Ðam mê với “nghệ thuật thứ 8”

LCĐT - Lào Cai là “mỏ vàng” rất lớn đối với các nghệ sỹ nhiếp ảnh, phong phú về chủ đề, không gian hoạt động, chúng tôi có đi đâu sáng tác cũng chỉ là “đổi gió” chút thôi, chứ ngay tại quê nhà đã không thể nào khai thác hết”. Đó là bộc bạch của nhiếp ảnh gia Mạnh Cường, Chi hội phó Chi hội Nhiếp ảnh Lào Cai thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh khi nói về tiềm năng đề tài sáng tác trên đất Lào Cai đối với các nghệ sỹ nhiếp ảnh.

Từ lâu, nhiều người đã phải thừa nhận nhiếp ảnh là môn “nghệ thuật thứ 8”, đứng sau 6 môn nghệ thuật được định danh từ thời cổ đại: hội họa, điêu khắc, âm nhạc, kiến trúc, văn chương, sân khấu và thứ 7 là điện ảnh. Điều đó quả không sai khi những tác phẩm ảnh nghệ thuật ngày càng thể hiện rõ tính tư tưởng, thẩm mỹ, gợi những cảm xúc đối với người cảm nhận. Những người luôn mang trong mình đam mê chụp ảnh nghệ thuật chính là các nhiếp ảnh gia, nghệ sỹ nhiếp ảnh.

Tác phẩm “Mùa vàng” giành Huy chương Đồng Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc của tác giả Thào Minh Tâm.
Tác phẩm “Mùa vàng” giành Huy chương Đồng Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc của tác giả Thào Minh Tâm.

Với phóng viên, để có cuộc hẹn thành công với các nghệ sỹ nhiếp ảnh không hề dễ dàng. Có khi sát giờ vẫn bị hủy vì lý do rất khách quan: “Bỗng nhiên thời tiết đẹp quá, chúng mình phải lên đường sáng tác thôi. Xin lỗi nhé!”. Và rồi vào một ngày tiết trời âm u, mưa xuân rả rích, bên một quán cà phê vắng khách ở con phố khuất nẻo trong lòng thành phố Lào Cai, tôi đã có may mắn khi được trò chuyện với một số nghệ sỹ của Lào Cai đam mê môn “nghệ thuật thứ 8”.

Trong công tác chuyên môn là Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, Mạnh Cường bấm máy từ khá sớm bởi công việc của anh trước đây liên quan đến sưu tầm tài liệu, hiện vật lịch sử. Nhưng ảnh nghệ thuật chỉ đến với anh cách đây vài năm và sớm hấp dẫn, lôi cuốn anh khiến những lần phải buông bát cơm dở bữa để lên đường khi nghe ở nơi nào đó có tuyết rơi, những ngày mây, nắng đẹp, khi cộng tác viên gọi điện tới thông báo ở vùng quê nào đó chuẩn bị diễn ra những lễ hội đặc sắc văn hóa…

Anh Mạnh Cường bảo, khi lao vào sáng tác mới thấy nhiếp ảnh lại khiến mình mê mẩn đến thế. Mỗi lần chụp được bức hình đẹp lại lôi ra ngắm, ngắm đi ngắm lại rồi tự phân tích từng chi tiết có trong nội dung, bố cục, từng điểm ánh sáng, góc máy, độ zoom xa gần. Thế rồi tự cật vấn mình, tại sao lúc đó không mở thêm ống kính? Sao không đứng chếch sang phải khoảng một mét? Sao không bấm máy sớm hơn 1 phần trăm giây?... Rồi có khi hối tiếc những khoảnh khắc đã qua từ rất lâu, có những đêm anh Mạnh Cường bật mình ngồi dậy, trán vã mồ hôi vì trong mơ thấy mình đứng trước tiên cảnh, chưa kịp bấm thêm N bức hình thì nó chợt biến mất. Người nghệ sỹ cứ trăn trở như thế để dần nâng cao kỹ năng, đúc rút kinh nghiệm, ngày một hoàn thiện mình. “Cho dù là có năng khiếu thẩm mỹ nhưng không có ai cầm máy lên là có những bức hình đẹp ngay cả, phải học, phải cọ sát, phải đau đáu với những khuôn hình”, anh Cường tâm sự.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Mạnh Cường (bên phải) và Dương Toản trao đổi kinh nghiệm chụp ảnh nghệ thuật.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Mạnh Cường (bên phải) và Dương Toản
trao đổi kinh nghiệm chụp ảnh nghệ thuật.

Cùng cơ quan với anh Cường còn có Dương Toản, Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai chuyên ngành nhiếp ảnh. Là hội viên mới, trong giới nghệ sỹ nhiếp ảnh, Dương Toản được cho là tay máy khá kỹ tính, kén chọn đề tài sáng tác, cũng bởi vậy những tác phẩm của anh luôn có sự khác biệt rõ ràng, nhất là đề tài về lễ hội, văn hóa đồng bào các dân tộc Lào Cai. Đặc biệt, Toản chăm lo đầu tư công nghệ, thiết bị, anh đang sở hữu bộ máy ảnh và ống kính với giá trị khoảng tổng 3 năm lương công chức của anh cộng lại.

Nhìn phong thái đĩnh đạc, hoạt bát của Hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam không ai nghĩ rằng năm nay ông đã ở tuổi 76. Ở tuổi đó ông vẫn thường xuyên lên đường sáng tác, vẫn giữ trọn đam mê với nhiếp ảnh như tuổi trẻ ngày nào. Trên thực tế thì ông vẫn đang giữ ngôi vị phóng viên ảnh của Tạp chí Phan Si Păng, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Ông còn là Trưởng đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam tại Lào Cai. Theo một số hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam tại Lào Cai, sở dĩ ảnh của nghệ sỹ Huy Thức thường xuyên được đăng tải trên trang nhất Tạp chí Phan Si Păng và chiếm được nhiều giải chuyên đề vì thế mạnh chụp ảnh chân dung của ông. Cách đây hơn 20 năm, bức “Duyên quê” của ông chụp chân dung thiếu nữ Tày ở Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên đã đi vào lịch sử khi đó là tác phẩm nhiếp ảnh đầu tiên của tỉnh đoạt giải cao nhất khu vực.

