Dự án 8 tại huyện Bát Xát có 19 xã với 68 thôn, bản được thụ hưởng, trong đó có 12 xã đặc biệt khó khăn và 12 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 7 xã trên địa bàn huyện. Khi bắt đầu triển khai dự án, Hội Phụ nữ huyện đã chỉ đạo các cấp hội tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong phát triển; phân công 1 lãnh đạo và 1 chuyên viên tham mưu tổng thể triển khai dự án. Đồng thời, chủ động tham mưu với UBND huyện ban hành các kế hoạch triển khai, điều chỉnh, bổ sung các nội dung phù hợp để thực hiện dự án đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả; chủ trì, phối hợp với Phòng Dân tộc, Phòng Tài chính xây dựng kế hoạch cả giai đoạn và từng năm thực hiện dự án.
Trên cơ sở đó, các cấp hội ở cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động của dự án tại địa phương, đồng thời tham mưu ra quyết định thành lập các mô hình tổ truyền thông cộng đồng; phối hợp với các trường học trên địa bàn thành lập và tập huấn câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi, mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, tổ chức hội nghị đối thoại về chính sách đối với hội viên và phụ nữ, phòng chống tảo hôn, xây dựng nông thôn mới, bình đẳng giới và những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, phòng chống tảo hôn, nữ sinh con dưới 18 tuổi, phụ nữ nghèo sinh con tại cơ sở y tế; tổ chức giao lưu giữa các tổ truyền thông, truyền thông bình đẳng giới tại phiên chợ; truyền thông sân khấu hoá về phòng, chống tảo hôn...
Ngoài ra, các cơ sở hội còn chủ động lồng ghép việc thực hiện các nội dung của dự án vào các nội dung hoạt động của hội, góp phần vào việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi.
Từ khi triển khai dự án, hội phụ nữ từ huyện đến cơ sở đã có nhiều nỗ lực, phát huy vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu, phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện Dự án 8. Theo đó, Hội Phụ nữ huyện chỉ đạo hội phụ nữ 19 xã khảo sát, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập 68 tổ truyền thông cộng đồng với 598 thành viên (392 nam, 206 nữ) là những người có uy tín, có năng lực truyền thông trên địa bàn thôn. Hội Phụ nữ huyện tổ chức 6 lớp tập huấn về cách thành lập và vận hành, duy trì tổ truyền thông cộng đồng; tổ chức 68 cuộc truyền thông xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới thu hút 6.900 người tham gia.
Hội Phụ nữ các xã Nậm Chạc, Trịnh Tường, Cốc Mỳ, Trung Lèng Hồ, Nậm Pung đã khảo sát, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập 5 mô hình địa chỉ tin cậy, gồm 88 thành viên tham gia và tổ chức tập huấn, hướng dẫn vận hành mô hình. Các xã đã thành lập 12 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại 12 trường học và 1 câu lạc bộ trên địa bàn dân cư tại xã A Mú Sung.
Nổi bật, Hội Phụ nữ huyện đã chỉ đạo hội phụ nữ các xã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 14 hội nghị đối thoại về chính sách đối với hội viên và phụ nữ, xây dựng nông thôn mới, bình đẳng giới và những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, phòng chống tảo hôn, phụ nữ sinh con dưới 18 tuổi, phụ nữ nghèo sinh con tại cơ sở y tế... Các hội nghị đối thoại đã có hơn 140 ý kiến được trao đổi, giải đáp. Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Huyện đoàn tổ chức chấm bài tham gia cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, lựa chọn 22 tranh vẽ và 3 video clip gửi tham gia cuộc thi cấp tỉnh. Tổ chức truyền thông sân khấu hoá về phòng chống tảo hôn tại 11 trường có câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi cho trên 13 nghìn học sinh tham gia.
Bà Hoàng Thị Sen, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bát Xát cho biết, hiệu quả rõ nhất khi triển khai thực hiện Dự án 8 trên địa bàn huyện là đã giúp những đối tượng được thụ hưởng có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động chung của xã hội; được trang bị kiến thức, thay đổi suy nghĩ, nhận thức, mở ra nhiều cơ hội thay đổi bản thân, gia đình và cộng đồng. Các hoạt động của Dự án 8 được thiết kế và triển khai bám sát yêu cầu định hướng, vừa mang tính toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, góp phần thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết hiệu quả bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ, trẻ em gái ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.