ năm, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cho xe ô tô đón anh từ trạm lên rừng già Dền Sáng. Chặng đường tương đối dài nhưng anh thấy ngắn hơn bao giờ hết, anh mong lúc này chưa đến địa điểm quay phim để mình có thêm bình tĩnh. Xe tới nơi, nhìn thấy cả đoàn làm phim với nhiều đạo cụ, Trạm trưởng Lò Văn Toản cảm giác như “tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực”. Thấy vậy, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng với kinh nghiệm của mình đã tiến đến hỏi thăm và trò chuyện để Toản bớt hồi hộp. Nhìn thấy sự tự tin trở lại với anh Toản, đạo diễn yêu cầu các vị trí bắt đầu cho cảnh quay đầu tiên. Sau lần này, anh Toản trở nên dạn dĩ hơn và thêm tự tin để thực hiện các cảnh quay tiếp. Sau mỗi cảnh quay, đạo diễn đều đến tận nơi và không quên động viên: Em diễn đạt lắm! Cuối cùng, Trạm trưởng Lò Văn Toản cũng hoàn thành xuất sắc các cảnh quay, như tuần rừng, truy đuổi “lâm tặc” vận chuyển trái phép lâm sản trên đường, bắt giữ đối tượng cất giấu lâm sản trái phép trong rừng…

Nghĩ lại thời gian đóng phim, vừa cười, anh Toản vừa tâm sự: Mặc dù trước mỗi cảnh quay đều được đạo diễn trao đổi, hướng dẫn, nhưng vẫn hồi hộp lắm. Đối mặt với “lâm tặc”, mình thấy quá bình thường, nhưng đối mặt với máy quay mà thấy “tim đập chân run”, nói “vấp” liên tục. Rồi anh kể cảnh quay khiến anh không bao giờ quên. Đó là khi nhận được thông tin có đối tượng đang khai thác rừng trái phép, Hạt trưởng Thành chỉ đạo thành lập tổ công tác khẩn trương vào khu vực khai thác bắt giữ đối tượng. Trong cảnh quay này có hình ảnh khi cây rừng đang đổ thì lực lượng kiểm lâm xông vào. Tuy nhiên, do là khu vực rừng nguyên sinh, mặc dù đoàn làm phim đã xin phép, nhưng UBND huyện Bát Xát chỉ đồng ý cho chặt hai cây già cỗi, gãy ngọn, chứ không có hơn. Nếu không làm tốt thì không có cơ hội làm lại, đồng nghĩa thất bại cầm chắc trong tay. Do vậy, đạo diễn yêu cầu các diễn viên tập đi tập lại, đảm bảo lần quay thật, cũng là lần quay duy nhất sẽ thành công. Nhận thấy áp lực của cảnh quay này, tôi luôn tập trung cao độ, làm theo các diễn viên chuyên nghiệp và thật may mắn, mọi thứ đều suôn sẻ, đáp ứng được yêu cầu của đạo diễn.

Hoàn thành các cảnh quay tại Dền Sáng, anh Toản lại nhận thêm bất ngờ khi đạo diễn Nguyễn Danh Dũng tha thiết mời sang tỉnh Hòa Bình để thực hiện các cảnh quay tiếp theo. “Thật lòng, mình cũng rất muốn tham gia, nhưng thời gian quay hơn 1 tháng, nên không thể bỏ công việc được, đành phải từ chối khéo và như thế cũng là trải nghiệm đáng quý rồi” - anh Toản giãi bày.

Hình ảnh Trạm trưởng Lò Văn Toản trong phim truyền hình.
Hình ảnh Trạm trưởng Lò Văn Toản trong phim truyền hình.

… đến trở thành người nổi tiếng

Bộ phim “Khi đàn chim trở về” phần 3 khởi chiếu trên VTV1 đã thu hút sự chú ý của khán giả. “Diễn viên” Lò Văn Toản và những đồng nghiệp của mình tại Trạm Kiểm lâm địa bàn cụm xã Mường Hum được chiêm ngưỡng chính mình trên truyền hình. Mỗi buổi tối thứ 4, 5, 6 hằng tuần, mấy anh em ăn vội bát cơm, rồi bật ti vi để xem phim. Mỗi lần chiếu đến mình, anh Toản và các đồng nghiệp trong trạm đều cười lớn, thậm chí không tin đó là mình, mọi người không giấu được sự mãn nguyện, đến nỗi xem đi xem lại không biết chán. Bộ phim chưa chiếu xong nhưng điện thoại của anh Toản luôn trong tình trạng “nóng máy” bởi bạn bè, đồng nghiệp gọi đến chúc mừng, thậm chí có người còn tưởng anh chuyển sang làm diễn viên. Trong 46 tập của bộ phim, thời gian xuất hiện không nhiều nhưng cũng đủ khiến anh Toản trở nên nổi tiếng. Anh tâm sự: Sau khi bộ phim chiếu xong, khi đi đến các xã trong khu vực, rất nhiều người dân, trẻ em nhận ra, nhiều người không gọi theo tên bộ phim, mà gọi là phim bác Toản. Thậm chí có lần đi kiểm tra rừng giáp ranh giữa huyện Bát Xát và huyện Sa Pa, trong lúc nghỉ, ngồi uống nước ở quán ven đường, chị bán hàng nhận ra, liền gọi: Chú kiểm lâm đóng phim.

Với anh Toản, tham gia đóng phim không phải để nổi tiếng, mà đó là cơ hội để được chia sẻ những vất vả, hiểm nguy của nghề kiểm lâm đến với mọi người. Vì lẽ đó, sau khi xem xong bộ phim, người dân ở khu vực cụm xã Mường Hum thêm yêu rừng, có cái nhìn thiện cảm về cán bộ kiểm lâm. “Mình cũng không ngờ, mỗi lần họp thôn, bản, nghe thấy “chú kiểm lâm đóng phim” đến, bà con tham gia đông hơn, sôi nổi hơn. Việc tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến bà con thuận lợi và hiệu quả hơn”.

Nhưng có lẽ, điều đọng lại với anh Lò Văn Toản khi “người thật, việc thật” lên phim chính là sự lay động và thức tỉnh bao trái tim biết day dứt với cuộc sống thường nhật. Để rồi, mỗi bước chân tuần rừng của những cán bộ kiểm lâm trong đời thực thêm ý nghĩa hơn, mang theo tâm tư, tình cảm và cả thông điệp gìn giữ “lá phổi xanh” cho đại ngàn, như lời bát hát trong phim: “Bàn chân nắng mưa cùng với núi rừng. Để một ngày mai, khi đàn chim trở về, tìm đời no ấm, ngập tràn màu xanh yêu thương”.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hấp dẫn chương trình nghệ thuật 'Sức sống Trường Sa'

Hấp dẫn chương trình nghệ thuật 'Sức sống Trường Sa'

Tối 29/4, tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp cùng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật mang chủ đề “Sức sống Trường Sa”. Đây là hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quần đảo Trường Sa (29/4/1975 - 29/4/2025) và 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Trưng bày chuyên đề lịch sử “Lào Cai thời Pháp thuộc” và Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật Lào Cai

Trưng bày chuyên đề lịch sử “Lào Cai thời Pháp thuộc” và Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật Lào Cai

Bảo tàng tỉnh Lào Cai phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức trưng bày chuyên đề lịch sử “Lào Cai thời Pháp thuộc” và Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật về Lào Cai. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Tinh thần yêu nước đỏ thắm mạng xã hội

Tinh thần yêu nước đỏ thắm mạng xã hội

Những ngày tháng 4 lịch sử, cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên khắp các nền tảng mạng xã hội cũng nhuộm màu đỏ tươi của quốc kỳ, áo cờ đỏ sao vàng hay những bản nhạc, điệu nhảy, lời ca mang tinh thần yêu nước. Mạng xã hội đang trở thành “mặt trận” lan tỏa niềm tự hào dân tộc theo những cách rất riêng.

Vượt qua định kiến "ký ức lưu trữ"

Vượt qua định kiến "ký ức lưu trữ"

Trong dòng chảy của điện ảnh, phim tài liệu luôn giữ vai trò như một chứng nhân lịch sử, ghi lại chân thực đời sống con người và xã hội. Tuy nhiên, ở thời đại công nghệ số, phim tài liệu Việt Nam đứng trước thách thức phải vượt qua định kiến “ký ức lưu trữ” để trở thành tác phẩm nghệ thuật sống động.

Nghĩa Đô sẵn sàng cho Lễ hội quả Còn

Nghĩa Đô sẵn sàng cho Lễ hội quả Còn

Sáng 30/4 tới đây, tại xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên), Lễ hội quả Còn sẽ chính thức diễn ra. Đến thời điểm này, các công đoạn chuẩn bị cho lễ hội đang được ban tổ chức và người dân gấp rút hoàn tất sẵn sàng cho sự kiện lần đầu tiên được tổ chức.

Cầu truyền hình cấp quốc gia 'Vang mãi khúc khải hoàn'

Cầu truyền hình cấp quốc gia 'Vang mãi khúc khải hoàn'

Cầu truyền hình cấp quốc gia “Vang mãi khúc khải hoàn” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/1975), sẽ diễn ra vào 20h tối nay (ngày 27/4) trên VTV1 tại 3 địa điểm Hà Nội, Quảng Trị và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bế mạc Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các xã, phường, thị trấn biên giới tỉnh Lào Cai lần thứ II

Bế mạc Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các xã, phường, thị trấn biên giới tỉnh Lào Cai lần thứ II

Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi với nhiều tiết mục đặc sắc, chiều 26/4, tại xã Pha Long, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Mường Khương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các xã, phường, thị trấn biên giới tỉnh Lào Cai năm 2025.

Khai mạc Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các xã, phường, thị trấn biên giới tỉnh Lào Cai lần thứ II năm 2025

Khai mạc Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các xã, phường, thị trấn biên giới tỉnh Lào Cai lần thứ II năm 2025

Với chủ đề "Biên giới là quê hương", tối 25/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND huyện Mường Khương tổ chức Khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng các xã, phường, thị trấn biên giới tỉnh Lào Cai lần thứ II năm 2025.

Thụy Điển trao tặng Việt Nam phim tài liệu lịch sử quý hiếm về ngày thống nhất đất nước

Thụy Điển trao tặng Việt Nam phim tài liệu lịch sử quý hiếm về ngày thống nhất đất nước

Nhân dịp Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 50 ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ trao tặng chính thức phim tài liệu Victory Vietnam (Chiến thắng của Việt Nam) cho Viện Phim Việt Nam.

fb yt zl tw