
Theo tờ The Guardian ngày 17/7, nhóm nghiên cứu do bà Anaelle Jallon (Đại học Hebrew Jerusalem) chủ trì đã phân tích 344 mảnh xương động vật được khai quật từ hai hang động Amud và Kebara ở miền bắc Israel - nơi từng được người Neanderthal sử dụng làm nơi cư trú vào mùa đông. Các mẫu xương tại hang Amud có niên đại khoảng 70.000-50.000 năm trước, trong khi mẫu từ hang Kebara có niên đại khoảng 60.000-50.000 năm trước.
Các kết quả nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Frontiers in Environmental Archaeology, cho thấy dù cùng sử dụng công cụ đá lửa và có chế độ ăn tương tự nhau (chủ yếu là linh dương núi, hươu đốm), người Neanderthal tại hai địa điểm có kỹ thuật xẻ thịt khác biệt đáng kể.
Cụ thể, các mẫu xương tại hang Amud có mật độ vết cắt cao hơn, nhiều vết cắt cong và giao nhau. Trong khi đó, xương từ hang Kebara có các vết cắt chủ yếu là đường thẳng, ít chồng lấn. Sự khác biệt này vẫn rõ ràng ngay cả khi chỉ so sánh cùng một loài (linh dương) và cùng loại xương (xương dài).
Theo bà Jallon, các giả thuyết được đưa ra bao gồm sự khác biệt trong cách học và truyền đạt kỹ thuật xẻ thịt, số lượng cá thể tham gia vào quá trình chế biến, hoặc trạng thái phân hủy của xác động vật tại thời điểm xử lý. Nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận xương của các loài động vật lớn như bò rừng cổ xuất hiện nhiều hơn tại hang Kebara, song lưu ý rằng điều này có thể xuất phát từ điều kiện bảo tồn mẫu vật hoặc do hoạt động xẻ thịt diễn ra ở vị trí khác trong trường hợp của hang Amud.
Tiến sĩ Matt Pope, chuyên gia tại Đại học College London (Anh), nhận định nghiên cứu cung cấp bằng chứng bổ sung về sự đa dạng hành vi của người Neanderthal. “Những dấu vết này không chỉ là bằng chứng vật lý mà còn phản ánh thao tác kỹ thuật - một phần đời sống thường nhật của người cổ”, ông nói.
Ông Pope cũng nhấn mạnh, nghiên cứu này tiếp tục bác bỏ quan điểm coi người Neanderthal là một nhóm đồng nhất. “Thay vào đó, chúng ta đang thấy một quần thể có nhiều nhóm khác nhau, sống cùng thời trong cùng khu vực nhưng duy trì các kỹ thuật và tập quán riêng biệt”, ông nói.
Các nhà nghiên cứu kỳ vọng những phát hiện mới sẽ góp phần làm rõ hơn về cấu trúc xã hội và quá trình truyền thụ kỹ năng của người Neanderthal, từ đó hiểu rõ hơn về khả năng thích nghi và tổ chức đời sống của nhóm người tiền sử này.