Công cuộc hội nhập của nền kinh tế đất nước vào kinh tế toàn cầu đã mang lại những cơ hội vô cùng to lớn trong phát triển nhưng cũng xen lẫn nhiều thách thức không hề nhỏ, đòi hỏi phải có giải pháp đột phá.
Ngày 25/3, tại Vĩnh Phúc, Ban Chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận-thực tiễn cốt yếu về CNH-HĐH trong quá trình đổi mới và phát triển ở Việt Nam” dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Qua 30 năm đổi mới, cơ cấu kinh tế đất nước đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng CNH-HĐH. Sự hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện của nền kinh tế đất nước vào kinh tế toàn cầu đã mang lại cho chúng ta những cơ hội vô cùng to lớn trong phát triển nhưng cũng xen lẫn nhiều thách thức không hề nhỏ.
Đáng phấn khởi hơn, công cuộc CNH-HĐH đã giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội… nhờ đó, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo giảm, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng và an ninh được giữ vững, nâng cao tiềm lực và vị thế quốc tế của đất nước.
Chưa được định hình rõ nét
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công cuộc CNH-HĐH còn nhiều bất cập: Mô hình CNH-HĐH chưa được định hình rõ nét; chưa phát triển có hiệu quả các ngành công nghiệp ưu tiên và chưa tận dụng lợi thế về công nghệ và nguồn lực đầu tư nước ngoài để tạo tính lan toả, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển tương xứng.
Đặc biệt, quá trình thực hiện CNH chưa gắn chặt với HĐH, phát triển công nghiệp vẫn chỉ là gia công, lắp ráp, giá trị thấp. Các chủ trương CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn triển khai còn chậm và chưa thật hiệu quả, rõ hướng; môi trường thể chế yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực thấp và kết cấu hạ tầng yếu vẫn là điểm nghẽn, là nút thắt đang cản trở quá trình CNH-HĐH đất nước.
Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư để thực hiện công nghiệp hoá có nơi còn dàn trải, thiếu trọng tâm, manh mún, không khai thác được lợi thế kinh tế theo quy mô. Nhiều vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế do quy hoạch không hợp lý hoặc duy ý chí nên không phát huy được tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Điều đáng nói, đến nay chúng ta vẫn chưa tìm được hướng đi và mô hình phát triển phù hợp để có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình mà kinh nghiệm của nhiều nước đi trước đang gặp phải.
Tìm giải pháp đột phá
Từ thực tiễn nêu trên, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học phát huy dân chủ, cởi mở, trao đổi thẳng thắn, đề cập trực tiếp vào các vấn đề bất cập, khó khăn mà nền kinh tế đang đối mặt để đề xuất giải pháp khắc phục.
Phó Thủ tướng cho rằng, cần làm rõ những vấn đề cốt lõi về mô hình, mục tiêu, nội dung, nguồn lực thực hiện CNH-HĐH.
Việc lựa chọn, xây dựng mô hình CNH-HĐH theo hướng hiện đại trong thời gian tới cần theo hướng ưu tiên nguồn lực vào ngành và lĩnh vực nào và dựa trên cơ sở thực tiễn nào? Các giải pháp và chính sách ưu tiên nên được thiết kế ra sao để đạt được các mục tiêu đề ra? Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài gắn với chiến lược khuyến khích đầu tư trong nước giai đoạn tới cần được điều chỉnh ra sao để phát huy ưu thế về vốn, công nghệ, năng lực quản trị?... Phó Thủ tướng nêu một loạt câu hỏi.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ: Ba nút thắt tăng trưởng hiện nay vẫn là vấn đề thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Vấn đề đặt ra là thời gian tới cần có các giải pháp đột phá gì để gỡ các nút thắt nhằm thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo mục tiêu hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững, đưa nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Mô hình CNH hiện đại
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đề xuất các giải pháp, mô hình cho nền kinh tế như Ban Kinh tế Trung ương đề xuất mô hình công nghiệp hoá rút gọn theo hướng “công nghiệp hoá hiện đại” để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các sản phẩm chủ lực của hàng nghìn ngành hàng quan trọng, hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành. Xây dựng các tiêu chí của nước công nghiệp
Bên cạnh đó, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố cũng tham gia thảo luận về những vấn đề đặt ra đối với quy mô và sự phát triển kinh tế của từng địa phương, vùng miền như Vĩnh Phúc, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, An Giang. Khắc phục những tồn tại gặp phải trong quá trình phát triển đất nước…