Dự án đường dây 500 KV Lào Cai - Vĩnh Yên: Triển khai thần tốc ở Bảo Thắng

“Anh cởi áo khoác ra, mặc thế không leo đồi được đâu. Cứ nghe tôi đi!”, ông Trần Đức Khải, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng nói với tôi bằng giọng quả quyết. Tôi phân vân khi lúc này nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 13, 14 độ C, gió hun hút và lạnh thấu xương. Vậy nhưng tôi vẫn theo lời “Trưởng xã” và anh ấy lúc này cũng đang ăn mặc phong phanh. Quả nhiên, sau ít phút hì hục leo đồi, chúng tôi đã toát mồ hôi.

060a2348.jpg
Các bên liên quan kiểm tra, đối chiếu mốc giới khi thống kê, giải phóng mặt bằng tại thôn Cửa Cải.

Đó là buổi tôi được thực tế cùng tổ công tác của huyện Bảo Thắng và xã Xuân Quang làm nhiệm vụ xác định ranh giới, đo đạc, cắm mốc, thống kê, kiểm đếm và các thủ tục liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng đường dây tải điện 500 KV Lào Cai - Vĩnh Yên đoạn qua thôn Cửa Cải, xã Xuân Quang. Tổ công tác có Chủ tịch UBND xã, cán bộ địa chính, trưởng thôn, cán bộ Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện, đại diện chủ đầu tư (EVN) và đại diện hộ dân có đất phải thu hồi.

060a2406.jpg
Chủ tịch UBND xã Xuân Quang trực tiếp tới thực địa tham gia thống kê, đo chỉ giới.

Từ Quốc lộ 70 thuộc thôn Nậm Dù, chúng tôi leo bộ theo một tuyến đường nhỏ hẹp hướng lên đồi cao. Đó là đoạn đường dốc tôi chưa từng gặp trong nhiều năm công tác tại vùng cao, ước chừng dốc tới 35 đến 40 độ, để vượt qua, cảm giác như mình đang trèo lên bằng thang, mặt sắp chạm vào đất. Đoạn này người dân đổ bê tông để thuận lợi cho chuyên chở nông sản, tất nhiên chỉ những ai thực sự đủ dũng cảm, kỹ năng điều khiển xe máy điêu luyện mới có thể vượt qua. Chủ tịch UBND xã Xuân Quang bảo: “Mình tới đây nhiều nhưng chỉ đi bộ, trong thôn có vài người dám ngồi xe máy đổ dốc trên đoạn đường này”.

060a2439.jpg
Mốc giới được cắm tại vị trí cột thứ 29, trên đỉnh một ngọn đồi cao xã Xuân Quang.

Nhưng đoạn khó khăn chỉ dài khoảng 100 m thì đường mòn bắt đầu thoai thoải trong đồi quế, ngoằn nghoèo, uốn éo qua hết nương quế này tới vạt quế khác. Cả một vùng không gian là quế, quế xanh thẫm từ chân tới đỉnh đồi. Sau gần 1 giờ leo dốc, chúng tôi cũng đã tới được vị trí đóng mốc xây dựng cột thứ 29 tính từ Trạm biến áp 500 KV tại xã Thái Niên. Diện tích xây dựng hơn 1.300 m2, vị trí này cao hơn mực nước biển 600 m. Ông Trịnh Quang Hợi, cán bộ Trung tâm Quỹ đất huyện Bảo Thắng chỉ tay xuống phía dưới chân đồi, nơi có Quốc lộ 70 đi qua lúc này trông bé như sợi chỉ; những nhà cửa, chòm xóm của thôn Nậm Dù trông li ti như đám hạt đậu.

060a2422.jpg
Vị trí thi công cột điện cao thế 500 KV thứ 29 đã được khoan thăm dò địa chất với độ sâu hơn 30 m.

Đứng giữa đám quế cao quá đầu người, mân mê cành lá xanh thẫm như đổ mực, anh Giàng Seo Sáng, bác sĩ tại một cơ sở y tế huyện Bảo Thắng cũng là chủ vườn quế dù không giấu được vẻ tiếc nuối nhưng vẫn bộc bạch: “Vườn quế này bố mẹ trồng và để lại cho tôi. Liên quan đến công trình quan trọng cấp quốc gia, vì sự phát triển của đất nước, gia đình tôi sẵn sàng chấp thuận giải phóng mặt bằng, nhường phần đất cho công trình”. Anh Sùng Seo Quả ở thôn Cửa Cải cũng có mặt tại thực địa để cùng đo, đếm diện tích đất và hoa màu bị ảnh hưởng.

Mình đang đi làm thợ xây trên Si Ma Cai, thấy trưởng thôn bảo vườn quế thuộc diện bị thu hồi nên về luôn. Cứ áp giá đúng cho mình là được mà.

Anh Sùng Seo Quả, thôn Cửa Cải, Xuân Quang.

Anh Trần Trịnh Hà, cán bộ Ban Quản lý Dự án Điện I, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2019, anh đã có mặt tại khu vực này để khảo sát theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư công trình. Anh Hà nhớ khi đó đồi này chỉ trồng sắn bạt ngàn nhưng nay đã được thay thế bằng quế.

060a2473.jpg
Anh Sùng Seo Quả và cán bộ Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Bảo Thắng đối chiếu thống kê hoa màu tại thực địa.

Việc thống kê, kiểm đếm, lập hồ sơ cho vị trí cột 29 kéo dài tới gần 12 giờ. Mặt trời chiếu cố chút ánh sáng yếu ớt nhưng cũng đủ để ủng hộ bữa trưa của tổ công tác giải phóng mặt bằng thêm vị nồng ấm. Bữa ăn trên tấm ni lông trải trên thảm cỏ giữa đỉnh đồi với cơm nắm, muối vừng, chả lụa chấm nước mắm, canh là nước lọc pha gói gia vị mì tôm, vị là lạ nhưng ai cũng xì xụp khen ngon. Tổ công tác buộc phải lựa chọn cách sinh hoạt này để đầu giờ chiều không phải thêm một lần leo từ chân đồi. Anh Trịnh Quang Hợi, cán bộ Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Bảo Thắng chỉ tay về phía đỉnh một ngọn đồi trước mặt, nơi giáp ranh với huyện Bảo Yên và bảo: “Ăn trưa xong, ngả lưng chút là anh em lại hành quân lên đó, vị trí cột thứ 30”.

Chia tay tổ công tác, trên đường trở về, chúng tôi được Chủ tịch UBND xã Trần Đức Khải thông tin: Trong số 33 vị trí xây dựng cột điện 500 kV tại huyện Bảo Thắng thì xã Xuân Quang có 26 cột, xã Phong Niên có 7 vị trí. Do làm tốt công tác tuyên truyền, các hộ dân đồng thuận cao nên đến ngày 25/12, toàn bộ các vị trí đều đã hoàn tất việc xác định ranh giới, thống kê, kiểm đếm và áp giá, vượt tiến độ tỉnh giao 1 tuần.

Ông Lê Văn Học, Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Bảo Thắng khi trao đổi với phóng viên quả quyết đây là dự án đầu tiên đơn vị thực hiện các thủ tục thống kê, áp giá, đền bù với tốc độ thần tốc nhất. Ông Học nhớ lại, sáng 12/12/2024, UBND huyện họp triển khai, giao nhiệm vụ thì buổi chiều, đơn vị tổ chức phân công cán bộ tới thực địa ngay. Vị trí chân cột toàn bộ trên đồi, đỉnh đồi cao, diện tích đo, đếm tới hơn 38.000 m2 nhưng chưa đến 2 tuần, mọi việc đã hoàn tất.

Việc hoàn thành thống kê, áp giá đền bù sớm giúp chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công công trình cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Phần việc tiếp theo của các đơn vị, cơ quan huyện Bảo Thắng là xã Phong Niên, Xuân Quang phối hợp với chủ đầu tư và các bên liên quan xác định hướng tuyến, thống kê, áp giá đền bù, giải phóng mặt bằng để thi công đường công vụ, hành lang an toàn đường dây tải điện, với tổng diện tích tạm giao 45,8 ha. Kết quả bước đầu thuận lợi đang là nguồn động viên, khích lệ để Bảo Thắng tiếp tục lập công, ghi danh tại dự án trọng điểm cấp quốc gia trên địa bàn.

060a4604.jpg
Lãnh đạo huyện Bảo Thắng báo cáo tiến độ hoàn thành trước 1 tuần so với yêu cầu của UBND tỉnh.

Dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên được phê duyệt tại Văn bản số 1698/TTg-CN ngày 17/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện để giải tỏa công suất thủy điện khu vực Tây Bắc và lân cận; Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII); Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

060a2296.jpg
Nhiều đồi quế tại xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng sẽ phải khai thác sớm để nhường mặt bằng cho dự án trọng điểm quốc gia, dự án đường dây tải điện 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên. Trong ảnh: Ông Trần Đức Khải bên một đồi quế tại thôn Cửa Cải, diện tích bị ảnh hưởng bởi công trình.

Quy mô dự án theo quy hoạch: Đường dây tải điện gồm 2 mạch, chiều dài khoảng 210 km, đấu nối từ trạm biến áp 500 kV tại xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng tới Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Nguồn điện năng cấp từ các thủy điện khu vực các tỉnh Tây Bắc và dự phòng mua điện nước ngoài.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Rực rỡ chợ hoa Xuân thành phố Lào Cai

Rực rỡ chợ hoa Xuân thành phố Lào Cai

Chợ hoa Xuân trên địa bàn thành phố Lào Cai bắt đầu tổ chức từ ngày 16/1, đến thời điểm này, các tiểu thương đã đưa rất nhiều loài hoa, cây cảnh về bán khiến không gian trở nên rực rỡ sắc màu.

Bài 2: Nỗ lực vượt khó giúp người dân có nhà mới đón tết

Thắp hy vọng cho người dân vùng lũ: Bài 2: Nỗ lực vượt khó giúp người dân có nhà mới đón tết

Vượt qua những khó khăn do thời tiết bất lợi, hệ thống giao thông bị hư hỏng nặng, vật liệu xây dựng khan hiếm… các đơn vị liên quan đang khẩn trương triển khai thi công để 28 hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai của xã A Lù, huyện Bát Xát có nhà ở trước tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Văn Bàn nỗ lực giảm nghèo

Văn Bàn nỗ lực giảm nghèo

Huyện Văn Bàn có 10 xã thuộc khu vực III với 80/194 thôn, tổ dân phố đặc biệt khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo còn cao là do quy mô nhân khẩu trung bình của hộ nghèo, cận nghèo cao; phần lớn lao động làm nông nghiệp nhưng lại thiếu đất, thiếu vốn; một số hộ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước...

Bài 1: Lo chỗ ở an toàn cho người dân vùng lũ

Thắp hy vọng cho người dân vùng lũ: Bài 1: Lo chỗ ở an toàn cho người dân vùng lũ

Sau đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát) có hơn 200 hộ dân sống trong vùng nguy cơ sạt lở (chiếm 25% số hộ dân trên địa bàn). Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã nỗ lực tìm giải pháp khẩn trương tìm đất, bố trí nơi ở mới đảm bảo an toàn cho người dân.

Bảo Thắng phát triển bền vững ngành chè

Bảo Thắng phát triển bền vững ngành chè

Bảo Thắng là một trong những địa phương có diện tích trồng chè lớn của tỉnh Lào Cai. Địa phương xác định đây là một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tiến tới làm giàu.

Pháp sẵn sàng hỗ trợ ngành đường sắt Việt Nam chuyển mình

Pháp sẵn sàng hỗ trợ ngành đường sắt Việt Nam chuyển mình

Pháp sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong các dự án liên quan tới đường sắt tốc độ cao. Đây là khẳng định của ông Hervé Conan - Giám đốc cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam, trong buổi họp báo Hợp tác trong lĩnh vực đường sắt cao tốc do Đại sứ quán Pháp tổ chức vào chiều 17/1, tại Hà Nội.

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa là giải pháp khả thi để nông dân làm giàu

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa là giải pháp khả thi để nông dân làm giàu

Đó là phát biểu của đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra chiều 17/1.

fb yt zl tw