Anh Nguyễn Quốc Kỳ, một công dân của Thủ đô Hà Nội đam mê “phượt”. Trong đợt chinh phục đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử vừa qua, anh đã ngẫu hứng thổi bài Xuân trên bản Mông tại đỉnh núi cao thứ năm của nước Việt
Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử là ranh giới tự nhiên giữa hai xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu và xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đây là đỉnh núi cao thứ năm ở Việt Nam. Đây cũng là địa điểm mà giới mê “phượt” mong muốn đặt chân đến một lần.
Bạch Mộc Lương Tử cao 3.046m so với mực nước biển. Để lên tới đỉnh, du khách phải leo quãng đường dài khoảng 30 km, qua nhiều địa hình khác nhau như đồi trọc, rừng tre nứa, rừng gỗ lớn, rừng trúc lùn đến những vách đá cheo leo toàn rêu phủ.
Mỗi hành trình chinh phục độ cao của đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, anh Kỳ cùng các bạn leo núi đều trải qua những cung bậc cảm xúc vô cùng sảng khoái.
Vốn là người đam mê leo núi, anh Kỳ cũng thường xuyên cùng bạn bè tổ chức các tour để chinh phục những đỉnh núi cao của Việt Nam. Mỗi đỉnh núi mà anh đặt chân lên đều có cảm giác hào sảng và tự hào. Yêu thiên nhiên và thích khám phá vùng núi đồi trập trùng trải dài theo biên giới Việt – Trung, anh Kỳ còn cất công học thổi sáo. “Khi bạn đứng trên những đỉnh núi rộng mở, tâm hồn con người khi đó vô cùng rộng mở. Tôi chỉ ước có một cây sáo Mông để thả được hồn mình theo mây gió”, anh Kỳ chia sẻ.
Từ suy nghĩ đó, đầu năm 2017, anh Kỳ đã cất công học kỳ được cách thổi sáo của đồng bào Mông. Trong những chuyến xuyên rừng, anh đều dắt theo chiếc sáo bên mình. Những lúc chân nặng như đeo đá khi leo núi, người mệt lả, anh lại lôi sáo ra thổi.
Tiếng sáo như nâng bước chân anh lên tới các đỉnh cao. Nó như nguồn nhựa sống giúp người leo núi như anh cùng nhau vượt lên chính mình. Bài Xuân về trên bản Mông mà anh thể hiện trên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử như một bài ca hào sảng giữa núi rừng.