Dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, dòng người từ khắp nơi lại hướng về mảnh đất huyền thoại.
Hơn nửa thế kỷ trước, Quốc lộ 41 bị không quân Pháp oanh tạc trong suốt 48 ngày đêm để ngăn cản sức chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ theo đề nghị của Đờ cát - Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và lệnh của Nava - Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Cung đường khói lửa năm xưa giờ đây là quốc lộ 6 uốn mình qua những vạt đồi xanh mướt đưa du khách đến với Điện Biên- “lá chắn thép” nơi tiền đồn biên cương phía Bắc.
Thật khó diễn tả tâm trạng của mỗi người khi đến với Điện Biên. Có người mong muốn được tận mắt chứng kiến những địa danh, di tích ghi mốc trong lịch sử dân tộc, hiểu hơn sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha ông làm nên những chiến công lừng lẫy. Cũng có người, là con cháu của các liệt sỹ hy sinh tại chiến trường này tìm về với ước nguyện tìm được thông tin của người thân.
Còn với những người lính đánh Pháp năm xưa, nay tuổi đã xế chiều, về lại Điện Biên thắp cho đồng đội một nén nhang khi sức khỏe còn cho phép, để thêm một lần sống trong ký ức hào hùng cùng đồng đội nếm mật nằm gai, xung phong chiếm từng mét chiến hào, mỏm đồi, khe suối và để được chứng kiến hình hài mảnh đất mà trước đây trong mịt mù bom đạn, ngủ rừng đánh đêm, họ chưa một lần thấy rõ.
Đến với Điện Biên, một trong những điểm được khách du lịch cũng như các cựu chiến binh chọn đến đầu tiên là nghĩa trang liệt sỹ A1 thuộc phường Mường Thanh- TP Điện Biên- nơi yên nghỉ của hơn 644 phần mộ của các anh hùng liệt sỹ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp- nơi biết bao giọt máu đào của các chiến sĩ ngày nào đổ xuống, cho bây giờ sự sống lên xanh.
Lời cầu nguyện của người cháu dâu
Tay cầm di ảnh, miệng khấn, lệ nhòe trên khoe mắt nhăn nheo, người phụ nữ chầm chậm bước đi giữa các phần mộ, thi thoảng dừng lại ghé sát tấm bia đọc thông tin về người đã khuất như mong muốn một điều kỳ diệu sẽ đến. Như sực nhớ, bà liền vội bước đến tấm bảng đen lớn chạy dài dọc hành lang nghĩa trang dò từng dòng tên trong danh sách liệt sỹ với vẻ mặt đầy hồi hộp, chờ đợi…
Bà tên là Lư Thị Hải Đường, hiện đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, đi trong đoàn Hội cựu chiến binh quận Bình Thạnh ra thăm Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Có lẽ khác với nhiều người là đi du lịch, bà Đường ra Điện Biên với mong ước hoàn thành ước nguyện của chồng mình là tìm được thông tin về nơi an nghỉ của người chú- liệt sỹ Lê Đình Tam, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và hy sinh tại đây.
Không cầm được nước mắt, bà Đường nghẹn ngào kể: “Chồng tôi có nguyện vọng làm sao tìm được hài cốt hay phần mộ của chú ruột. Có giấy báo tử từ năm 1954, nhưng do chiến tranh và nhiều điều kiện khác, gia đình chưa thể đi tìm được. Chồng tôi không làm được nhiệm vụ ấy, nên trước khi mất, ông ấy có nguyện vọng tôi sẽ đi tìm được”.
“Lúc ông nhà tôi còn sống lại không tìm thấy di ảnh chú Tam. Khi ông ấy mất, trong lúc dọn đồ tôi thấy bức ảnh quý về chú nên đem đi rửa, phóng to rồi ra Điện Biên với tâm nguyện chú có linh thiêng cho tôi biết phần mộ để tôi dán vào”- nhưng rồi như biết đó là điều không thể, bà Đường chỉ mong rằng, với tấm di ảnh, thông qua báo chí và các cơ quan có chức năng, sẽ có ai đó biết thông tin về người chú của mình.
Sau một hồi tìm kiếm, bà lại lặng lẽ bước đi theo dòng người trong nghĩa trang, nhưng mắt không ngừng tìm kiếm, hai tay cầm di ảnh, miệng cầu khấn, dẫu biết rằng hy vọng chỉ mong manh…
“Lên được đây là hạnh phúc lắm rồi”
Nghĩa trang liệt sỹ A1 về chiều, đôi bạn già chậm rãi thắp nén nhang tưởng nhớ những đồng đội của mình trong ánh hoàng hôn. Với hai ông Tuấn Linh (85 tuổi) và ông Vũ Nga (86 tuổi), đây không phải là lần đầu họ đến với Điện Biên kể từ sau mốc son 1954 lịch sử. 10 năm trước, hai người lính Điện Biên năm xưa cũng đã cùng nhau về vùng đất huyền thoại- nơi mà họ đã cùng đồng đội nếm mật nằm gai để rồi đánh bại kẻ thù.
Ông Tuấn Linh, nguyên là cán bộ tác chiến của Sư 351 pháo binh, phụ trách đôn đốc khối pháo 45, tức Trung đoàn 45 (105mm cơ giới đầu tiên); Trung đoàn 675, 3 tiểu đoàn cối 106mm và 120mm và hỏa tiễn bắn trận cuối cùng ngày 7/5/1954. Còn ông Vũ Nga, trước đây chuyên về bảo vệ tiền phương, tức công tác an ninh.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng hai ông vẫn còn khỏe và minh mẫn. Mỗi lần đặt chân lên mảnh đất Điện Biên, những ký ức 60 năm trước lại ùa về: “Tôi vẫn còn nhớ khoảnh khắc cuối cùng của trận chiến, hôm đó theo lệnh, sau khi khối bộc phá trên đồi A1 phát nổ, đất rung chuyển, tất cả các pháo bắn đồng loạt, bộ binh xung phong. Sau 1 giờ đồng hồ, địch đầu hàng”, ông Linh kể.
Nhưng sau giây phút hào hứng kể về trận chiến năm xưa, mắt người lính già lại ngấn lệ khi nhớ về đồng đội, rất nhiều người đã ngã xuống, không có cơ hội nhìn thấy một Điện Biên thay da đổi thịt trên đống hoang tàn năm nào.
Dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chính quyền Quận 10, TPHCM tổ chức cho các ông ra Điện Biên thăm đồng đội, đồng chí. Danh sách 6 người nhưng cuối cùng 4 người không thể đi vì sức khỏe yếu.
Như biết khó có cơ hội trở lại Điện Biên thêm một lần nữa, hai ông nhắc lại lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc gặp mặt tại Điện Biên 10 năm trước: “Chúng ta gặp lại nhau đây là hạnh phúc rồi”. Hai người lính Điện Biên năm xưa không kìm được nước mắt, nói với chúng tôi trước lúc chia tay: “Thế hệ sau hãy noi gương cha anh đi trước mà phấn đấu, đừng làm cái gì không tốt, các con nhé!”./.