LCĐT – Chiều 25/12, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển”. Hội thảo được kết nối trực tuyến với các điểm cầu trên cả nước.
Dự hội thảo có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Dự hội thảo tại điểm cầu Lào Cai có đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Văn Cài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Hội thảo Du lịch 2021 là diễn đàn nhằm đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với ngành du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam; thảo luận về định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; cung cấp thông tin để các đại biểu Quốc hội quyết định những chính sách đột phá nhằm phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện “bình thường mới”.
Đại biểu dự Hội thảo Du lịch 2021 tại điểm cầu tỉnh Lào Cai. |
Các tham luận tại hội thảo có nội dung phong phú và chuyên sâu, tập trung vào các vấn đề như: Đánh giá thực trạng du lịch Việt Nam dưới tác động của tình hình COVID-19 và nhận diện thời cơ, thách thức sau khi dịch bệnh kết thúc; đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi du lịch; đề xuất, kiến nghị các giải pháp dài hạn phát triển du lịch bền vững...
Du lịch mặc dù là một trong những ngành bị tác động nặng nề nhất nhưng lại là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất sau đại dịch nếu có chiến lược và sự chuẩn bị đúng đắn. Hội thảo Du lịch 2021 chính là sự tiếp nối của các cơ quan của Quốc hội, làm sâu sắc thêm các vấn đề đã được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn đưa du lịch phục hồi, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị, gắn với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026.
Đối với tỉnh Lào Cai, với lợi thế về nguồn tài nguyên du lịch phong phú, ngành du lịch cũng đã xây dựng được hệ thống sản phẩm du lịch mang đặc trưng của Lào Cai, trong đó, phải kể đến các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa – cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, mạo hiểm. Năm 219, Lào Cai đã đạt mốc đón 5,1 triệu lượt khách du lịch, với doanh thu đạt trên 22.800 tỷ đồng, đóng góp trên 10% vào GRDP của tỉnh, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành du lịch Lào Cai vẫn đón trên 2,3 triệu lượt khách, đạt doanh thu khoảng 6.700 tỷ đồng. Cơ sở vật chất chuyên ngành có bước nhảy vọt về số lượng cũng như chất lượng. Hiện, toàn tỉnh có 1.310 cơ sở lưu trú; ngành du lịch đã thu hút và giải quyết việc làm cho trên 32 nghìn lao động, trong đó có 14.500 lao động trực tiếp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội thảo. |
Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lào Cai luôn nhất quán quan điểm “Phát triển du lịch bền vững và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”. Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch, ban hành nhiều nghị quyết, chuyên đề chính sách, đề án để làm cơ sở pháp lý, định hướng phát triển du lịch. Trong phát triển du lịch, tỉnh Lào Cai xác định tập trung vào việc khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh cao.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn, căn cứ khoa học và kinh nghiệm trong nước và quốc tế, ý kiến của các đại biểu đã làm rõ mối quan hệ giữa chương trình phục hồi kinh tế - xã hội chung của cả nước với các chương trình, kế hoạch, định hướng phục hồi, phát triển du lịch; kiến nghị những giải pháp, chính sách, nhất là các chính sách về bảo đảm phòng, chống dịch để mở cửa an toàn; chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển du lịch. Đây là những cơ sở quan trọng để Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ tổ chức vào đầu tháng 1/2022.