Đảng, Bác Hồ tin cậy, quý trọng người Mông

LCĐT - Đáp lại sự quan tâm, quý trọng của Đảng, Bác Hồ, một triệu người Mông trong cả nước đã không ngừng vươn lên, lập nhiều thành tích mới trong công cuộc xây dựng quê hương.

Tháng 10/1954, Khu ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính khu Tây Bắc mở lớp huấn luyện cho cán bộ 4 tỉnh trong khu về chính sách thành lập "khu tự trị" đầu tiên sau chiến thắng Điện Biên Phủ giải phóng miền Bắc. Đồng chí Dương, cố vấn Trung Quốc (ở Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây) sang giúp đỡ kinh nghiệm và cách tổ chức thực hiện. Người dự huấn luyện được nghe cán bộ ở Sơn La, Lai Châu kể về nỗi khổ của nhân dân Tây Bắc thời Pháp thuộc và những năm bị Pháp tạm chiếm vùng đất chiến lược này; chúng tìm mọi cách chia rẽ các dân tộc với nhau.

Đảng, Bác Hồ tin cậy, quý trọng người Mông ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu bao la cho đồng bào các dân tộc Việt Nam.    Ảnh: T.L

Trong thời kỳ tạm chiếm, Pháp cho thành lập "Xứ Thái tự trị" ở Tây Bắc, "Xứ Nùng tự trị" bên Lạng Sơn, Cao Bằng để mị dân, dùng lính Thái Lai Châu xuống Sơn La đàn áp nhân dân, gây nhiều tội ác khắp các bản làng khi chưa giải phóng.

Tại lớp học, chúng tôi chỉ được phổ biến chính sách thành lập "Khu tự trị Thái" (có thể do ta làm theo kinh nghiệm của Trung Quốc, ở Quảng Tây có hàng chục triệu dân, đa sắc tộc, nhưng chỉ lấy dân tộc Choang đặt tên cho khu tự trị). Song, đến tháng 4/1955, tại sắc lệnh thành lập đơn vị hành chính mới được ghi là "Khu tự trị Thái - Mèo", 1 khu tự trị có 2 dân tộc Thái và Mèo (nay gọi là người Mông) tiêu biểu, đại diện cho gần 40 vạn dân của hơn 30 dân tộc chung sống trên địa bàn gồm 2 tỉnh Sơn La, Lai Châu, các huyện Văn Chấn,Than Uyên (tỉnh Yên Bái), huyện Phong Thổ (tỉnh Lao Cai). Chúng tôi được giải thích: Nếu đặt tên là khu tự trị Thái như dự thảo ban đầu sẽ bị hiểu lầm với "Xứ Thái tự trị" đã bị phá tan trong chiến dịch giải phóng Tây Bắc năm 1952. Mặt khác, quan trọng hơn là dân tộc Mông tuy mới nhập cư vào Đại Việt 300 - 400 năm, nhưng có dân số khá đông, định cư khắp các tỉnh biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, từ Cao Bằng vào đến Nghệ An, các tỉnh nội địa Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình. Tuy định cư ở vùng cao cách trở, chủ yếu làm nương, nhưng người Mông đều có bản lĩnh đặc biệt: Trung thực, tự lực, tự cường, tự giác tham gia bảo vệ đất nước, kiên cường dũng cảm khi Tổ quốc lâm nguy.

Đầu triều Khải Định (1918), anh thanh niên người Mông là Giàng Tả Chay quê ở Tả Phìn (Lai Châu) đã dấy cờ tụ nghĩa chống giặc "Pha Lăng" trong ba năm ròng mới phải lui quân. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đã có những nhân vật tiêu biểu người Mông tập hợp lực lượng đánh tây, như Thống lý Lý Nụ Chu ở Tú Lệ (Yên Bái); Mo Chống Lầu (Phù Yên); ông Thào Ngọc Lương (Thuận Châu), ông Sùng Phái Sinh (Tuần Giáo)... Đã có hàng trăm thanh niên người Mông hy sinh, bị thương khi theo Chính phủ do Bác Hồ lãnh đạo đánh Pháp; 7 chiến sỹ người Mông được tuyên dương Anh hùng quân đội (quê ở Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang) do có thành tích đặc biệt  xuất sắc khi đánh Pháp, tiễu phỉ trừ gian.

Đảng, Chính phủ, Hồ Chủ tịch rất quý trọng người Mông, nên đã đặt tên cho khu tự trị đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là "Khu tự trị Thái - Mèo" hoàn toàn khác với dự kiến ban đầu chỉ đặt tên là "Khu tự trị Thái", được nhân dân đồng tình ủng hộ. Không chỉ có thế, Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch quý trọng người Mông còn xuất phát từ thực tế lịch sử diễn ra trước và sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Bị Nhật hất cẳng từ cuộc đảo chính ngày 9/3/1945, quân Pháp bỏ chạy sang Trung Quốc. Quyết không cho Nhật lên Đồng Văn, ông Vương Chí Sình (con trai vua Mông Vương Chính Đức), dù đã 60 tuổi nhưng vẫn chỉ huy đội dân binh người Mông đánh tan một đại đội lính Nhật ở Lao Và Chải, thắng Nhật khi chúng tiến vào Phố Ràng, khiến một đại đội bộ binh, một trung đội kỵ binh Nhật tan thây. Đây là thảm bại lớn nhất của quân đội Thiên Hoàng trên chiến trường Đông Dương, buộc Nhật phải ký với Vương Chính Đức một hòa ước "bồi thường chiến phí" cho người Mông bị thiệt hại. Đây là hiệp ước duy nhất Nhật phải ký với vị trí là kẻ bại trận, điều mà không một thủ lĩnh kháng chiến nào khác ở các xứ thuộc địa châu Á làm được ngoài cha con ông Vương Chính Đức, Vương Chí Sình ở Hà Giang.