Tâm sự về nghệ thuật nhiếp ảnh, nghệ sỹ Huy Thức cho biết, đa phần nghệ sỹ thiếu quan tâm chụp ảnh chân dung, nó vừa đơn điệu lại khá khó vì yêu cầu phải “bắt” được cái hồn nhân vật trong tấm hình. “Cùng một nhân vật nhưng tại sao nhiều người cùng chụp lại cho ra kết quả khác nhau? Câu trả lời là cái hồn của nhân vật hiện rõ qua ánh mắt, nụ cười, khi bắt đầu cười là lúc đẹp nhất, giống như bông hoa chúm chím hé nở. Người nghệ sỹ phải có óc phán đoán, tinh nhanh, biết khi nào phải bấm máy để chọn được khoảnh khắc vàng chỉ diễn ra trong khoảng 1/10 giây, hết thời điểm đó thì cái đẹp nhất cũng trôi theo rồi”, ông Huy Thức chia sẻ.

Tác phẩm “Hướng dẫn người dân cách phòng dịch Covid-19”, đoạt Giải C Giải thưởng Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.
Tác phẩm “Hướng dẫn người dân cách phòng dịch Covid-19”,
đoạt Giải C Giải thưởng Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.

Nữ nghệ sỹ nhiếp ảnh duy nhất của Lào Cai hiện là Thào Minh Tâm, dân tộc Mông, trú tại thị xã Sa Pa. Minh Tâm vốn là cô giáo dạy bậc tiểu học, chuyển sang hoạt động phát triển kinh tế cũng là lúc Minh Tâm có điều kiện làm quen rồi “yêu mê mệt” nhiếp ảnh nghệ thuật. Làm quen với công nghệ và nghệ thuật khá muộn (năm 2016) nhưng thành tích của Minh Tâm thì rất đáng nể, là hội viên Chi hội Nhiếp ảnh Lào Cai năm 2018, năm 2019 giành Huy chương Đồng khu vực miền núi phía Bắc; năm 2020 đoạt Giải C Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.

Nghệ thuật nhiếp ảnh đến với Minh Tâm rất ngẫu nhiên, là “tức cảnh sinh tình”, là bị những vẻ đẹp của miền đất Sa Pa thôi thúc, mê hoặc. Ban đầu chỉ đơn giản là cần có một máy ảnh để lưu giữ lại những phong cảnh, khoảnh khắc mình cho là đẹp, thế rồi cái đẹp được nâng tầm thành nghệ thuật bằng chính gu thẩm mỹ của người cầm máy. Không chỉ có Minh Tâm, Sa Pa luôn là địa phương sản sinh ra nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh với các tên tuổi như nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam Minh Được, Phúc Thạnh, hoặc các hội viên Chi hội Nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai như Thiện Hùng, Giang Sự, Hoàng Tùng…; các cộng tác viên Chi hội Nhiếp ảnh Bá Hiếu, Mạnh Hà, Trung Kiên...

Chi hội Nhiếp ảnh Lào Cai hiện có 23 hội viên, trong đó 7 người là hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam. Ngoài những tên tuổi trên còn phải kể tới các hội viên nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam như Gia Chiến (Công an tỉnh), Ngọc Bằng (Báo Lào Cai) thường xuyên đoạt những giải thưởng lớn về ảnh nghệ thuật khu vực và toàn quốc. Đam mê nhiếp ảnh hình thành từ trong cái tôi của mỗi nghệ sỹ, điều giá trị hơn với mỗi tác phẩm ảnh nghệ thuật là qua đó hình ảnh con người, quê hương Lào Cai được nâng tầm, ấn tượng trong lòng bạn bè năm châu, bốn bể.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hấp dẫn Lễ hội "Ẩm thực Mường Hoa"

Hấp dẫn Lễ hội "Ẩm thực Mường Hoa"

Ngày 28/4, UBND thị xã Sa Pa phối hợp với Công viên Văn hóa Mường Hoa Sa Pa tổ chức Lễ hội "Ẩm thực Mường Hoa" với các hoạt động trải nghiệm ẩm thực, trò chơi, biểu diễn văn hóa dân gian Tây Bắc hấp dẫn.

Âm nhạc quảng bá du lịch

Âm nhạc quảng bá du lịch

Những cảnh quay giới thiệu vẻ đẹp, đất nước con người Việt Nam kết hợp âm nhạc đang là cánh tay nối dài trong việc quảng bá du lịch Việt Nam.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã "bay về miền sáng"

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã "bay về miền sáng"

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Triển lãm "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt"

Triển lãm "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt"

Ngày 26/4, Triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt” khai mạc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực hiện, với sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đem hương vị nem cuốn Việt đến với bạn bè quốc tế ở châu Phi

Đem hương vị nem cuốn Việt đến với bạn bè quốc tế ở châu Phi

Một chút xà lách, một chút cà rốt bào sợi, một chút dứa thái miếng, một chút bạc hà, một chút thịt gà xé, hai miếng tôm hấp và rất nhiều rau mùi, đó là những nguyên liệu mà bà Paula Fernandes, người Bồ Đào Nha lựa chọn cho chiếc nem cuốn Việt của mình với tinh thần “cuốn tất cả những gì mình yêu thích”.

fb yt zl tw