Âm vang còn mãi
Trong những ngày hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, người dân ở mọi miền đất nước đã và đang trở về Điện Biên. Nhiều người Bình Dương cũng đãtìm vềnơi đây để tìm hiểu, khám phá và ôn lại những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc. Ấn tượng về chuyến đi, hành trình khám phá các địa điểm di tích, bảo tàng, địa danh gắn với Chiến dịch Điện Biên Phủ, tác giả Võ Thị Nhạn (hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) đã viết tác phẩm “Nhật ký một chuyến đi”.
Hình ảnh phố sá Điện Biên nhộn nhịp đông đúc, các địa điểm di tích, như: Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi A1, Hầm ĐờCát, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ… đón nhiều đoàn du khách đến tham quan, tìm hiểu và những tư liệu, bài thơ, tác phẩm nghệ thuật trưng bày nơi đây được tác giả Võ ThịNhạn tái hiện rất sinh động. Với tác giả, đây là chuyến đi rất ý nghĩa và córất nhiều kỷ niệm đẹp. Các thành viên trong đoàn đã có dịp trở về với những chiến công lịch sử hào hùng của dân tộc trong “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm…” làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Cùng muôn trái tim hướng về Điện Biên trong những ngày tháng lịch sử của năm 2024, nhà thơ Trần Thanh Hải (hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) đã viết một bài ký, ghi lại cảm xúc vui tươi xen lẫn tự hào khi nghe các chiến sĩ Điện Biên đang sinh sống tại TP.Thuận An kể về những năm tháng hào hùng. Tác phẩm của nhà thơ có tên “Gặp chiến sĩ Điện Biên trên đất Thủ” truyền tải nhiều câu chuyện không thể nào quên của những người chiến sĩ năm xưa. Chính họ và những đồng đội của mình đã viết nên bài ca chiến thắng hào hùng về sức mạnh Việt Nam khiến cả thế giới phải nghiêng mình thán phục.
Ngày nay, các chiến sĩ ấy đã 90 tuổi, nhưng ký ức về những năm tháng ấy vẫn sống mãi trong lòng. Những ký ức ấy còn được họ kểlại với học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên TP.Thuận An vào mỗi dịp lễ kỷ niệm như để hun đúc thêm tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chung tay dựng xây đất nước giàu đẹp, phồn vinh và hạnh phúc.
Tự hào trong mỗi trái tim
Trò chuyện với chúng tôi, nhạc sĩ Phạm Minh Thuận vui mừng cho biết ông vừa gửi một ca khúc tham gia cuộc thi sáng tác ca khúc về Điện Biên do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là ca khúc được ông rất tâm đắc bởi những ca từvàgiai điệu như một hành khúc thể hiện ý chí, sức mạnh, tinh thần của những người lính Bác Hồ, những người con Việt Nam yêu nước, biết sống có lý tưởng, luôn yêu hòa bình, sẵn sàng đứng lên giành độc lập cho quê hương, đất nước.
Có dịp thưởng thức tổ khúc “Đường lên Điện Biên” do trường Sĩ quan Công binh biểu diễn tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ X năm 2024, chúng tôi đã có dịp hòa dòng cảm xúc tự hào về quá khứ lẫy lừng trong lòng lớp trẻ hôm nay. Tổ khúc gồm các ca khúc: “Đường lên phía trước”, “Đào công sự” và“Giải phóng Điện Biên” đã được Đội nghệ thuật quần chúng trường Sĩ quan Công binh tái hiện sinh động, chiếm trọn tình cảm của khán giả và Ban Giám khảo, xuất sắc đoạt giải A tại liên hoan.
Dịp này, Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng đã dàn dựng một chương trình nghệ thuật phục vụ các đại biểu tại lễ họp mặt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với chủ đề“Những nét son lịch sử”, chương trình gồm các tiết mục tái hiện những năm tháng hào hùng của dân tộc, là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” với các ca khúc “Bài ca kéo pháo”, “Giải phóng Điện Biên”, không khí hò reo, vui mừng ngày chiến thắng, đồng bào các dân tộc Tây Bắc cùng bộ đội ta tay trong tay trong điệu múa sạp truyền thống… Bên cạnh đó là các tiết mục ca ngợi Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi quân và dân ta trong đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.