Tờ Financial Times trước đó cho biết đại diện của các tập đoàn như Exxonmobil, Total, Repsol, Shell và ConocoPhillips cùng các quan chức từ Ngân hàng trung tâm châu Âu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), các đại diện đến từ thị trường dầu mỏ New York, London sẽ đến tham dự cuộc họp này.
Trong phiên giao dịch cuối ngày 12-3, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 4 đã tăng lên 110,20 USD/thùng trước khi giảm xuống 109,92 USD/thùng. Giá dầu Brent biển Bắc đạt ngưỡng 106,41 USD/thùng (trước đó là 106,27 USD/thùng). Đồng USD tiếp tục tụt giá so với đồng euro cũng là nguyên nhân đẩy dầu tiếp tục tăng cao.
* Thị trường thế giới (London và New York), ngày 13-3, đã chứng kiến mức leo thang kỷ lục của giá vàng với lần đầu tiên đạt mức 1.000 USD/ounce (1 ounce= 28,35 gram), mức cao nhất trong lịch sử. Giới đầu tư đang hối hả mua vào các kim loại quý để tránh tác động của lạm phát trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ.
Như vậy, giá vàng đã tăng tới hơn 10% kể từ khi vượt ngưỡng 900 USD/ounce ngày 11-1 vừa qua. Theo giới phân tích, giá vàng tăng là do đồng USD tiếp tục mất giá, khiến vàng trở thành nguồn đầu tư an toàn nhất trong bối cảnh lạm phát tăng cao và kinh tế biến động như hiện nay.
Cùng ngày, lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, đồng USD cũng giảm mạnh so với đồng yên, xuống dưới ngưỡng 100 yên/USD. Chiều ngày 13-3, trên thị trường châu Á, đồng USD được giao dịch phổ biến ở mức 1,5592 USD/euro, mức thấp nhất kể từ khi đồng euro được đưa vào lưu hành thực tế từ năm 1999.
(Theo SGGP)