Trong những năm qua, tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khá cao ở khu vực Tây Bắc. Có được kết quả đó là do tỉnh đã khai thác có hiệu quả lợi thế về kinh tế cửa khẩu và những lợi thế về du lịch, khai thác khoáng sản… Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng là tỉnh đã quan tâm chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhìn lại kết quả đào tạo nguồn nhân lực trong những năm qua của tỉnh cho thấy vẫn còn những bất cập, tồn tại cần có giải pháp khắc phục.
Tỷ lệ người lao động chưa qua đào tạo cao
Theo con số thống kê, trên địa bàn tỉnh có 1.808 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang sử dụng gần 46.000 lao động thì mới có 77% người lao động đã qua đào tạo, còn lại hơn 23% chưa qua đào tạo.
Tỷ lệ người lao động chưa qua đào tạo cao trong khi nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề của các nhà máy, xí nghiệp, đơn vị sản xuất ngày một tăng, nhất là trong thời gian tới, khi các nhà máy lớn tại một số khu công nghiệp trong tỉnh đi vào hoạt động đang là thách thức đặt ra đối với công tác đào tạo nghề.
Mặc dù thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhưng kết quả thì còn khiêm tốn. Cụ thể: Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nói chung của tỉnh chỉ đạt 42% và trong đó tỷ lệ lao động được đào tạo nghề mới đạt gần 34% (cao đẳng, trung cấp nghề là 15.600 người).
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Lành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Kết quả đào tạo nghề của tỉnh còn thấp là do thời điểm vừa qua kinh tế suy thoái, công tác tuyển sinh đào tạo nghề gặp khó khăn. Ngoài ra, do nhận thức của người lao động ở các địa phương, nhất là các huyện vùng cao về tầm quan trọng của việc học nghề còn hạn chế; kinh phí đầu tư cho công tác đào tạo nghề còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo nghề tại các trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động, nên số người tìm được việc làm sau khi được đào tạo nghề còn thấp, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều lao động không muốn đi học nghề.
Nắm chắc nhu cầu để tổ chức đào tạo
Nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh đã đặc biệt quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo nghề. Trong “Đào tạo nghề cho người lao động tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2010 - 2015” là chương trình trọng tâm, với mục tiêu là đào tạo đội ngũ lao động có trình độ tay nghề, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh. Theo đó, mục tiêu của chương trình là đào tạo nghề cho 63.950 lao động, phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 27,8% năm 2010 lên 42,9% năm 2015. Cùng với mục tiêu đào tạo đủ nguồn nhân lực đón đầu sự phát triển kinh tế thì vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo cũng được chú trọng trong các cơ sở đào tạo nghề.
Để thực hiện Chương trình “Đào tạo nghề cho người lao động tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2010 - 2015”, tỉnh đã phê duyệt 2 dự án quan trọng đó là Dự án dạy nghề cho lao động nông thôn và Dự án dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp nghề. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên, mở thêm ngành nghề đào tạo. Hiện, toàn tỉnh đã có 1 trường cao đẳng nghề, 1 trường trung cấp nghề, 1 trường trung học chuyên nghiệp có hoạt động dạy nghề và 16 trung tâm dạy nghề ở các địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề còn nhiều khó khăn và hiệu quả đào tạo nghề chưa cao, nhất là các cơ sở đào nghề ở các huyện, thành phố. Nhiều trung tâm dạy nghề ở các huyện mặc dù được đầu tư hạ tầng nhưng trang, thiết bị phục vụ công tác dạy nghề còn nghèo nàn, số lượng giáo viên ở một số mảng nghề quan trọng còn thiếu, nguồn ngân sách dành cho đào tạo nghề vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nghề chưa nắm chắc nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động để có kế hoạch đào tạo phù hợp, nên ngành nghề cần tuyển thì không mở lớp đào tạo và ngược lại nhiều ngành nghề mở lớp nhưng khi học xong người lao động khó tìm được việc làm. Đây cũng là yếu tố khiến người lao động chưa được đào tạo nghề không muốn đi học nghề.
Cần lộ trình trúng đích
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung và công tác đào tạo nghề nói riêng cần phải có những giải pháp đồng bộ và một lộ trình trúng đích. Tại hội thảo đánh giá kết quả thực hiện duy trì và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh PCI năm 2013 do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức, các đại biểu đã đề xuất những giải pháp đối với công tác dạy nghề đó là: Tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp về công tác đào tạo nghề cho người lao động, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong công tác vận động, tuyên truyền thực hiện chương trình đào tạo nghề. Tổ chức rà soát lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn, qua đó đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên, trang, thiết bị phục vụ công tác dạy nghề để có hướng đầu tư phù hợp. Hàng năm, ngành lao động - thương binh và xã hội tổ chức khảo sát nhu cầu lao động của các khu công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn để thông tin cho các đơn vị đào tạo nghề xây dựng kế hoạch đào tạo ngành nghề ngắn hạn và dài hạn phù hợp. Các cơ sở dạy nghề trong tỉnh cần mở rộng hợp tác với các trường đại học có kinh nghiệm về đào tạo nghề và có đội ngũ giáo viên trình độ cao, có thiết bị giảng dạy hiện đại; khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội tham gia đầu tư vào công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm và một giải pháp quan trọng khác là thành lập sàn giao dịch giới thiệu việc làm để thiết lập kênh thông tin đa chiều giữa đào tạo nghề - giới thiệu việc làm - người lao động và đơn vị sử dụng lao động.