Tham dự có các đồng chí nguyên lãnh đạo thị xã Sa Pa và sự quan tâm, tham gia hưởng ứng của 165 đại biểu, khách mời là nhà khoa học, giới chuyên môn, nhà quản lý trên nhiều lĩnh vực tại các cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước.
“Sa Pa - Hành trình từ Trạm nghỉ dưỡng đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa”
Đề dẫn tại hội thảo, Tiến sỹ Tô Ngọc Liễn, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa ôn lại quá trình hình thành và phát triển của Khu du lịch quốc gia Sa Pa: Cách đây tròn 120 năm, năm 1903, đoàn thám hiểm của sở Địa lý Đông Dương, sau nhiều ngày khảo sát đã phát hiện cảnh quan kỳ vĩ của cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả, đoàn đặt tên Cao trạm khu vực là Sa Pa. Đây được coi là dấu mốc ban đầu hình thành Khu du lịch Sa Pa. Chỉ 2 năm sau đó - năm 1905, một đoàn khảo sát người Pháp đã tổ chức thám hiểm và đặt được mốc tiêu trên đỉnh Fansipan. Ngày 2/6/1909, Chánh sứ Lao Kay (tên cũ của tỉnh Lào Cai) trình Thống sứ Bắc Kỳ đề nghị thành lập khu điều dưỡng trên cao trạm Sa Pa. Cũng từ sau dấu mốc đó là quá trình phát triển của Sa Pa theo năm tháng với những công trình lần lượt được dựng lên, những hoạt động mang tính du lịch được từng bước phát triển.
Từ cuối thập niên 20 đến đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, tốc độ xây dựng thị trấn Sa Pa được đẩy mạnh nhanh chóng, với 3 lần quy hoạch trở thành khu du lịch có tiếng, bao gồm 3 khu chủ yếu là Phố Khách, An Nam, Xuân Viên. Các khách sạn lớn, biệt thự chủ yếu của người Pháp mọc lên ngày càng nhiều, ngoài ra còn xây dựng vườn hoa, sân chơi; xác định các điểm du lịch như Hang Đá, Thác Bạc, Cầu Mây phục vụ cho du lịch và nghỉ dưỡng. Như vậy, hình thành khu du lịch thị trấn Sa Pa ngay từ đầu không phải vì mục đích thương mại hay kỹ nghệ mà là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng.
Từ sau năm 1983, Sa Pa tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, thực hiện đường lối đổi mới, từng bước xây dựng Sa Pa thành khu vực nghỉ mát, tham quan du lịch. Đến năm 1991, khi Việt Nam mở cửa hội nhập nền kinh tế, khách du lịch bắt đầu quay trở lại Sa Pa. Sau Đại hội Đảng bộ lần thứ X (1991) và lần thứ XI (1996) Lào Cai đã chú trọng phát triển mạnh mẽ du lịch và xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng. Đặc biệt, Sa Pa đã tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh, phối hợp với Viện quy hoạch Bộ xây dựng tập trung chỉ đạo xây dựng thị trấn Sa Pa thành thị trấn du lịch với quy mô mở rộng từ 120 ha lên 300 ha.
Năm 2017, Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là khu du lịch Quốc gia mang tầm cỡ Quốc tế, từ đó tạo tiền đề cho việc quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư, thu hút khách du lịch đến với Sa Pa. Ngày 1/1/2020, thị xã Sa Pa được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử dành cho sự phát triển của Sa Pa và là cơ hội mở ra để xây dựng đô thị Sa Pa xứng tầm là Khu du lịch quốc gia và vươn tới đẳng cấp quốc tế, đồng thời là dấu mốc quan trọng của hoạt động du lịch thị xã nói riêng.
Phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên và nhân văn riêng có, trong những năm gần đây, du lịch Sa Pa đã và đang có bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng với tốc độ tăng trưởng đạt 45,17%. Từ đầu năm 2023 đến nay, lượng khách du lịch đạt hơn 2,58 triệu lượt khách, bằng 160% so với cùng kỳ năm 2022, dự kiến hết năm 2023, thị xã sẽ đón trên 3,5 triệu lượt khách, doanh thu hơn 12 nghìn tỷ đồng.
