Khám phá cầu Mây cổ

LCĐT - Trên dòng suối Mường Hoa có hơn chục chiếc cầu bắc qua để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân bản địa, trong số đó, cầu Mây cổ có lịch sử lâu đời, là địa chỉ check-in, khám phá ấn tượng với du khách khi đến Sa Pa.

Trong quá trình quần cư dọc theo suối Mường Hoa, người dân bản địa đã dùng dây rừng bện thành những chiếc cầu treo qua suối để đi lại giữa hai bờ thuận tiện hơn. Ngày nay, chỉ còn số ít cầu được gìn giữ và tu sửa, trở thành điểm đến cho du khách khám phá, trải nghiệm và chụp ảnh. Cầu Mây cổ ở thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa được coi là cây cầu có lịch sử lâu đời nhất còn được giữ gìn khá nguyên vẹn đến nay.

Du khách khám phá, trải nghiệm cầu Mây cổ.
Du khách khám phá, trải nghiệm cầu Mây cổ.

Anh Nguyễn Đăng Thu, hướng dẫn viên du lịch, chủ cơ sở Cầu Mây Eco Home, sống nhiều năm gần cầu Mây cổ cho biết: Khi làm hướng dẫn viên, tôi đã dày công đi đến nhà người già trong bản tìm hiểu thông tin và nghe họ kể những câu chuyện xung quanh cây cầu này. Theo những người già trong thôn, cầu Mây cổ được làm lần đầu các đây hơn 100 năm, lần cuối cùng dùng để đi lại cũng cách đây vài chục năm. Cầu Mây không chỉ được người dân dùng để đi lại, mà còn là nơi hò hẹn của trai gái trong thôn. Nhiều cặp vợ chồng ngày nay đã nên duyên sau những lần hò hẹn bên cầu Mây cổ.

Những người già ở thôn Hòa Sử Pán 1 kể: Xưa kia, suối Mường Hoa nước chảy cuồn cuộn, rất khó qua lại, nhất là vào mùa mưa, nên người dân nơi đây đã sáng tạo ra cầu treo làm bằng dây mây và dây rừng, 2 đầu dây mây được cố định vào thân cây cổ thụ bên bờ suối. Trong đó, 4 dây mây được lấy từ rừng già, to bằng nửa cổ tay người lớn được dùng làm dây chính, cùng các loại dây rừng bện chặt lại với nhau, sàn cầu được xếp bằng cây vầu già hoặc gỗ. Người dân phải tu sửa thường xuyên để cầu chắc chắn, an toàn.

Do được làm bằng nguyên liệu chính là dây mây rừng nên khi làm xong, người ta thường gọi là cầu Mây. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, tên gọi cầu Mây còn xuất phát từ việc thung lũng Mường Hoa thường xuyên có mây mù bao phủ, người đi trên cầu có thể hòa mình vào trong mây, đưa tay ra chạm tới mây. Cũng có người cho rằng, đi trên cầu có cảm giác bồng bềnh như trên mây, nên người ta gọi là cầu Mây. Dù cái tên cầu Mây được xuất phát từ lý do nào thì nay vẫn được nhiều khách sạn, nhà hàng tại Sa Pa đặt làm tên gọi. Ở thị xã Sa Pa cũng có một phường và một tuyến phố mang tên cầu Mây. Cái tên cầu Mây cũng trở thành “thương hiệu” của du lịch Sa Pa, được nhiều du khách biết tới. Cầu Mây cổ là địa điểm có thể thu hút du khách trong và ngoài nước.

Dấu ấn thời gian trên cây cầu cổ.
Dấu ấn thời gian trên cây cầu cổ.

Để khám phá cầu Mây cổ, du khách có thể di chuyển từ trung tâm thị xã Sa Pa, xuôi theo Tỉnh lộ 152 khoảng 20 km, qua bãi đá cổ thuộc xã Mường Hoa 300 m, rẽ phải 800 m theo đường bê tông nhỏ xuống là tới. Du khách không cần quá lo lắng vì ở các lối rẽ đều có biển chỉ dẫn. Hiện cầu Mây cổ nằm trong khuôn viên Cầu Mây Eco Home. Cầu Mây cổ vẫn được cố định vào thân cây cổ thụ hai bên bờ suối để du khách tham quan, trải nghiệm miễn phí. Dây mây rừng nay được thay bằng cáp thép chịu lực. Ngoài cầu Mây cổ, du khách còn có thể chiêm ngưỡng một thác nước tuyệt đẹp, thơ mộng và hùng vỹ được người dân địa phương gọi là thác Giàng Tà Chải.

