LCĐT - Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 11/8/2021, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Thông điệp của người đứng đầu Đảng ta gửi gắm sự kỳ vọng to lớn vào đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn biết giữ gìn phẩm chất, tư cách, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Đó cũng chính là “cội nguồn của sức mạnh” để xây dựng khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Những năm qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã gặt hái được nhiều thành công lớn, cuộc chiến chống tham nhũng thực hiện theo đúng phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Kết quả đó góp phần củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về quyết tâm của Đảng ta trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng nhũng nhiễu, tha hóa, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngày càng khó xác định về ranh giới, thậm chí nếu không kiên quyết gột rửa, chủ nghĩa cá nhân cùng với lòng tham sẽ vượt qua ranh giới của liêm sỉ và lòng tự trọng. Điều này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở: Cần chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm! Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”.
Trước yêu cầu công cuộc đổi mới nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm hiện thực hóa mục tiêu vào năm 2030 và tầm nhìn 2045, bên cạnh những tác động của mặt trái cơ chế thị trường cùng với những cám dỗ vật chất, sự mê hoặc của đồng tiền và quyền lực ngày càng tinh vi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn gửi đến cán bộ, đảng viên lời nhắn nhủ nếu không vượt qua được chính mình, không giữ được danh dự, liêm sỉ thì không chỉ cá nhân đó mất hết mà sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của Nhân dân đối với Đảng.
Trong bản Di chúc thiêng liêng Hồ Chủ tịch để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, Người ân cần căn dặn “Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sực cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân. Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2021 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh "Thanh sạch, liêm khiết ấy chính là liêm vậy. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, cũng chẳng muốn ham hố vật chất. Hơn nữa, chính là tinh thần chí công vô tư, "dĩ công vi thượng" và biết quên mình mà làm chuyện ích lợi chung. Người liêm khiết thì luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, thanh danh mình được thơm tho, không lợi dụng địa vị mình để chiếm công vi tư, để nhũng nhiễu, bóc lột đồng loại. Một công bộc quốc gia liêm chính phải: Có đức, có tài, biết kính trọng nghề nghiệp, vui vẻ với mọi người, công chính vô tư; biết lễ, phép, biết hay, dở, phải, trái. Chung quy một người liêm chính là người tài đức xứng với danh vị của mình, với chức tước, phận vị của mình”.
Thực tế cuộc sống vốn dĩ luôn đa dạng và luôn biến đổi, vì vậy, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cũng giống như rửa mặt hằng ngày, đúng như Bác Hồ đã từng căn dặn “Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi, trượt chân một cái là ngã nhào xuống vực sâu”. Danh dự, uy tín con người không thể đo đếm hay mua bằng tiền, vàng hoặc vật chất. Danh dự cũng không bỗng dưng hoặc trong một chốc một lát có được, mà phải trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện dày công gây dựng mới có, giống như “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Uy tín, nhân phẩm do mỗi con người tự xác định xây đắp nên, không ai có thể làm thay, làm hộ được. Danh dự không xa vời, trừu tượng mà rất gần gũi ngay nơi mỗi lời nói, hành động của chúng ta; nó được thử thách qua thực tiễn công tác và cuộc sống hằng ngày của mỗi người, trải qua công việc, giao tiếp, đối nhân xử thế. Danh dự cũng không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chức vụ, nghề nghiệp, giới tính. Nhưng một người có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng, luôn “dĩ công vi thượng” thì uy tín, danh dự trong xã hội càng lớn. Người có danh dự, lòng tự trọng luôn ngay thẳng, cương trực, thấy sai thì đấu tranh, thấy đúng luôn bảo vệ, chứ không phải “ẩn mình” chỉ biết mình; không bao giờ tự kiêu, tự mãn với những gì đã làm được. Người cao tuổi phải làm gương, là mẫu cho người trẻ noi theo, người có chức vụ cao càng phải sống trọng danh dự để cấp dưới học tập, đó là những chân lý, lẽ phải mà mỗi con người luôn hướng tới để đạt giá trị chân, thiện, mỹ.
Danh dự, uy tín con người không thể đo đếm hay mua bằng vật chất. Danh dự cũng không bỗng dưng hoặc trong một chốc một lát có được, mà phải trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện dày công gây dựng mới có. Uy tín, nhân phẩm do mỗi con người tự xác định xây đắp nên, không ai có thể làm thay, làm hộ được. Danh dự không xa vời, trừu tượng mà rất gần gũi ngay nơi mỗi lời nói, hành động của chúng ta; nó được thử thách qua thực tiễn công tác và cuộc sống hằng ngày của mỗi người, trải qua công việc, giao tiếp, đối nhân xử thế. Danh dự cũng không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chức vụ, nghề nghiệp, giới tính. Nhưng một người có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng, chức vụ càng cao thì uy tín, danh dự trong xã hội càng lớn. Người có danh dự, lòng tự trọng luôn ngay thẳng, cương trực, thấy sai thì đấu tranh, thấy đúng luôn bảo vệ, chứ không phải “ẩn mình” chỉ biết mình; không bao giờ tự kiêu, tự mãn với những gì đã làm được. Người cao tuổi phải làm gương, là mẫu cho người trẻ noi theo, người có chức vụ cao càng phải sống trọng danh dự để cấp dưới học tập.
Uống rượu, bia buổi trưa, chiều đi làm việc, tiếp dân (khi đã có quy định cấm) hoặc đi xe máy không đội mũ bảo hiểm (vi phạm Luật Giao thông đường bộ) phải biết ngượng ngùng, xấu hổ và tự nhủ lần sau không tái phạm nữa, ấy là người trọng danh dự. Ngược lại, người lấy hành lang của công làm của riêng nhà mình, tham ô, tham nhũng, ăn tiêu phung phí trên đồng tiền thuế của dân, dù ít hay nhiều, dùng xe cơ quan đưa vợ con đi làm việc riêng; vi phạm thuần phong mỹ tục, hương ước, quy ước của làng xã đều là người không trọng danh dự, không có lòng tự trọng. Bởi nếu có danh dự, lòng tự trọng đã không làm như vậy.
Học tập Bác, làm theo Bác và nêu gương là một việc làm thiêng liêng, không chỉ có giá trị trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài đối với công tác xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện. Học tập và làm theo Bác một cách thực chất sẽ trở thành động lực cho sự phát triển của tỉnh, một trong những vấn đề có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, góp phần đưa Lào Cai tiếp tục trở thành tỉnh phát triển của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Dương Đức Huy
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy