Cù Hà là thôn duy nhất trong 13 thôn của xã Xuân Giao thuộc vùng đặc biệt khó khăn (thôn triển khai Dự án 8). Thôn có 169 hộ, chủ yếu là đồng bào Dao, một số hộ là đồng bào Tày, đồng bào Kinh. Tính đến nay, số hộ nghèo, cận nghèo của thôn chỉ còn khoảng 10%. Điều đáng mừng là thôn ngày càng có nhiều mô hình làm kinh tế giỏi tiêu biểu.
Theo chân chị Vàng Thị Thương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND xã Xuân Giao và chị Phàn Thị Mấy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, cùng một số hội viên phụ nữ trên địa bàn, chúng tôi tới thăm mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của chị Nguyễn Thị Năm tại thôn Cù Hà. Đây cũng là điển hình về sản xuất lâm nghiệp cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh thời gian qua.
Trước khi thực hiện bài viết, một đồng nghiệp của tôi nói rằng đây là mô hình phát triển kinh tế có độ cao lớn nhất huyện Bảo Thắng. Không biết độ tin cậy của thông tin đến đâu nhưng rõ ràng thôn Cù Hà vốn đã ở lưng núi nhưng để đến mô hình phát triển kinh tế của chị Năm phải qua thêm nhiều con dốc dựng ngược. Đổi lại là càng lên cao, đường bê tông càng rộng hơn, đẹp hơn. Chị Vàng Thị Thương bảo: Vợ chồng chị Năm đã dùng nguồn lực cá nhân để đầu tư mở rộng đường, vừa cho bà con thôn bản đi vừa phục vụ nhu cầu sản xuất, nhu cầu giao thương hàng hóa của gia đình.
Ở cuối con dốc cuối cùng là một bình địa với hồ nước rộng dưới chân dãy núi đá, xung quanh là rừng xanh bao phủ, bên cạnh đó là ngôi nhà sàn rộng, khang trang, bề thế do chị Năm đầu tư. Cùng với nền thời tiết se lạnh giữa cái nắng của mùa thu, rõ ràng nơi đây là một thiên đường mới cho du lịch chưa được quảng bá và du khách chưa biết để khám phá. Chị Nguyễn Thị Năm chỉ vào dãy núi đá bên kia hồ nước rồi nói: “Cái dông núi kia là ranh giới Sa Pa và Bảo Thắng. Ở đây cao, nhiều cây cối nên lúc nào cũng mát mẻ, chẳng cần điều hòa, quanh năm không bao giờ phải cất chăn bông”.
Khi xây dựng khu nhà sàn rộng lớn, ai cũng nghĩ vợ chồng chị Năm sẽ làm du lịch nhưng thực ra đây chỉ là chỗ nghỉ của gia đình, thi thoảng đón khách riêng. Cách đây gần 40 năm, chị Năm đã chuẩn bị cho mô hình này với việc nhận chuyển nhượng phần đất trồng rừng của nhiều hộ gia đình, đến nay diện tích tập trung đã lên tới gần 70 ha. Hầu hết diện tích này đều được trồng mỡ, quế, bồ đề. Có nhiều khoảng cây trồng đã hơn 30 năm tuổi nhưng chưa từng được khai thác.
Không chỉ trồng rừng, chị Năm còn đầu tư chăn nuôi đại gia súc, liên tục duy trì đàn bò 30 con. Mới đây, chị chuyển hướng sang nuôi cá nước lạnh trong khi hồ nước vẫn dành nuôi cá thương phẩm với những trắm, chép, trôi, mè, rô phi đơn tính. Riêng thu nhập từ mô hình mang lại cho gia đình chị Năm khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.
Mô hình kinh tế phát triển ổn định, chị Năm giao cho chồng quản lý, còn bản thân vẫn duy trì cửa hàng thương mại tại chợ Xuân Giao. Khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, chị Năm bảo bản thân chưa bao giờ nghĩ việc giấu nghề. Trong phát triển kinh tế không có bí mật nào, chị em hỏi gì hay thắc mắc gì, chị đều mách hết. Cũng bởi thế mà nhiều năm qua chị Năm được chị em trong thôn, các hội viên phụ nữ thôn Cù Hà hết sức quý mến, gần gụi.
Không chỉ có mô hình kinh tế của chị Năm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Giao - chị Phàn Thị Mấy còn liệt kê nhiều tấm gương tiêu biểu. Có thể kể đến như chị Nguyễn Thị Thắm ở thôn Tiến Lợi mạnh dạn vay 100 triệu đồng vốn ngân hàng để đầu tư phát triển mô hình vườn, ao, chuồng. Nổi bật nhất là chị Thắm sản xuất luân canh 2.000 m2 ruộng có đầu tư giàn cột bê tông để trồng các loại bầu, bí xanh, mướp và nuôi 30 con lợn thịt, thả cá trên diện tích gần 2.000 m2 ao, tạo nguồn thu gần 300 triệu đồng mỗi năm. Hay trường hợp chị Trần Thị Hường là hội viên chi hội phụ nữ thôn Giao Bình, mỗi năm nuôi 2 lứa gà thịt, mỗi lứa khoảng 7.000 - 8.000 con, thu nhập khoảng 450 - 550 triệu đồng/năm...
Ngoài phát triển kinh tế, làm sáng rõ thêm quyền năng kinh tế của người phụ nữ theo tinh thần triển khai Dự án 8, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ xã Xuân Giao còn tập trung triển khai nhiều phong trào của hội phụ nữ cấp trên phát động như xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", "5 có, 3 sạch" và xây dựng nông thôn mới với các phong trào cụ thể như: “Đường rộng, hè thoáng, văn minh, xóm, thôn không rác - nhà nhà chung tay”, phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp”, phát triển đường hoa, bảo vệ môi trường...
Kinh nghiệm trong thực hiện thành công các cuộc vận động, tuyên truyền của hội phụ nữ các cấp tại xã Xuân Giao chính là sự đoàn kết, nhất trí, thống nhất cao trong xây dựng, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao đối với mỗi cán bộ, hội viên và sự đồng thuận của cộng đồng. Bên cạnh đó là sự ủng hộ, hỗ trợ nguồn lực từ bên ngoài, trong đó có Dự án 8 về “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.