Đại chiến thế giới lần thứ hai sắp kết thúc, Tưởng Giới Thạch đã cho 2 viên tướng là Lư Hán, Tiêu Văn chỉ huy tập đoàn quân Vân Nam áp sát biên giới Việt Nam cũng bị vua Mông họ Vương ngăn cản... Hồ Chủ tịch nhìn thấu và đánh giá cao chủ trương đúng đắn của ông Vương Chí Sình. Khi kết nghĩa anh em với Vương Chí Sình, Bác đã tặng ông một đôi bảo kiếm khắc 8 chữ vàng "Tận trung báo quốc - Bất thụ nô lệ".

Hưởng ứng "Tuần lễ vàng" do Cụ Hồ phát động tháng 9/1945, ông Vương Chí Sình đã tin cậy và giao cho cậu thiếu niên Vừ Mí Kẻ (làm việc coi ngựa) mới 16 tuổi áp tải 22 vạn đồng bạc trắng và 9 kg vàng về Hà Nội ủng hộ Chính phủ mà không suy suyển một đồng. Ông Vương Chí Sình được bầu vào Quốc hội khóa I (1946), đến kỳ bầu cử khóa II (1960) cả Vương Chí Sình khi ấy đã 75 tuổi và ông Vừ Mí Kẻ 31 tuổi -  hai con người, hai thân phận khác nhau đều là đại biểu Quốc hội. Riêng ông Mí Kẻ liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội 5 khóa liền, do có những đóng góp to lớn cho xứ sở Hà Giang. Ông từng là Chủ tịch UBND xã Sa Phìn, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Hà Tuyên, Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Giang, trong đó có 7 năm (1959 - 1965) làm Tổng chỉ huy làm con đường "Hạnh phúc" (do Bác Hồ đặt tên) dài 165 km, vừa phải tiễu phỉ phá hoại từ thị xã Hà Giang lên vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc. Con đường này được hoàn thành từ hơn 2 triệu ngày công của dân công, công nhân 8 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Nam Định, Hưng Yên. Ông Sùng Tài Sùng, Bí thư Đoàn thanh niên công trường trở thành Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang sau khi thông xe lên Mèo Vạc, Đồng Văn.

Người Mông từ Việt Bắc sang Tây Bắc đều thông minh, dũng cảm kiên cường, một lòng một dạ theo cách mạng do Cụ Hồ lãnh đạo, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy, quý trọng. Họ hết lòng tận trung với nước, không chịu làm nô lệ cho ngoại bang, vì thế Đảng, Chính phủ, Bác Hồ đã dành cho người Mông một vị trí xứng đáng: Đặt tên cho khu tự trị đầu tiên được thành lập sau chiến thắng Điện Biên - "Khu tự trị Thái - Mèo" ở miền Tây Bắc Tổ quốc, vùng biên giới giáp 2 nước bạn Trung - Lào, quản lý 18 châu (huyện), đến năm 1962 đổi tên thành Khu tự trị Tây Bắc. Trước yêu cầu của tình hình mới sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tháng 12/1975, Quốc hội đã ra nghị quyết cải tiến hệ thống các đơn vị hành chính "bỏ cấp khu" trong cả nước. Khu tự trị Tây Bắc, Khu tự trị Việt Bắc cũng giải thể, kết thúc 20 năm tồn tại, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng XHCN ở miền Bắc và làm hậu phương vững chắc cho cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, đồng thời làm tốt nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào.

Phát huy truyền thống cách mạng của dân tộc Mông năm xưa, để đáp lại sự quan tâm, quý trọng của Đảng, Bác Hồ, một triệu người Mông trong cả nước đã và đang lập nhiều thành tích trong công cuộc đổi mới quê hương. Nhiều người đã trưởng thành, có học vấn cao, được giao nhiều trọng trách ở các cơ quan lãnh đạo ở địa phương và Trung ương. Họ đã trở thành chỗ dựa vững chắc trong quá trình thực hiện các chính sách trong thời đại Hồ Chí Minh của Đảng, Quốc hội và Chính phủ hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai xuất cảnh tham dự Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt - Trung lần thứ XI

Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai xuất cảnh tham dự Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt - Trung lần thứ XI

Chiều 24/11, Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai (Việt Nam) do đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã xuất cảnh tham dự Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt - Trung lần thứ XI.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Ngày 23/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Kinh nghiệm trong công tác luân chuyển cán bộ ở thị xã Sa Pa

Kinh nghiệm trong công tác luân chuyển cán bộ ở thị xã Sa Pa

Thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh về bố trí điều động, luân chuyển một số chức danh, cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương đã tạo cơ hội cho cán bộ được rèn luyện, bồi dưỡng, nhất là cán bộ trẻ từng bước trưởng thành, đáp ứng nhiệm vụ về lâu dài...

Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai (23/11)

Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai (23/11)

Đêm nay và ngày mai, do chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao lạnh lục địa có cường độ ổn định nên thời tiết các địa phương trong tỉnh mây thay đổi, không mưa, ngày trời nắng, gió Đông Nam cấp 2; đêm về sáng trời lạnh, vùng cao và núi cao trời rét đậm, có nơi có sương mù.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bắt đầu thăm chính thức Vương quốc Campuchia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bắt đầu thăm chính thức Vương quốc Campuchia

Chuyến thăm nhằm tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam - Campuchia đi vào giai đoạn phát triển mới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác hiệu quả, tôn trọng lợi ích của nhau; góp phần củng cố tin cậy chiến lược và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội và Thượng viện Vương quốc Campuchia.

fbytzltw