Năm 2014, tết Sử Giề Pà của người Bố Y ở huyện Mường Khương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Cứ đến ngày 8/4 (âm lịch) hằng năm, người Bố Y tại xã Thanh Bình lại tổ chức tết Sử Giề Pà (Lễ tạ ơn trâu). Tết Sử Giề Pà độc đáo với mâm lễ vật cúng chung của làng. Đó là chiếc đầu trâu được làm bằng xôi 7 màu, có đôi sừng dài tượng trưng cho con trâu trưởng thành khỏe mạnh, thêm trứng nhuộm phẩm đỏ, gà luộc nguyên con, rượu, chè, hương, tiền vàng... Mâm lễ chung do mọi nhà trong thôn cùng đóng góp, là cách thể hiện tính cố kết cộng đồng và tinh thần đoàn kết của người Bố Y.
Lễ tạ ơn trâu chỉ diễn ra trong 1 ngày nhưng trước đó, các gia đình trong làng đã cùng nhau chuẩn bị rất công phu và tỉ mỉ. Những người đàn ông lựa chọn mẻ thóc nếp ngon nhất, phơi và giã để lấy gạo nấu xôi. Phụ nữ thì tìm những nguyên liệu để nhuộm màu cho xôi và trứng gà. Các nguyên liệu này đều là các loại thảo dược được kiếm trong rừng hoặc trồng trong vườn của các gia đình người Bố Y. Những quả trứng gà được lựa chọn cẩn thận, to và đều nhau, nhuộm màu đỏ để làm quà cho trẻ em trong làng.
Trước khi mang lễ lên cúng ở đầu nguồn nước, người Bố Y phải tạ con trâu trong nhà bằng cách nắm xôi cuộn vào cỏ để cho trâu ăn trước. Gia đình có bao nhiêu con trâu thì cuộn bấy nhiêu nắm xôi. Già làng làm chủ lễ sắp mâm cúng chung tại ngôi miếu nơi đầu nguồn nước của thôn để tạ ơn trâu thần.
Vào ngày tết Sử Giề Pà, người Bố Y còn tổ chức các trò chơi dân gian như đánh đu, đánh còn, đánh quay. Ngoài các trò chơi dân gian, còn có các hoạt động nghệ thuật dân gian khác được yêu thích như hát đối đáp, giao duyên, hát ống... Không những thế, trong tết Sử Giề Pà, các gia đình người Bố Y còn mời thêm những người anh em dân tộc láng giềng của mình như người Mông, người Nùng, người Pa Dí… đến chơi nhà và dùng bữa với gia chủ để chúc mừng.
Tết Sử Giề Pà được coi là tết cầu tài, cầu lộc, cầu may mắn đến với bản làng, là dịp cho các thành viên dành sự chăm sóc đặc biệt và bày tỏ lòng cảm ơn đến con trâu của gia đình. Đây cũng là khoảng thời gian để các thành viên trong cộng đồng thể hiện tinh thần đoàn kết, gặp gỡ, chia sẻ buồn, vui, ước vọng.
Tết Sử Giề Pà ( Lễ tạ ơn trâu) được tổ chức nhằm tạ ơn trâu thần đã đến giúp người Bố Y trong sản xuất nông nghiệp.Theo truyền thuyết kể lại, nhà trời đưa 1 con trâu trắng xuống Thanh Bình giúp dân tìm nguồn nước. Sự xuất hiện của con trâu còn là dấu mốc thể hiện bước chuyển quan trọng từ phương thức sản xuất chọc lỗ, tra hạt sang sử dụng loài vật này làm sức kéo của người Bố Y ở đây.