ASEAN đã chứng minh ngày càng rõ là một thực thể thống nhất trong đa dạng và là chìa khóa của thành công.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 diễn ra tại
Chặng đường hơn 45 năm hình thành và phát triển, mặc dù không phải lúc nào cũng suôn sẻ nhưng thực tế đến nay, ASEAN đã chứng minh ngày càng rõ là một thực thể thống nhất trong đa dạng và là chìa khóa thành công trước hết là đoàn kết và thống nhất.
Đây là kim chỉ nam để các thành viên ASEAN tiếp tục tiến bước vững chắc trên con đường xây dựng Cộng đồng vào năm 2015, ngôi nhà chung ASEAN, cũng như giải quyết hiệu quả các thách thức, nhất là liên quan tới hòa bình, an ninh khu vực mà nổi lên hiện nay là vấn đề Biển Đông.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: ASEAN cần đoàn kết và phát huy tiếng nói chung vì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Quan điểm này cũng trở thành quan điểm chung của hội nghị cấp cao ASEAN lần này.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, các nhà Lãnh đạo dành nhiều thời gian để trao đổi về tình hình khu vực, trong đó đặc biệt là vấn đề Biển Đông, và đây là quan tâm chung của ASEAN. Các nhà lãnh đạo cũng khẳng định rằng vấn đề quan trọng là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải ở Biển Đông và khẳng định cần giải quyết các vấn đề tại Biển Đông trên cơ sở biện các pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc, trên cơ sở tôn trọng và thực hiện đầy đủ DOC cũng như cần thúc đẩy sớm xây dựng được Bộ qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trên tinh thần này, các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí giao cho các Ngoại trưởng và các Quan chức cao cấp ASEAN tiếp tục làm việc với Trung Quốc nhằm thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử COC.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam ủng hộ vai trò tích cực của Thái Lan trong điều phối quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác ASEAN-Trung Quốc, hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa tiến trình trao đổi để sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Cũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 22, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã thống nhất về tầm nhìn chiến lược của ASEAN sau năm 2015; nhất trí trước mắt ASEAN cần ưu tiên tập trung thu hẹp khoảng cách phát triển; tăng cường kết nối khu vực, triển khai Kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu; đẩy mạnh kết nối ASEAN cả về hạ tầng, chính sách và người dân, xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết, thịnh vượng và hướng tới người dân…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phân tích và đề xuất một số sáng kiến nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và khuyến khích người dân tham gia tích cực, trực tiếp vào tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Điều này cũng phù hợp với chủ đề thiết thực và ý nghĩa của ASEAN trong năm nay là “Người dân của chúng ta - Tương lai của chúng ta”.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: Tại Hội nghị Cấp cao lần này, các nhà lãnh đạo cũng đã xem xét một số đề xuất, sáng kiến để tăng cường, quảng bá hình ảnh của ASEAN trong cộng đồng công chúng với những dự án rất cụ thể như cửa xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu của ASEAN, thẻ doanh nghiệp ASEAN hay tăng cường quan hệ giao lưu nhân dân, văn hóa giữa các nước ASEAN.
Trong thời gian hơn 1 ngày diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tiến hành hội kiến và gặp gỡ với các nhà lãnh đạo ASEAN như Quốc vương Brunei, Tổng thống Philippine, Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Singapre nhằm trao đổi phương hướng và thống nhất các biện pháp thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị và đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam với các nước ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch cũng như nỗ lực thúc đẩy và hoàn tất xây dựng nội hàm đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan, Việt Nam – Singapore và giải quyết sớm vấn đề ngư dân với Philippine.
Với thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22, một lần nữa Việt Nam thể hiện rõ tinh thần chủ động, trách nhiệm và tích cực trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hiệp hội, xây dựng một ASEAN đoàn kết, vững mạnh và liên kết chặt chẽ, góp phần duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Các hoạt động ngoại giao của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao lần này cũng đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, thắt chặt và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt nam với các nước thành viên ASEAN./.