Nâng bước nhà sản xuất
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, Tuần lễ kết nối, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bình Dương năm 2024 tại TP.Hồ Chí Minh đã hội tụ, giới thiệu được thành tựu của các đơn vị trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Qua đó, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần giúp người tiêu dùng nhận thức đúng, đầy đủ khả năng sản xuất, kinh doanh của các DN sản xuất trong nước, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Đồng thời, tạo cơ hội cho các DN sản xuất công nghiệp - thương mại các tỉnh, thành kết nối, giao thương, học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Trình diễn sản xuất sản phẩm mây tre đan - sản phẩm đặc trưng của Bình Dương tại Tuần lễ kết nối, xúc tiến thương mại vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TIỂU MY
Đến với không gian trưng bày, chúng tôi đã cảm nhận được sự chuyển mình của các sản phẩm đặc trưng Bình Dương. Hơn 150 sản phẩm hàng hóa trưng bày bao gồm mây tre lá, sơn mài, cà phê, đậu đen xanh lòng, sầu riêng, bưởi da xanh, cam, dưa lưới, mít, hồ tiêu, tàu hủ tươi, nấm linh chi, tổ yến, nấm rơm, đông trùng hạ thảo, tỏi đen… đã cho thấy các sản phẩm của Bình Dương ngày càng hoàn thiện hơn từ quy trình, chất lượng, cách thức tiếp cận khách hàng. Tổ chức tuần lễ kết nối cung cầu lần này không nằm ngoài mục đích của các cấp, các ngành, đơn vị sản xuất trong việc tiếp cận các đơn vị phân phối, DN đầu mối chế biến, xuất khẩu.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh cho biết chương trình lần này với phương châm “Mở rộng cơ hội kết nối giao thương - Tăng cường liên kết tiếp tục vươn xa”, tạo cầu nối, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Các DN tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, khai thác một cách bền vững, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Điều lớn nhất đạt được tại Tuần lễ kết nối, quảng bá lần này là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, DN Bình Dương sẽ có thêm nhiều thông tin về xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời, cập nhật các quy định và quy chuẩn hàng hóa khi đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị hiện đại của các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia, các DN đầu mối chế biến xuất khẩu, sàn TMĐT trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh - bà Hằng cho biết thêm.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh (ITPC), cho biết: “Trong thời gian tới, ITPC sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các tỉnh, thành có quan hệ hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với TP.Hồ Chí Minh để thúc đẩy xúc tiến thương mại, đầu tư. Đặc biệt, sẽ quan tâm xây dựng các chương trình hợp tác cụ thể với Bình Dương và các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ trong hoạt động quảng bá, kết nối giao thương nhằm hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của các địa phương nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất”.
Phục vụ tiêu dùng xanh
Các sản phẩm tham gia triển lãm năm 2024 thể hiện xu hướng sản xuất gắn với tiêu dùng xanh. Theo đó, các đơn vị sản xuất của Bình Dương chú trọng từ chất lượng đến cách nhận diện.
Ông Vũ Minh Dương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất thực phẩm Phú Mỹ A (TP.Thủ Dầu Một), cho biết: “Công ty sản xuất chả lụa, chả bò, nem chua, xúc xích, bánh giò… không dùng chất bảo quản, phụ gia. Thực phẩm được sản xuất dựa trên nghiên cứu riêng về hoạt tính chống oxy hóa của lá chuối, quy trình chế biến bảo đảm an toàn. Nguyên liệu đầu vào chúng tôi liên kết với Công ty Cổ phần CP, đồng thời tự trồng chuối hữu cơ để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đến với tuần lễ này, chúng tôi mong muốn kết nối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là các chuỗi bán lẻ sản phẩm xanh, tiêu dùng bền vững”.
Khách hàng tham quan, tìm hiểu sản phẩm đặc trưng của Bình Dương tại Tuần lễ kết nối, xúc tiến thương mại.
Chị Nguyễn Y Vân, phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Mây tre lá Thành Lộc, cho biết công ty rất kỳ vọng khi tham gia triển lãm lần này. Đây là cơ hội để giới thiệu những sản phẩm mới chất liệu xanh như mây, tre, cói đến với người tiêu dùng, du khách, tìm kiếm thêm cơ hội xuất khẩu, mở rộng sản xuất. Các DN, hợp tác xã, chủ trang trại, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh có cơ hội giao lưu, kết nối trực tiếp với các DN phân phối, đầu mối xuất nhập khẩu tại TP.Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Ngọc Cường, bộ phận kinh doanh hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op, cho biết đơn vị hiện đang kinh doanh hơn 1.000 sản phẩm là đặc sản vùng miền đến từ các làng nghề, hợp tác xã trên toàn quốc. Đây là thành quả hợp tác giữa Saigon Co.op và các vùng kinh tế từ chuỗi hội nghị kết nối giao thương tổ chức trong thời gian qua. Qua đó giúp hàng hóa phân phối kịp thời và nhanh chóng, nông sản OCOP từ đó cũng bảo đảm về chất và lượng, phát triển đa dạng, phong phú hơn trên các kệ hàng của Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood... Saigon Co.op có quy trình thẩm định hàng hóa và ưu tiên cho các sản phẩm OCOP, tạo điều kiện cho các sản phẩm đặc trưng các địa phương chiếm lĩnh thị trường.
Đại diện Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam cho biết thời gian qua, DN này đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức các khóa đào tạo thương mại điện tử (TMĐT) tại Bình Dương. Trong đó tập trung phổ biến kỹ năng bán hàng, kỹ năng livestream trên sàn TMĐT. Sàn TMĐT Alibaba tiếp tục hỗ trợ DN, hợp tác xã xúc tiến xuất khẩu bằng chính sách ưu đãi, nhất là những DN có hạn chế về tài chính hoặc quy mô, từ đó giúp tăng năng lực cạnh tranh. Alibaba Việt Nam cũng hỗ trợ ưu đãi cho DN có những mặt hàng nhiều tiềm năng xuất khẩu trên sàn TMĐT, như nông sản, đồ nội thất thủ công mỹ nghệ…