Thời gian qua, nhận thức của cộng đồng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế và đặc biệt là thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang tiếp diễn ngày càng tinh vi với nhiều hình thức mới, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; bổ sung nhiều quy định để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh.
Cụ thể, Luật bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch đặc thù. Luật bổ sung quy định về sản xuất và tiêu dùng bền vững, bao gồm: Khái niệm về tiêu dùng bền vững, quy định các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững và quy định về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Luật cũng bổ sung một số hành vi bị cấm, trong đó, bao gồm hành vi bị cấm chung, hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số.
Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, các quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã cụ thể hơn, chi tiết hơn. Khi Luật có hiệu lực sẽ đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng chặt chẽ hơn. Đồng thời các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng nhận thức được rằng những hình thức kinh doanh chộp giật, thiếu minh bạch sẽ dần dần bị loại bỏ.
Theo ông Thi: "Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhằm góp phần thực thi đầy đủ các quyền của công dân, để triển khai hiệu quả và sớm đưa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đi vào cuộc sống.
Chúng ta phải luôn xác định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Xu thế phát triển kinh tế ngày càng cho thấy rõ vai trò của người tiêu dùng đối với sự thành bại của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần nhận thức được rằng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là nghĩa vụ mà là quyền lợi của chính mình và là trách nhiệm với lợi ích chung của toàn xã hội".
Trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, bản thân doanh nghiệp và người tiêu dùng mới là chủ thể quan trọng và giữ vai trò quyết định.
Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: "Khi Luật có hiệu lực, văn bản pháp quy và những hướng dẫn cụ thể sẽ tải vào trong Nghị định hướng dẫn thi hành rất cụ thể hơn và thuận tiện hơn cho người tiêu dùng. Luật không chấp nhận kinh doanh thiếu minh bạch và những thông tin hiện nay thì sẽ được phổ biến cặn kẽ hơn.
Về phía hội, chúng tôi cũng thấy trách nhiệm của mình từ Trung ương Hội đến tỉnh, thành phố phải nâng cao lên và quan tâm hơn nữa, kịp thời, tiếp nhận những thông tin, khiếu nại của người tiêu dùng, cố gắng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình giải quyết cho thật tốt ở mức cao nhất, có như thế chúng tôi mới thực hiện được tôn chỉ mục đích của Hội bảo vệ người tiêu dùng".
Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng năm nay được tổ chức và thực hiện trong suốt năm 2024; trong đó tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng. Bộ Công Thương khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng với các hoạt động liên quan, bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng, đặc biệt là quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch, an toàn.