Nhìn lại hành trình từ Trạm nghỉ dưỡng đến Khu du lịch quốc gia, Sa Pa tự hào và khẳng định vị thế của du lịch với bề dày 120 năm hình thành và phát triển. Hội thảo khoa học “Sa Pa – Hành trình từ Trạm nghỉ dưỡng đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa” là hoạt động chào mừng 120 năm du lịch Sa Pa gắn với Kỷ niệm 65 năm Bác Hồ thăm Lào Cai. Qua đó, tiếp tục khẳng định và phát huy vị thế, thương hiệu du lịch Sa Pa - Lào Cai, hướng tới xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa phát triển bền vững, mang tầm cỡ quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Vạn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, nguyên Bí thư Huyện ủy Sa Pa cho biết: Tự hào vì sự phát triển 120 năm du lịch Sa Pa, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, du lịch Sa Pa ngày nay đã có nhiều đổi thay, phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch Sa Pa vẫn còn có những hạn chế, cần đưa ra các giải pháp, quy hoạch, định hướng để Sa Pa phát triển xứng tầm là Khu du lịch quốc gia, vươn tầm quốc tế.
Hội thảo được lắng nghe các đại biểu tham luận, thảo luận nhiều nội dung nhằm làm sáng tỏ thêm vai trò, giá trị của vùng đất và con người Sa Pa trong tiến trình lịch sử 120 năm hình thành và phát triển; đề xuất các định hướng và giải pháp góp phần phát triển du lịch Sa Pa thành ngành kinh tế mũi nhọn, tiến tới xây dựng Sa Pa thành Khu du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế.
Định hướng giải pháp khai thác bền vững Khu du lịch quốc gia Sa Pa
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam biểu dương những cố gắng, nỗ lực của Sa Pa trong việc hình thành và phát triển du lịch trong nhiều năm qua. Sa Pa đã khẳng định được thương hiệu du lịch. Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng nhấn mạnh, nói tới du lịch Sa Pa có nhiều vấn đề để thảo luận như: phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của Sa Pa; nắm bắt xu hướng du lịch sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tư duy làm du lịch; học tập kinh nghiệm khai thác và phát triển du lịch quốc tế... để Sa Pa luôn là nơi đáng đến, đáng sống và đáng trải nghiệm.
Quy hoạch, kiến trúc và xây dựng của Sa Pa qua các thời kỳ, định hướng phát triển trong giai đoạn tới
Tham luận tại hội thảo, Thạc sỹ, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Quân, Phó Viện trưởng - Viện Kiến trúc Quy hoạch xây dựng tỉnh Lào Cai cho biết: Nhìn lại công tác quy hoạch, kiến trúc, xây dựng của Sa Pa qua các thời kỳ có rất nhiều đổi thay, thăng trầm theo tiến trình phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước nói chung và của Sa Pa nói riêng, trong đó có nhiều thành tựu đáng trân trọng và khen ngợi, được khẳng định bằng lượng du khách đến với Sa Pa ngày càng tăng, các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của thị xã rất ấn tượng.
Đối với đô thị du lịch cấp quốc gia Sa Pa trong những năm tới, việc đầu tiên cần thiết là phải nâng cao tính pháp lý việc thực hiện quy hoạch chung đô thị du lịch cấp quốc gia Sa Pa đến năm 2040 được phê duyệt. Khẩn trương phủ kín các quy hoạch cấp thấp hơn làm cơ sở để thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng du lịch. Cần thiết phải xây dựng bộ tiêu chí về kiến trúc công trình của Sa Pa mà ở đó các công trình vật thể kiến trúc, ngoài đảm bảo các yêu cầu về sự bền vững, sự phù hợp với quy hoạch xây dựng… cần đảm bảo các yếu tố mang đặc điểm nhận diện của kiến trúc Sa Pa và mang lại cảm xúc tích cực cho du khách khi đến với Sa Pa.
Vệ sinh môi trường và bảo vệ sinh thái, cảnh quan, hướng tới phát triển du lịch bền vững tại Sa Pa
Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch Việt Nam tham luận: Du lịch Sa Pa tăng trưởng khá nhanh. Tuy nhiên, quá trình phát triển hạ tầng và hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch cùng với việc gia tăng mạnh khách du lịch trong nhiều thời điểm đã khiến cho môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại Sa Pa chịu sức ép rất lớn; đặt ra bài toán khó cho thị xã Sa Pa trong quản lý thực hiện quy hoạch phát triển du lịch, gìn giữ vệ sinh và bảo vệ sinh thái cảnh quan hướng đến phát triển du lịch bền vững.
Để Sa Pa thực sự trở thành Khu du lịch quốc gia trọng điểm và phát triển bền vững, Sa Pa cần thiết thực hiện một số định hướng và giải pháp sau đây: Phát triển du lịch dựa trên nền tảng tôn trọng và bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa; tăng cường tuyên truyền; rà soát điều chỉnh các quy định pháp lý liên quan đến vệ sinh môi trường, bảo vệ sinh thái, cảnh quan; thực hiện kiểm soát hoạt động đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ du lịch, bảo đảm phù hợp với cảnh quan, kiến trúc đô thị vùng núi ở Sa Pa; khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm du lịch phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, thân thiện môi trường; nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn.