Tham gia đoàn công tác còn có đại diện Văn phòng UBND tỉnh; các sở: Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Giao thông vận tải - Xây dựng, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Bát Xát và đại diện các phòng, ban của huyện; lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Sàng Ma Sáo và xã Mường Hum…
Buổi sáng, đoàn khảo sát tuyến đường đá cổ Pavie. Theo nhiều tài liệu và ghi chép, con đường đá cổ được xây dựng từ những năm 20 của thế kỷ trước, thời điểm này, thực dân Pháp bắt đầu cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2. Thống đốc Auguste Jean - Marie Pavie là người khảo sát và chỉ đạo xây dựng tuyến đường này để vận chuyển lương thực, nông sản giữa các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam. Bởi vậy, đường được gọi tên Pavie. Nhưng những người dân sinh sống ở đây cho rằng, từ trước đó, cha ông họ đã chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San bằng lối đi này và khai phá đến đất Lai Châu, người Pháp chỉ tiếp tục mượn con đường của người Mông để vận chuyển.
Theo thời gian, con đường đá bị cỏ cây mọc che bớt lối đi nhưng thực chất con đường đá rộng chừng 3 m và kéo dài tới hơn 20 km xuyên qua những địa hình phức tạp. Núi Nhìu Cồ San - nơi con đường đá vắt qua là một trong những ngọn núi cao và đẹp ở Tây Bắc. Thảm động - thực vật ở đây vô cùng phong phú và đặc sắc. Đó là đại diện điển hình cho hệ sinh thái ôn đới núi cao. Bởi vậy, với du khách, khám phá con đường đá cổ Pavie cũng là hành trình khám phá thiên nhiên kỳ vĩ.
Đoàn xuất phát lúc 7 giờ 30 phút và lên tới đỉnh đèo gió ở độ cao hơn 2.000 m vào khoảng 9 giờ 30 phút. Đây là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Chuyến đi đã để lại nhiều ấn tượng với các thành viên đoàn công tác và là cơ sở để tỉnh đánh giá, cũng như ngành văn hóa đề nghị công nhận di tích danh thắng cấp tỉnh năm 2023.
Theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường, Bát Xát là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với rất nhiều địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước. Tháng 1/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị Quyết 36 về định hướng không gian phát triển lĩnh vực kinh tế trọng tâm huyện Bát Xát, đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, mang những giá trị cốt lõi. Nghị quyết gồm 5 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ về phát triển du lịch Bát Xát phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Tuyến đường đá cổ Pavie là một tuyến du lịch đặc sắc, kết nối du lịch giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đây cũng là điểm du lịch trải nghiệm lý tưởng cho những ai thích khám phá thiên nhiên bên cạnh thác Rồng, thác Tiên, thác Đỏ, thác Ong Chúa… Chuyến khảo sát đường đá cổ Pavie lần này nhằm mục đích tạo cơ sở để ngành văn hóa đề nghị công nhận di tích danh thắng cấp tỉnh. Điều này chắc chắn có ý nghĩa rất quan trọng với địa phương và là động lực để Bát Xát tiếp tục quan tâm, chú trọng đầu tư và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức về làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Buổi chiều, đoàn tiếp tục khảo sát thác Ong Chúa nằm trên địa bàn xã Sàng Ma Sáo. Trên đường tới thác Ong Chúa, đoàn đã đi thăm một số hộ dân ở thôn Nhìu Cồ San. Được biết, thôn có hơn 100 hộ dân, 100% là người Mông, phần lớn các hộ theo đạo Tin lành.
Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng theo ông Giàng A Cự, Trưởng thôn Nhìu Cồ San, người dân nơi đây rất chăm chỉ, đoàn kết, có ý thức bảo vệ môi trường và đang muốn làm du lịch để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Hiện thôn đã có 4 nhà làm dịch vụ homestay, với khoảng 40 người dẫn khách.
Ong Chúa được biết đến là một thác nước đẹp và hùng vĩ nằm trên cung đường chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San. Để tiếp cận thác nước này, đoàn khảo sát đã phải vượt qua đoạn đường bộ khá vất vả trước khi đến điểm xuất phát. Đường lên thác Ong Chúa cũng trải qua con đường đá đẹp và thú vị không kém đường đá cổ Pavie. Trước kia, chỉ những ai leo núi Nhìu Cồ San mới đi ngang qua và có cơ hội nhìn thấy thác Ong Chúa. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, thác nước này trở thành điểm đến ở Lào Cai được nhiều người biết đến.
Sau khoảng hơn 1 giờ leo núi, đoàn khảo sát tới thác Ong Chúa. Sự kỳ vĩ của thác nước tự nhiên cùng hệ sinh thái đa dạng nơi đây được các thành viên đoàn khảo sát đánh giá cao về sức hút và tiềm năng lớn để phát triển thành điểm thu hút du khách trong và ngoài nước. Đó cũng là cơ sở để tỉnh, huyện quan tâm tháo gỡ khó khăn, nhất là về giao thông giúp người dân địa phương nói riêng và Bát Xát nói chung phát triển du lịch.