“Hộ chiếu vaccine” có thể giúp nới lỏng các quy định nhập cảnh hiện nay như việc yêu cầu người nhập cảnh phải có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hay phải cách ly bắt buộc.
Với hàng triệu người đang được tiêm phòng vaccine COVID-19 mỗi ngày trên khắp thế giới, nhiều nhà chính trị, giới lãnh đạo các doanh nghiệp tại nhiều quốc gia đã đề xuất triển khai “hộ chiếu vaccine” - một chứng nhận cho việc đã được tiêm phòng.
“Hộ chiếu vaccine” có thể dễ dàng được kiểm chứng và xác thực việc người dân đã tiêm phòng vaccine COVID-19.
Người dân Israel được cấp chứng nhận tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: AP
Ý tưởng về “hộ chiếu vaccine” nhận được nhiều sự đồng tình, nhằm hướng tới cuộc sống bình thường như trước đây. Tuy nhiên, vẫn có những quan điểm không đồng tình, nhất là khi vẫn còn những nghi ngại về hiệu quả của vaccine COVID-19, vốn được nghiên cứu, phát triển trong thời gian ngắn và gấp.
Thực tế, nhiều nước và các hãng hàng không đã yêu cầu người nhập cảnh, người lên máy bay phải có xét nghiệm chứng nhận không nhiễm virus SARS-CoV-2. Ý tưởng về “hộ chiếu vaccine” được kỳ vọng sẽ thiết lập một hệ thống thông tin tiêm chủng phiên bản cập nhật cho “Chứng nhận tiêm chủng quốc tế” do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp để ghi lại lịch sử tiêm chủng của mỗi người.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, với khả năng lây lan nhanh trên toàn cầu, “hộ chiếu vaccine” được đề xuất và phải đáp ứng yêu cầu là một chứng nhận điện tử an toàn, dễ xác thực hơn. Đây là lý do khiến ý tưởng này được ủng hộ. “Hộ chiếu vaccine” là bằng chứng đảm bảo về tình trạng tiêm chủng, đồng thời ghi lại kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mới nhất của mỗi người. Theo đó, có thể nới lỏng hoạt động đi lại và mở lại các sự kiện đông người.
Uỷ ban châu Âu (EC) dự kiến công bố một đề xuất mang tính pháp lý về việc thiết lập một hệ thống “hộ chiếu vaccine điện tử” giữa các nước trong khối trong tháng 3/2021. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang gây tranh cãi giữa các thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Từ tháng 2/2021, Hy Lạp đã cấp chứng nhận tiêm chủng điện tử cho những người đã tiêm đủ hai liều vaccine COVID-19. Với một quốc gia có nguồn thu kinh tế phụ thuộc vào du lịch, Hy Lạp chắc chắn ủng hộ triển khai “hộ chiếu vaccine”. Song, mối quan tâm của nhiều là lãnh đạo EU là việc tâm hộ chiếu này sẽ tạo ra một nhóm người với các đặc quyền đặc biệt di chuyển, theo đó, có thể làm suy yếu nguyên tắc cơ bản về việc di chuyển tự do giữa các nước trong khối.
Một số nước khác như Cộng hòa Séc, Ba Lan, Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha… cũng đang triển khai hoặc yêu cầu phải có chứng nhận tiêm chủng khi nhập cảnh.
Trong khi đó, Đức và Pháp lại không quá “mặn mà” với việc triển khai “hộ chiếu vaccine” này. Cả 2 quốc gia này lo ngại rằng, việc nới lỏng đi lại cho những người đã được tiêm chủng sẽ dẫn đến “sự phân biệt đối xử” với những người chưa được tiêm vaccine.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran đã nhiều lần nói rằng, còn quá sớm để thảo luận vấn đề “hộ chiếu vaccine”, bởi hiện nay mới chỉ chưa tới ba triệu người Pháp được tiêm liều vaccine COVID-19 đầu tiên. Hơn nữa, hiện chưa rõ liệu vaccine có thể ngăn ngừa lây truyền virus hay không.
Quan điểm này của giới chức y tế Pháp cũng được chia sẻ bởi WHO. WHO cũng khuyến cáo không nên áp đặt các hạn chế đi lại để đối phó với đại dịch COVID-19. Song, các nước đã bỏ qua khuyến cáo này và áp dụng lệnh cấm bay với các nước có dịch. WHO cũng nhắc đến vấn đề nguồn cung vaccine COVID-19 trên thế giới vẫn còn hạn chế. Và mới nhất, hàng loạt nước châu Âu đã tạm ngừng tiêm vaccine AstraZeneca để đánh giá lại những phản ứng phụ sau tiêm.
Từ đầu tháng 3/2021, Trung Quốc đã cấp những tấm “hộ chiếu vaccine” đầu tiên, nhằm mở cửa lại nền kinh tế và nới lỏng hoạt động đi lại toàn cầu. Là một trong những nước đầu tiên trên thế giới cấp “hộ chiếu vaccine”, Trung Quốc triển khai chứng nhận tiêm chủng này ở cả bản giấy và bản điện tử, trong đó, cung cấp chi tiết thông tin tiêm chủng cũng như kết quả xét nghiệm kháng thể của người dân.
(Ảnh minh hoạ: Getty)
Trung Quốc cũng tuyên bố sẵn sàng đàm phán với các nước khác để thiết lập một cơ chế đa phương để xác thực và công nhận “hộ chiếu vaccine này”.
Tuy nhiên, khi “hộ chiếu vaccine” chưa phổ biến trên thế giới, các nước vẫn yêu cầu người nhập cảnh phải cách ly đủ 14 ngày theo quy định phòng dịch.
Với Việt Nam, phân tích chính sách “hộ chiếu vaccine” của một số nước, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 khẳng định, chính sách cụ thể liên quan đến “hộ chiếu vaccine” phải căn cứ vào những đánh giá tiếp theo về tính an toàn, khả năng miễn dịch của từng loại vaccine và ở từng nước.
Từ đó, Việt Nam sẽ có cơ chế phù hợp, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi để phục vụ mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.