Giải ngân đầu tư công vẫn "ì ạch", thách thức giải ngân 95% kế hoạch vốn

Giải ngân vốn đầu tư công của 10 tháng năm 2024 chỉ đạt trên 52%, thấp hơn khoảng hơn 4% so với con số của cùng kỳ năm ngoái (56,7%). 

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương trao đổi về các giải pháp thúc đẩy đầu tư công những tháng cuối năm. Ảnh: VGP
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương trao đổi về các giải pháp thúc đẩy đầu tư công những tháng cuối năm. Ảnh: VGP

Tại họp báo Chính phủ chiều 9/11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết: Giải ngân vốn đầu tư công của 10 tháng năm 2024 chỉ đạt trên 52%, thấp hơn khoảng hơn 4% so với con số của cùng kỳ năm ngoái (56,7%).

Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Việt Nam còn 3 tháng, trong đó có 2 tháng để thực hiện, 1 tháng để giải ngân những khối lượng đã thực hiện trong năm để có thời gian chỉnh lý, quyết toán.

“Những khó khăn, thách thức giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 cơ bản tiếp nối từ năm 2023 sang. Khó khăn lớn nhất là về nguồn vật liệu thông thường để phục vụ thi công các công trình lớn, đặc biệt các công trình giao thông. Để giải quyết vấn đề này, không chỉ liên quan đến Luật Đầu tư công mà là nhiều luật khác, đặc biệt Luật về khoáng sản, cấp phép mỏ vật liệu, cũng như việc cho phép bán các vật liệu thông thường phục vụ công trình”, ông Trần Quốc Phương cho biết.

Để đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% trong năm 2024, Bộ KH&ĐT đã tham mưu nhiều giải pháp cho Thủ tướng, Chính phủ, ban hành các quyết định, Nghị quyết để chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Theo Thứ trưởng, một số giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm gồm: Tiếp tục thực hiện các giải pháp đã kiến nghị và đã được Chính phủ, Thủ tướng ban hành, trong đó nhấn mạnh giải pháp đôn đốc chỉ đạo. Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập 7 Tổ công tác của Chính phủ do các Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT làm Tổ trưởng, đi đôn đốc giải ngân.

Cộng với cơ chế là các thành viên Chính phủ làm việc với địa phương, có phân công các địa phương để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Hai cơ chế này vẫn đang diễn ra và các thành viên cũng rất là tích cực làm việc với các địa phương.

Nhóm giải pháp thứ 2, theo ông Trần Quốc Phương, là tổ chức triển khai thực hiện. Đây là nhóm giải pháp khá khó, mà trách nhiệm chính thuộc về các bộ, ngành, địa phương. “Trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, các thủ tục giải ngân như thủ tục kiểm đếm hay nghiệm thu khối lượng, thủ tục về hồ sơ thanh quyết toán… đề nghị các chủ đầu tư phải làm sớm, nhanh để chúng ta có thể giải ngân được lượng vốn trong kế hoạch đang còn tồn đọng rất nhiều nhằm đạt được mục tiêu đề ra”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Ngoài khó khăn về vật liệu thông thường, còn những khó khăn khác đối với một số dự án như về mặt thủ tục, đặc biệt là các thủ tục về điều chỉnh dự án. “Đến nay đã gần cuối năm rồi, dự án nào đang trong quá trình thủ tục điều chỉnh thì phải kết thúc ngay để tiếp tục thực hiện, nếu không sẽ bị chậm tiến độ; thủ tục điều chỉnh về kế hoạch. Hiện nay luật đã cho phân cấp rất nhiều, các bộ, ngành, địa phương phải triển khai rà soát ngay kế hoạch vốn của mình để có thể điều chỉnh phù hợp. Chỗ nào, dự án nào chậm giải ngân thì có thể điều chỉnh sang các dự án giải ngân tốt để sử dụng hết tổng vốn trong kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao”, ông Trần Quốc Phương nêu.

Giải pháp cuối cùng là tăng cường kỷ luật, kỷ cương về đầu tư công, đặc biệt đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để quản lý công tác đầu tư công nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Luật Đầu tư công đang được sửa đổi và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 này, kèm theo đó là các luật khác như Luật sửa đổi 4 luật liên quan đến đầu tư.

Bộ KH&ĐT đã báo cáo với Chính phủ trình cấp có thẩm quyền cho phép đối với những dự án còn vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt các dự án BT chuyển tiếp, sẽ tổng hợp, nghiên cứu, rà soát để phân nhóm các loại dự án và trình Quốc hội bằng một Nghị quyết để tháo gỡ. Năm tới, Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương rà soát và báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng để tháo gỡ các vướng mắc này.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

[Ảnh] Tả Phời hôm nay

[Ảnh] Tả Phời hôm nay

Tả Phời từng là xã khó khăn nhất trong những ngày đầu thị xã Lào Cai trở thành thành phố năm 2004. Đến nay, sau 20 năm xây dựng và phát triển, diện mạo xã vùng cao này đã đổi thay toàn diện về mọi mặt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao.

Nỗ lực phát triển Petrovietnam thành tập đoàn năng lượng quốc gia

Nỗ lực phát triển Petrovietnam thành tập đoàn năng lượng quốc gia

Tối 1/12, tại Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC ở thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự chuỗi các sự kiện dầu khí và điện gió ngoài khơi do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) tổ chức.

Doanh nhân trẻ Lào Cai: Tiên phong đổi mới, kiến tạo giá trị

Doanh nhân trẻ Lào Cai: Tiên phong đổi mới, kiến tạo giá trị

Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai thành lập năm 2002, hiện có hơn 80 hội viên, đến nay đã qua 4 kỳ đại hội. Những năm qua, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai đã làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, doanh nhân trên địa bàn. Các hội viên tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đồng thời tích cực tham gia hoạt động an sinh, nhất là hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách, hộ bị ảnh hưởng thiên tai, tai nạn, rủi ro.

[Ảnh] Đồng Tuyển: Nông thôn mới kiểu mẫu vùng ven đô

[Ảnh] Đồng Tuyển: Nông thôn mới kiểu mẫu vùng ven đô

Nằm ở cửa ngõ phía Tây bắc của thành phố Lào Cai, xã Đồng Tuyển đã cán đích nông thôn mới năm 2015, hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao năm 2024. Có được kết quả này, ngoài sự quan tâm chỉ đạo linh hoạt của các cấp còn là sự quyết tâm, đồng lòng của người dân.

fbytzltw