Anh Nguyễn Tiến Việt (Hà Nội) chia sẻ: Tôi rất thích thú khi được đi trên cầu Mây cổ, nhất là khi bước ra giữa cầu có cảm giác bồng bềnh như “trên mây”. Tôi và nhóm bạn đã chụp được nhiều tấm ảnh ưng ý với cầu, với suối và những cây cổ thụ. Ngoài chụp ảnh, tôi còn được nghe kể nhiều chuyện hay xung quanh cây cầu.

Nói về cầu Mây cổ, anh Nguyễn Đăng Thu cho biết thêm: Tôi mong chính quyền địa phương quảng bá để có nhiều người biết đến địa điểm này hơn nữa, để du khách tìm về trải nghiệm, giúp người dân trong thôn phát triển du lịch, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cầu Mây cổ thể hiện sự sáng tạo của con người trong hành trình chinh phục thiên nhiên, là hiện vật gắn liền với cuộc sống của người dân bản địa hai bên suối Mường Hoa. Nếu được đầu tư, quảng bá, chắc chắn cầu Mây cổ sẽ trở thành điểm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

[Ảnh] Bình yên bản làng Mường Hoa

[Ảnh] Bình yên bản làng Mường Hoa

Xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa) có 9 thôn với hơn 1.400 hộ dân sinh sống. Nơi đây tập trung chủ yếu các thành phần dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Kinh, trong đó 95% là người Mông. Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ cùng bản sắc văn hóa được gìn giữ, Mường Hoa thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Bảo Hà hướng tới đô thị du lịch tâm linh hiện đại

Bảo Hà hướng tới đô thị du lịch tâm linh hiện đại

Tỉnh Lào Cai quan tâm đầu tư xây dựng đô thị Bảo Hà (Bảo Yên) với hạ tầng cơ sở đáp ứng phát triển du lịch. Đặc biệt, mới đây tỉnh đã điều chỉnh chương trình phát triển đô thị này đến năm 2030 để mở rộng và kết nối du lịch tâm linh liên vùng.

Sa Pa lãng mạn trong sắc hoa tầm xuân.

[Ảnh] Sa Pa dịu dàng sắc hoa tầm xuân

Sa Pa được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ, trong lành, là thiên đường của các loài hoa đua nhau khoe sắc. Tuy nhiên, có lẽ loài hoa dễ trồng, dễ chăm sóc nhất ở nơi đây chính là tầm xuân (hồng leo). Mùa này, bất cứ nơi đâu hay bất cứ con đường nào ở Sa Pa cũng rực rỡ sắc hoa tầm xuân. Hoa tầm xuân góp phần làm đẹp cảnh quan Khu du lịch quốc gia Sa Pa, đồng thời tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí huyện Bát Xát

Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí huyện Bát Xát

Sáng 5/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với Công ty TNHH Bảo tồn rừng và Du lịch sinh thái Evergreen và Công ty TNHH MTV Du lịch sinh thái bảo tồn rừng.

Tả Gì Thàng - làng đẹp trong mây

Tả Gì Thàng - làng đẹp trong mây

Trong những xã vùng cao, biên giới của huyện Bát Xát, Y Tý là xã xa xôi nhất nhưng lại được ví như “viên ngọc” quý bởi bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, hùng vĩ và bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc. Ở Y Tý có thôn Tả Gì Thàng - làng nhỏ bình yên, phong cảnh đẹp được ví như trong truyện cổ tích. Từ lâu, đồng bào Hà Nhì nơi đây luôn trân trọng, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, không để mai một theo năm tháng.

Du lịch Việt - nâng cao sức hút để bứt phá

Du lịch Việt - nâng cao sức hút để bứt phá

Những kết quả khởi sắc của ngành du lịch trong những tháng đầu năm 2025, cùng với việc triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số đã và đang tạo đà cho du lịch Việt Nam bứt phá. 

Du lịch Việt Nam: “Bùng nổ” lượng khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Du lịch Việt Nam: “Bùng nổ” lượng khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong những ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, ghi nhận các điểm du lịch trên cả nước đón lượng khách đông, nhiều nơi kín khách đặt phòng. Các điểm du lịch ven biển như: Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Vũng Tàu (Bà Rịa = Vũng Tàu)… ghi nhận lượng khách “bùng nổ” cùng nhiều hoạt động sôi động.

fb yt zl tw