Mỗi năm có khoảng 10 triệu người Việt Nam đi du lịch ở nước ngoài, trong khi nhiều điểm du lịch trong nước lại vắng bóng khách nội địa.
Điều tưởng như nghịch lý này lại đang phản ánh một thực tế: sản phẩm du lịch Việt chưa thực sự hấp dẫn du khách Việt. Mãi tới gần đây, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên toàn thế giới, khách du lịch quốc tế chưa thể nhanh chóng quay lại Việt Nam, các công ty du lịch mới nghĩ đến việc phục hồi ngành công nghiệp “không khói”bằng cách nhắm vào thị trường trong nước với gần 100 triệu dân bằng những chương trình quảng bá không kém phần rầm rộ cách đây ít ngày.
Ảnh minh họa. |
“Việt Nam đang làm du lịch theo cách “mài di sản thiên nhiên” để tăng trưởng doanh thu”, câu nói của một chuyên gia du lịch quốc tế tưởng “sốc”nhưng ở góc độ nào đó lại đúng với trường hợp của du lịch Việt Nam. Nếu xét về di sản thiên nhiên, hiếm có nơi nào trong hành trình phương Đông có được cùng lúc nhiều di sản thiên nhiên thế giới như vịnh Hạ Long, động Phong Nha, cố đô Huế, đô thị cổ Hội An...Cũng hiếm có nơi nào trên thế giới có được những bãi biển đẹp như dọc dải đất miền Trung (Việt Nam). Thế nhưng, doanh thu du lịch của Việt Nam lại chỉ bằng khoảng 1/3 của Thái Lan và ở hàng thấp trong khu vực…Trong khi Thái Lan biết tạo ra những sản phẩm du lịch sáng tạo để du khách không có cảm giác đang phải “móc hầu bao”cho những sản phẩm nghèo nàn, thì du lịch Việt đang “mài di sản” bằng những sản phẩm du lịch nghèo nàn, chưa mấy sáng tạo…
“Trong rủi có may”, dịch Covid-19 với việc các danh thắng không một bóng khách quốc tế đã là cơ hội tốt để các công ty du lịch trong nước nghĩ tới thị trường khách nội với cả trăm triệu người. Quả là dễ mà không dễ! Vượt qua những hấp dẫn về danh lam thắng cảnh, điểm yếu nhất với du lịch Việt Nam trong việc chinh phục khách nội lại nằm ở chính yếu tố con người.
Tại rất nhiều bãi tắm địa phương, tình trạng lừa đảo, đeo bám, mất cắp hành lý, mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Không hiếm để bắt gặp cảnh người lái taxi, xe ôm bắt chẹt khiến du khách khó chịu và cảm thấy bất an. Chừng nào các địa phương phải sẵn sàng mang đến những ấn tượng đẹp cho du khách, chừng đó du lịch mới thành công... Sẽ là không quá nếu cho rằng: du lịch Việt Nam chưa tận dụng được “sức mạnh mềm” của từng vùng đất để tạo ấn tượng đẹp- lợi thế cho du lịch địa phương. Sức mạnh mềm đôi khi lại đến từ những điều đơn giản như những phong tục tập quán lâu đời của một cộng đồng dân cư, sự thật thà, chu đáo của người “chủ nhà” hay đơn giản là nụ cười của một cô gái Mông ở rẻo cao… khiến du khách tới chơi một lần còn muốn quay lại mãi.
Nếu thực sự là những địa phương thực sự hiếu khách và chuyên nghiệp sẽ không ai để du khách phải ngồi trên xe tới 4-5 tiếng đồng hồ giữa trời nóng 35-40 độ C để chờ phà từ đảo Cát Bà về đất liền, trong khi khoảng cách giữa đảo với đất liền chỉ mất chừng 10 phút...Tình trạng đó, vẫn diễn ra nhiều năm nay giữa mùa nắng nóng quá tải nhưng vì sao một thành phố lớn như Hải Phòng lại không tìm cách khắc phục? Lỗi ở phương thức tổ chức hay do chính con người?
“Món ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”, cảnh quan có đẹp đến mấy mà trong lối ứng xử hàng ngày của “chủ nhà” vẫn còn những “hạt sạn” thì việc khách không quay trở lại lần 2 cũng không mấy khó hiểu. Hậu covid chính là “khoảng lặng” để mỗi địa phương và các công ty lữ hành tự ngẫm lại mình. Trước khi tìm cách thu hút khách quốc tế quay trở lại, hãy biết cách làm hài lòng chính những du khách nội.
“Dễ mà không dễ” nếu khai thác tốt ẩm thực vùng miền, kết nối các không gian di sản trong cùng khu vực và cho phép du khách khám phá đời sống thường nhật của cư dân địa phương, giúp họ có cảm giác bình yên như đang được ở ngay trong chính ngôi nhà của mình. Chừng nào vẫn còn “bún mắng, cháo chửi”, chừng đó du khách sẽ chẳng thế cảm nhận được nét hào hoa thanh lịch của vùng đất mang danh “ngàn năm văn hiến”để quay trở lại lần hai.…
”Con sâu làm rầu nồi canh”, chỉ cần một hình ảnh không đẹp trong lòng du khách được chia sẻ rộng rãi nhiều khi lại làm “đổ xuống sông, xuống bể” công sức của cả triệu người trong việc gây dựng hình ảnh đẹp của một vùng đất.