Hưởng ứng Năm du lịch Yên Bái 2017 và Năm du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc

Đền Đông Cuông- nơi bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn

Đền Đông Cuông tọa lạc tại thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng nằm dọc sông Hồng. Đây còn là nơi thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Ngôi đền không chỉ thờ những anh hùng người dân tộc thiểu số như: Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng... đã góp sức cùng nhân dân cả nước thời Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông mà đây còn là nơi thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Ở đền Đông Cuông, hình tượng Mẫu Thượng ngàn cai quản 81 cửa rừng có sự pha trộn, chồng lớp bởi rất nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau. Theo truyền tụng, đây vốn là một ngôi miếu nhỏ thờ thần núi, thần rừng. Ngôi miếu này trở thành đình vào thời Lê và đến triều Nguyễn thì đổi thành đền.

Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục”, ngôi miếu này thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, giúp dân lập bản lập mường, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói. Đền Đông Cuông còn có tên là đền Thần Vệ quốc theo sắc phong của triều đình Nguyễn. Vua Lê Thái Tổ đã phong bà là Lê Mại Đại Vương, sau khi bà đã phù hộ cho vua Lê đánh giặc. Như vậy, ở Đông Cuông, Mẫu Thượng ngàn là bậc anh linh, quyền cao tối thượng nhưng gần gũi, bình dị trong đời sống tâm linh của người dân.

Đền Đông Cuông được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định là vùng khởi nguồn của Mẫu Thượng ngàn trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt. Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: “Đền Đông Cuông có vị trí cực kỳ quan trọng trong hệ thống thờ đạo Mẫu, được coi là cội nguồn của Mẫu Thượng Ngàn, vì trong thế vạn thần của đạo Mẫu, Mẫu Đông Cuông là Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn (nhạc phủ) cai quản miền rừng núi. Trong niềm tin tâm linh của các đệ tử đạo Mẫu thì đền Đông Cuông là nơi ngự chính và nơi giáng sinh của Mẫu Thượng ngàn”.

     Hát văn hầu đồng tại đền Đông Cuông.
Hát văn hầu đồng tại đền Đông Cuông.

Những năm gần đây, đền Đông Cuông là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội. Mỗi năm có tới hàng trăm ngàn lượt du khách từ khắp các tỉnh, thành trong nước hành hương tìm về đền Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh đền và cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống.

Trong Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và thờ Mẫu Thượng ngàn tại đền Mẫu Đông Cuông nói riêng, có một nghi lễ hết sức đặc biệt, đó là nghi lễ hầu đồng - một nghi thức tín ngưỡng thực hành tiêu biểu nhất của đạo Mẫu. Hàng năm, cứ xuân thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và "bắc ghế hầu Thánh".

Hầu đồng thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian ca tụng mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh, dựa trên việc kết hợp hát chầu văn, một loại hình âm nhạc mang tính tâm linh với lời ca trau chuốt, giai điệu rộn ràng, cuốn hút cùng với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm... Đây là một hình thức diễn xướng lại các sự tích của các vị thần để ca ngợi công lao, bày tỏ tấm lòng thành kính đối với các vị thần chính.

Vì vậy, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc, dụng cụ, trang phục, nghệ thuật diễn xướng và tấm lòng tôn kính với thần linh. Trong khi hầu đồng, người được nhập đồng múa các điệu theo tính cách của từng giá đồng, còn ở dưới cung văn tấu lên theo làn điệu chầu văn, lời ca mô tả nhân vật của giá đồng, tả quang cảnh nhân vật xuất hiện, kể sự tích và công đức của các thánh.

Sự cầu kỳ trong khâu chuẩn bị từ điện thờ, người phục vụ đến dàn nhạc, trang phục, lễ vật đã góp phần tạo nên cho nghi thức hầu đồng tại đền Đông Cuông mang sắc màu huyền bí rất riêng, thiêng liêng mà cũng không kém phần độc đáo.

Từ đó, chuyển tải sức mạnh và ý nghĩa của nghi lễ hầu đồng chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe.

Thanh đồng Nguyễn Mai Anh ở Hà Nội chia sẻ: “Hàng năm, tôi đều về cửa Mẫu Đông Cuông để nhất tâm “bắc ghế hầu Thánh”. Tôi thấy nơi đây rất linh thiêng, phong cảnh đẹp. Khi nhập vai vào các giá hầu, tôi ước mong cho gia đình, người thân cùng con nhang đệ tử trong bản hội được sức khỏe, tài lộc, may mắn và bình an”.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và thờ Mẫu Thượng ngàn nói riêng trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đã xuất hiện từ lâu đời ở Văn Yên, tồn tại và có sức sống lâu bền trong nhân dân, nhất là khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Huyện Văn Yên đã có những quy định cụ thể, thống nhất trong việc thực hành nghi lễ tại các đền, chùa, siết chặt, tăng cường quản lý văn hóa, lễ hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và du khách thập phương có nhận thức đúng đắn về giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu, để những giá trị văn hóa, tâm linh tốt đẹp của di sản được gìn giữ và phát huy.

