Theo thống kê của ngành chăn nuôi tỉnh, hiện tổng đàn lợn toàn tỉnh khoảng 433 nghìn con, trong đó quy mô nuôi nhỏ lẻ chiếm 40 - 45%. Lợn địa phương thường được nuôi với quy mô gia đình. Mỗi hộ nuôi vài con đến vài chục con theo hướng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sẵn có. Do áp dụng tập quán nuôi truyền thống, chủ yếu là thả rông, không sử dụng các biện pháp phòng dịch nên đàn lợn dễ nhiễm bệnh.
Để bảo vệ sinh kế cho người dân vùng cao, mô hình chăn nuôi lợn bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng được Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện. 60 hộ dân của 3 xã đặc biệt khó khăn là Nậm Chày (huyện Văn Bàn), Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương), Phìn Ngan (huyện Bát Xát) được hỗ trợ 214 con lợn giống và hướng dẫn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.
Tham gia mô hình, các hộ được tập huấn, tư vấn, truyền thông và hướng dẫn áp dụng các biện pháp nuôi an toàn sinh học có sự giám sát của cộng đồng. Theo đó, mỗi xã thành lập 1 tổ hợp tác chăn nuôi, được hướng dẫn sinh hoạt định kỳ, tự bàn, hoạch định kế hoạch nuôi, kế hoạch xuất chuồng và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc đàn lợn giữa các thành viên trong tổ.
Anh Vàng A Bình ở thôn Lán Bò, xã Nậm Chày (Văn Bàn) cho biết: Trước đây nuôi lợn, chúng tôi chưa bao giờ tiêm phòng hoặc tẩy giun cho lợn, cũng không biết việc tận dụng thức ăn thừa của gia đình cho lợn ăn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh. Tham gia mô hình, chúng tôi được hướng dẫn vệ sinh chuồng nuôi, tiêm vắc-xin cho lợn, cách tận dụng chế biến các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi...
Nhờ thực hiện tốt nhiều biện pháp nên đàn lợn của gia đình anh Bình phát triển tốt. Sau hơn 7 tháng nuôi, đàn lợn đã đạt trọng lượng 65 - 75 kg/con, đủ tiêu chuẩn xuất chuồng. Trong 3 con lợn được hỗ trợ để nuôi lợn thịt, anh chọn 1 con gây giống, kết quả con lợn này đã sinh được 9 lợn con mạnh khỏe.
Nhận xét về mô hình, ông Sùng A Dùng, Chủ tịch UBND xã Nậm Chày cho biết: Hiệu quả mang lại từ chăn nuôi lợn an toàn sinh học là rất lớn. Mô hình góp phần nâng cao nhận thức về cải tạo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, phối hợp triển khai phòng bệnh chung trên địa bàn toàn xã, xây dựng được mối đoàn kết trong các tổ, nhóm, nhất là khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Mô hình chăn nuôi lợn bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng được triển khai từ tháng 7/2022. Thời điểm này, mô hình đã kết thúc với những đánh giá tích cực từ người dân tham gia dự án, cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương. Từ hiệu quả của mô hình, các hộ chăn nuôi an toàn dịch bệnh đang là cơ sở để nhân rộng trong cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh nhận định: Sau hơn 7 tháng thực hiện mô hình, 100% lợn được nuôi dưỡng an toàn, khỏe mạnh, hiện đạt 75 - 84 kg/con, vượt 5% mục tiêu kế hoạch. Mô hình đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế 63% so với chăn nuôi đại trà. Quan trọng nhất là mô hình đã giúp thay đổi nhận thức của người dân vùng cao từ chăn nuôi tự nhiên sang thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, hạn chế rủi ro bởi dịch bệnh, nâng cao chất lượng thịt lợn, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Sau hơn 7 tháng thực hiện mô hình, 100% lợn được nuôi dưỡng an toàn, khỏe mạnh, hiện đạt 75 - 84 kg/con, vượt 5% mục tiêu kế hoạch. Mô hình đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế 63% so với chăn nuôi đại trà.
Để phát triển và nhân rộng mô hình cần có chính sách hỗ trợ thành lập tổ hợp tác nông dân cùng liên kết chăn nuôi lợn an toàn sinh học dựa vào cộng đồng; hỗ trợ các tổ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, gắn an toàn sinh học dựa vào cộng đồng; hỗ trợ nâng cấp sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…