LCĐT - Người Bố Y nghe dân ca từ lúc chào đời, qua những khúc hát mừng em bé, khúc hát ru em lớn lên. Người Bố Y nghe dân ca cho đến lúc… chết, trong đám tang, người ở lại hát tiễn đưa người ra đi những khúc hát cuối cùng. Cứ như thế, những khúc dân ca đồng hành với người Bố Y trong mọi sự kiện của cuộc đời.
Đối với cộng đồng dân tộc rất ít người như Bố Y, nếu không có những nỗ lực gìn giữ thì những khúc dân ca truyền thống dân tộc sẽ đứng trước nguy cơ bị lãng quên, mai một vì không có thế hệ tiếp nối. Thế là Câu lạc bộ Dân ca Bố Y tại thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương) ra đời, là câu lạc bộ hát dân ca đầu tiên của thị trấn nhỏ biên cương sương gió.
Tại Mường Khương, người Bố Y là một trong những dân tộc rất ít người sống quây quần thành các bản làng nhỏ dọc khu vực biên giới trên địa bàn huyện. Thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương là nơi người Bố Y sinh sống tập trung và đây cũng là cộng đồng gìn giữ được những nét văn hóa đặc trưng. Qua những chuyến công tác đến Lao Chải, chị Hà Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Mường Khương được nghe những khúc dân ca mộc mạc của người dân nơi đây. Ý tưởng về việc thành lập một câu lạc bộ dân ca đối với cộng đồng dân tộc Bố Y được chị nhen nhóm và hiện thực hóa vào tháng 7/2022. Chị Anh cũng trở thành “thành viên danh dự” của câu lạc bộ, dù không phải là người Bố Y.
Câu lạc bộ dân ca Bố Y với các thành viên chủ yếu là hội viên phụ nữ trong thôn Lao Chải. |
Chị Hà Ngọc Anh bộc bạch: Câu lạc bộ dân ca Bố Y được Hội Phụ nữ thị trấn Mường Khương thành lập với các thành viên chủ yếu là hội viên phụ nữ trong thôn Lao Chải với mong muốn tạo không gian sinh hoạt cho chị em. Qua hoạt động của câu lạc bộ, tôi kỳ vọng phụ nữ Lao Chải chứng minh được họ không chỉ giỏi trong sản xuất, phát triển kinh tế, chăm sóc gia đình... mà còn là những người có vai trò gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp, độc đáo của dân tộc mình.
Để minh chứng cho nét độc đáo ấy, chị Hà Ngọc Anh dẫn chúng tôi đến thôn Lao Chải để tham gia sinh hoạt cùng câu lạc bộ hát dân ca Bố Y. Tháng 10, vùng cao vào mùa thu hoạch nhưng sau ngày lao động mệt nhọc với ruộng nương, tối đến, các thành viên tập trung lại để cùng nhau cất lên làn điệu dân ca quen thuộc.
Thành viên cao tuổi nhất của Câu lạc bộ dân ca Bố Y là một phụ nữ năm nay đã ngoại “lục tuần” có tên là Tung Chải Dín. Trong trí nhớ của bà Dín, những khúc dân ca đầu tiên mà bà học được là khúc hát từ ngày thơ ấu theo anh chị lên bãi thả trâu. Những bãi cỏ chăn thả gia súc là “sân khấu” đầu tiên của bà Dín với “khán giả” là những người bạn đồng trang lứa. “Thấy mọi người hát nghe hay và vui tai nên tôi cũng dần học theo. Ngày ấy, đứa trẻ chăn trâu nào cũng có thể hát vài khúc dân ca” - bà Dín tâm sự.
Thế rồi, những khúc dân ca theo bà Dín lớn lên. “Kho tàng” những lời hát mộc mạc của bà Dín nhiều đến nỗi bà không nhớ nổi có bao nhiêu khúc hát. Với người có số tuổi nghe dân ca nhiều như tuổi đời này, chỉ cần có nhạc cất lên hoặc có một sự kiện vui vẻ diễn ra, câu hát cũng tự nhiên được cất lên, thân thương và dễ dàng như thể đó là ngôn ngữ thường ngày.
Với những kinh nghiệm ấy, bà Dín là một trong những “lão làng” có vai trò quan trọng bậc nhất của câu lạc bộ. Trong các buổi sinh hoạt, bà giống như nhạc trưởng, là người bắt nhịp các giai điệu, truyền dạy lại những câu hát, cách hát, cách chơi đàn cho những người trẻ hơn.
Câu dân ca được người Bố Y tại Lao Chải hát trên 6 giai điệu, trong đó có 2 giai điệu chính với những lời hát tự “ứng khẩu” từ ngôn ngữ ngày thường mà thành. Những khúc dân ca của người Bố Y được hát theo tiết tấu của cây đàn xía chư (xié zhi) và trong các buổi biểu diễn, người hát thường hát khi có nhạc đệm từ cây đàn này. Tham gia câu lạc bộ dân ca Bố Y, ngoài học hát, những người có năng khiếu còn học đàn, học thêu thùa và một số nghi thức quan trọng mà không nhiều người biết. Bởi vậy, câu lạc bộ dân ca Bố Y không đơn thuần chỉ là một câu lạc bộ hát dân ca.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ dân ca Bố Y thôn Lao Chải. |
Chị Lù Thị Nhâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca Bố Y thôn Lao Chải chia sẻ: Người Bố Y có thể hát dân ca ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào, lời hát thì tùy theo sự sáng tạo của người hát mà sáng tác nên kho tàng dân ca là bất tận. Những khúc hát phổ biến nhất là hát về đời sống, sinh hoạt, sản xuất thường ngày, hát giao duyên hoặc các nghi lễ cưới hỏi, làm nhà, đám tang… Những người trẻ như tôi biết hát rất ít, nên chúng tôi tham gia câu lạc bộ để trở thành những thế hệ tiếp nối thế hệ trước và sẽ truyền dạy lại cho con cháu mình.
Những người lớn tuổi trong Câu lạc bộ hướng dẫn các em nhỏ cách mặc trang phục truyền thống của người Bố Y. |
Câu lạc bộ dân ca Bố Y thôn Lao Chải có 17 người, trong đó có 3 nam giới, còn lại chủ yếu là hội viên chi hội phụ nữ trong thôn. Mỗi tháng câu lạc bộ sinh hoạt 1 - 2 buổi để học hát dân ca và một số nghi thức văn hóa độc đáo của người Bố Y. Người nhiều tuổi nhất của câu lạc bộ đã ngoài 60, người trẻ nhất hơn 20 tuổi đều có chung nỗ lực đó là bảo tồn, gìn giữ để những làn điệu dân ca sống mãi với thời gian.