Hưởng ứng Năm Du lịch Yên Bái 2017 và Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc, từ ngày 20 đến 21/5/2017 tại Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền Đông Cuông sẽ diễn ra Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn và Hội chợ giới thiệu các sản phẩm quế huyện Văn Yên.

Trong khuôn khổ chương trình của Festival bao gồm các nội dung chính là: carnaval rước biểu tượng Mẫu Thượng ngàn; trình diễn nghệ thuật thực hành tín ngưỡng đạo Mẫu; trình diễn trang phục thực hành tín ngưỡng đạo Mẫu; rước nước thiêng ở sông Hồng; triển lãm, trưng bày tranh, ảnh, thực hành nghi lễ thờ Mẫu.

Đây là dịp quy tụ những bản hội, thanh đồng, cung văn và các nghệ nhân hát chầu văn từ các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, diễn xướng hầu đồng, trình diễn trang phục truyền thống trong nghi lễ thờ Mẫu Thượng ngàn nhằm tạo dựng cách tiếp nhận mới cho du khách và nhân dân địa phương đối với một di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc. Đồng thời, là một trong những điểm nhấn quan trọng, đặc sắc nhất trong các hoạt động văn hóa du lịch của Yên Bái năm 2017.

Song song với những hoạt động trong Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn, nhiều hoạt động khác sẽ được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, con người, sản phẩm quế Văn Yên đến với du khách thập phương trong và ngoài nước như: hội chợ giới thiệu các sản phẩm quế; giới thiệu về trang phục, ẩm thực, tín ngưỡng của các dân tộc trên địa bàn huyện.

Những hoạt động trên sẽ hứa hẹn mang tới những trải nghiệm thú vị về vùng đất quế Văn Yên - Yên Bái rất truyền thống, thân thiện, mến khách mà cũng rất mới lạ cho du khách và người dân nơi đây.

Báo Yên Bái

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Theo thông tin từ Công ty lữ hành Hana Tour – hãng du lịch lớn nhất Hàn Quốc – lượng đặt tour trọn gói đến Sa Pa (Lào Cai) trong nửa đầu năm 2025 đã tăng tới 333% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, trong tháng 1/2025, lượng khách Hàn đặt tour đến điểm đến vùng cao này tăng vọt 1.138%, đánh dấu mức tăng trưởng kỷ lục. 

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Là căn cứ địa cách mạng, Thái Nguyên có nhiều “địa chỉ đỏ” lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Trong đó, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên và duy nhất của Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.

Ba lô, máy ảnh và hành trình xuôi ngược sông Hồng

Ba lô, máy ảnh và hành trình xuôi ngược sông Hồng

“Không phải lúc nào người ta cũng có cơ hội để xuôi ngược theo một dòng sông. Nhưng nếu được, hãy đi một lần. Vì đó không chỉ là hành trình về địa lý, với nhà báo đây còn là cơ hội để mình được dấn thân và thể hiện đam mê với nghề” - đó là những dòng tôi viết trong cuốn sổ nhỏ mang theo khi bắt đầu hành trình ngược xuôi theo dòng sông Mẹ.

Presstrip - cơ hội “vàng” quảng bá du lịch Lào Cai

Presstrip - cơ hội “vàng” quảng bá du lịch Lào Cai

Không đơn thuần là một chuyến đi trải nghiệm, chương trình khảo sát thực tế dành cho báo chí (presstrip) trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Lào Cai 2025 đã trở thành nhịp cầu kết nối giữa truyền thông và ngành du lịch. Presstrip là cơ hội “vàng” để các sản phẩm du lịch đặc trưng của Lào Cai được truyền thông sâu rộng hơn trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.

Truyền thông quốc tế gọi tên Đà Nẵng: "Điểm đến mới của giới thượng lưu Trung Đông"

Truyền thông quốc tế gọi tên Đà Nẵng: "Điểm đến mới của giới thượng lưu Trung Đông"

Việc Emirates chính thức khai thác đường bay thẳng Dubai - Đà Nẵng từ tháng 6/2025 mở ra “cuộc cách mạng du lịch” thực thụ cho thành phố sông Hàn. Đà Nẵng sẵn sàng vươn mình trở thành điểm đến hàng đầu dành cho du khách cao cấp, đặc biệt là từ thị trường Trung Đông giàu tiềm năng.

Hanoi Free Tour Guides: Cách người trẻ làm du lịch cộng đồng cho khách quốc tế

Hanoi Free Tour Guides: Cách người trẻ làm du lịch cộng đồng cho khách quốc tế

Trên chiếc ghế đá ven hồ Gươm, một cô sinh viên Việt Nam đang say sưa kể cho vị khách Ba Lan về truyền thuyết Rùa Vàng. Không giáo án, không kịch bản, người hướng dẫn viên mang đến cho du khách sự háo hức và nụ cười sảng khoái. Khoảnh khắc giản dị ấy chính là lát cắt chân thực của Hanoi Free Tour Guides (HFTGs) – nơi những người trẻ góp phần làm mới diện mạo du lịch Thủ đô bằng sự thân thiện, gần gũi.

fb yt zl tw